Sống tôn giáo-4. VƯỢT QUA CÁI SỢ KHÔNG ĐÁNG SỢ

Không khó tưởng tượng, nếu Krishnamurti sinh trong chế độ toàn trị, ông sẽ ăn nói thế nào. Ông không là biểu tượng để thành đối tượng dễ bị nhập kho như Đạt Lai Lạt Ma, để phải lưu lạc. Còn nếu ông bỏ xứ ra đi tìm đất tự do để triển khai tư tưởng mình, thì miễn bàn.

Nói trên diễn đàn trước ngàn người ư, không được rồi. Công chúng “tụ tập đông người” về nghe ông thuyết, càng không. Cùng lắm, Krishnamurti cũng sẽ làm như… Inrasara thôi: “Hành động trong chân trời khả thể”!

Tạp chí Văn hóa Dân tộc, số xuân-2006, tôi viết:

Tôi nghĩ các cán bộ là người dân tộc thiểu số hay người Việt đang công tác ở vùng “đồng bào”, cần nắm vững chính sách dân tộc của Chính phủ. Nắm vững và dũng cảm thực hiện mà không ngại bất kì thế lực nào, miễn mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Như thế, nếu không sợ những điều không đáng sợ, trí thức Cham vẫn có thể làm nên nhiều chuyện.

Không ai là không sợ, chớ sợ cái không đáng sợ, mới là điều đáng sợ nhất.

Trận hỗ trợ bà con Cham Covid-19 vừa qua, bên an ninh qua nhà nhắc vở khéo tôi về nguy cơ tôn giáo “lạ” thâm nhập vào Cham, tôi nói: Mèng, làm gì Sara dễ bị mua chuộc thế.

Tôi vốn được cho là một trong những “con chim đầu đàn” Cham, việc trở thành đích nhắm thì không lạ. Nhưng rồi, may mắn luôn có mặt kịp thời, và tôi “trắng”! Hơn nữa, tôi biết SỢ.

Ninh Thuận giải phóng, Ja Mrang hô hào Cham lên rừng ‘nao ngak ia’ “đi làm nước”. Nhiều anh em, bạn học tôi chưa biết gì về súng ống ùa lên, tôi: không, trong khi tôi là học trò kưng của ông. Mà khoản thuyết thì ôi thôi, Bà Trời ban cho ông năng khiếu siêu hạng.

Tại sao? – Tôi sợ… chết. 

Năm 1999, nhận giấy mời “hiệp thương” làm to ở Trung ương, tôi từ chối, vì tôi sợ… họp. Đùa chớ, tôi sợ mình hoặc sa ngã [tham ô, hay rơi vào guồng máy nào đó], hoặc không chừa nổi tánh “hay nói thì ở tù”.

Năm 2004, bên an ninh Trung ương ghé nhà tôi ở quận 4 tại Sài Gòn chìa tạp san Champaka ra – ở đó có bài xuyên tạc tôi cực mặn và, “anh Sara cần nói lại”. Tôi bảo chắc không. Bởi tôi xem mỗi Cham như một sinh linh sống sót đầy thương cảm. Ở đó, hoặc tôi im lặng hoặc nhẹ nhàng “đính chính”, “minh định” chớ trao đổi thì – không, với các bài viết kiểu ấy.

Bảo là sợ, hà cớ tôi lên tiếng về nhiều vụ to?

Các vụ liên quan đến Cham, tuổi 20 tôi đã. Ngay từ năm 1980, tôi cùng thầy Tỷ thảo thư dài gửi lên Trung ương giải minh về Trường Pô-Klong, Nhà Vãng lai, Trung tâm Văn hóa Chàm, cho đến vụ việc gần nhất: Yến tiệc trong khuôn viên đất tháp Pô Klong Girai.

Lên tiếng, yếu tố đầu tiên, phải từ TÂM THÀNH với tinh thần THIỆN CHÍ.

Lên tiếng, mục đích tường minh vụ việc cho mọi người cùng hiểu, từ đó hóa giải & hòa giải các bên. Như vụ tiệc tùng trên, tôi cần cho Ban Quản lý hiểu quan niệm của Cham về đất.

Lên tiếng – chả kêu đấu tranh chi chi cho oai, tôi nằm giữa 2 lằn ranh.

Về Dự án Nhà máy Điện hạt nhân chẳng hạn, bên muốn tôi “ngưng nói”, tôi bảo: Tôi chỉ muốn bày ra cho Chính phủ, cho Cham và thế giới thấy 3 điểm: Ninh Thuận có đến nửa Cham đang sinh sống, Cham cư trú đất này hơn 2 ngàn năm, và hiện tồn tại cả trăm điểm, di tích tôn giáo tín ngưỡng, nó mà xì cái là tất cả tiêu tán đường.

Phía khác, giáo sư ngoại nhã ý mời tôi ra nước ngoài thuyết về “Người Cham và Điện hạt nhân”, tôi từ chối. Trong nước, nói là phản biện, chớ ra ngoài dễ nâng cấp thành phản động như chơi.

Tôi cũng biết sợ chớ bộ!

Đó là một trong những “hành động trong chân trời khả thể”. Hay nói như nhà thơ Nông Quốc Chấn thuở tôi còn vô danh: “Inrasara thể hiện tâm hồn thi sĩ hơn là tư duy của nhà lý luận, anh vạch đường biên và không bao giờ ‘vượt biên’”.

Trở lại câu hỏi ban đầu, nếu Krishnamurti rơi vào hoàn cảnh ấy, ông có thể làm gì?!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *