Sống tôn giáo-8. SỐNG DƯỚI DẤU HIỆU GLANG ANAK

Apui kadhir bbang palei’: Lửa thiêng thiêu đốt quê hương;

Tagraup tapiên rapawaang’: Khắp bến bờ bị bao vây;

Urang bihuh bihah biha bihi rakang hu abih’: Phường giá áo túi cơm bị mua chuộc hết.  

Cả dân tộc chìm trong phiền não: ‘Nưgar chai drut mưrai’.  

Hoảng loạn là không thể tránh:

Xa-ai ô krưn ka adei, mik ô krưn laic kamôn’: Anh không kể tới em, chú không nhìn nhận cháu;

Quần chúng là thế, phường giá áo túi cơm càng vậy. Ông Glang Anak thì không.

Là bậc Đạt nhân Quân tử – ông hoảng, nhưng không [bấn] loạn; ông sợ, mà không hèn.

Dơh tanan ưn ka’: Ngưng nơi đấy, nhẫn đã.

Than vãn, không gì vô ích hơn:

Bbwah kar duix ruup min likei’: Trách oán thì tội mình thôi em.

Chửi rủa không giải quyết được gì:

Jôi pôic tui hatai’: Chớ chửi theo tâm sân hận.

Ông Glang Anak buồn nhưng không [buồn] phiền, buồn mà không [buồn] não, buồn chứ không [buồn] chán.

Trước hết, làm gì? Thành tâm ‘THAAT TIAK’ giải sân hận: ‘PALAI TUNG TIAN’. Tiếp, làm thế nào? HIỂU, để TÌM HỖ TRỢ:

Kunal di tian đom bibiak uraang tanhi’: Nhớ nằm lòng, thuộc thực sự, [khi] người ta hỏi [để biết đàng trả lời]

Sau cùng là, MỞ HƯỚNG GIẢI QUYẾT, khiêm cung bắt đầu từ điều nhỏ bé nhất: cái cày, mảnh ruộng, giàn mướp… “ăn qua vụ đông, đợi mùa lúa chín”.

Đó là cơ sở của niềm HI VỌNG.

Sống dưới dấu hiệu Glang Anak “sous le signe de” Glang Anak, tôi đã hành xử thế nào?

Ví dụ, trước sự xâm hại mồ mả tổ tiên Ghur Raneh, hay hiểm họa Dự án Điện hạt nhân dành cho Cham, tôi đã: Không chửi rủa rằng, không vô tư, “ta sao mình vậy”, không hoảng lên, kéo cả gia đình vào thành phố.

Mà, thu thập nhiều nguồn thông tin, để HIỂU, lên tiếng đánh động dư luận, cả Cham, Việt lẫn nước ngoài, tìm tiếng nói hỗ trợ. Cuối cùng là, đối thoại để cùng mở hướng giải quyết khả dĩ nhất. 

Được, thì VUI; không được cũng vui, vì dẫu sao tôi cũng đã hết mình với nó.

Không tự nhận mình đồng hạng Đạt nhân Quân tử với bậc tiền bối mà tôi nghĩ, mình xứng đáng là đồ đệ của Ông.

Và, hành động trong chân trời khả thể.

Khi tôi nhận biết tôi là Cham sinh ra tại Chakleng trong đất nước Việt Nam sống bập bênh giữa hai thế kỉ XX và XXI, tôi chấp nhận định phận tôi, từ đó tôi dự phóng và hành động trong chân trời khả thể. Tôi nghiên cứu văn chương và ngôn ngữ Cham, sáng tác thơ tiếng Việt và tiếng Cham, phê bình trong nỗ lực khai mở vùng đất cho nhiều trào lưu thơ ca cùng tồn tại và phát triển – công bằng và lành mạnh, tham dự vào các vấn đề văn hóa xã hội Cham [và Việt Nam].

Dù vô nghĩa, và vô ích trong vô cùng tháng năm giữa mênh mông vũ trụ này. Thức nhận như thế, tôi vẫn hết mình. Hết mình mà không để cho bị vướng kẹt trong thế giới vây quanh.

Hành động trong chân trời khả thể cách biệt cả vực thẳm với “hoạt động trong điều kiện và hoàn cảnh cho phép”, đó là tự do khỏi mọi giới hạn. Thế nên hơn nửa đời hư, dù trong tay tôi lưng vốn công trình, tôi biết…

Đầy tràn công danh sự nghiệp

con người cư lưu đầy thơ mộng trên mặt đất này

Full of merit

yet poetically, man dwells on this earth (Hoelderlin)

(Inrasara, Thơ như là con đường, 2009).

P.S.

Ariya Glang Anak:

Gram sarawan duix di hagait bloh ô thah

Bbai tabuh di graup nưrah tagrang kađoong pak halei:

Vương quốc tội vì đâu mà không thoát [khỏi]

Đã chuộc ở khắp đất nước, còn vướng mắc nơi đâu

Chuyện dễ ợt, do mình mà thành khó. Cứ theo Ariya Glơng Anak mà làm:

– Trước hết, thành tâm ‘THAAT TIAK’

– Chớ nóng giận, hấp tấp: ‘PALAI TUNG TIAN’

– HIỂU, để TÌM HỖ TRỢ. Hiểu thực sự, để ai hỏi còn biết đàng trả lời.

– Sau cùng là, MỞ HƯỚNG GIẢI QUYẾT.

Đó là cơ sở của niềm HI VỌNG.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *