[Nhận diện 3 giai đoạn Cham & tôi]
Giai đoạn-1.
Sau đại khủng hoảng, các thế hệ Cham đã hành xử đúng điệu, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn cuộc sống, để tồn tại. Tồn tại thế nào?
Xưa
dưới cái rây lịch sử khổng lồ
cha lọt sàng sống sót
lổm ngổm bò dậy làm người
một phép lạ
(Lễ Tẩy trần tháng Tư-2002)
Năm ngoái, trao đổi về tôn giáo Bà-ni, anh chị em đặt câu hỏi với tôi: “Tại sao Tôn giáo ‘Ahiêr Awal’ là duy nhất cần cho Cham?” Tôi nói:
Cham mất nước, vài thế kỉ thiếu tổ chức mang tính “chính quyền”, cộng đồng cần nền tảng tư tưởng và tâm linh chắc như đá tảng để tồn tại. Ba chân kiềng:
Bên cạnh kí ức Lịch sử cùng Tiếng nói-Chữ viết, Tôn giáo ‘Ahiêr Awal’ mới giữ được cho Cham tồn tại NHƯ LÀ Cham. Còn sau nay thế nào, tính sau.
Giai đoạn-2.
Sinh hoạt xã hội dần đi vào ổn định, ở đó vị thế của Trường Trung học Pô-Klong và Trung tâm Văn hóa Chàm là cực kì quan trọng.
Cạnh đó Cham đã biết phục dựng lịch sử dân tộc: Từ lịch sử thành văn qua bản chép tay của các cụ đến nghiên cứu khoa học. Lĩnh vực này nỗ lực của anh em Dohamide – Dorohiêm và Po Dharma là rất đáng nế. Riêng chuyện kể, tôi nhận lãnh nhiệm vụ này: Làm một Cham Story-teller kể chuyện Oral history xuyên thế hệ.
Ngôn ngữ chữ viết thì sao?
Chung, không thể không kể đến vai trò của Ban Biên soạn sách chữ Chăm.
Ngay từ tuổi 15, tôi đã dạỵ Akhar thrah cho Cham, qua đó gợi hứng cho sinh linh Cham nói tiếng mẹ đẻ [mà không phải pha độn tiếng Việt]. Còn các “công trình nghiên cứu” như Từ vựng học tiếng Cham, Tự học tiếng Cham, Từ điển song ngữ Cham Việt các loại hay sau này Tiếng Cham của bạn… cần được nhìn nhận như cánh tay chỉ mặt trăng.
Thấy mặt trăng [tiếng nói] rồi, hãy quên cánh tay [tác phẩm] đi. Chứ ai lại ngồi đó mà ưỡn ngực với mấy công trình kia!
Thế Tôn giáo?
Tôn giáo ‘Ahiêr Awal’ là sáng tạo độc đáo của đức vua Pô Rômê, một tôn giáo có khả năng hóa giải hai hệ tôn giáo-tư tưởng không đội trời chung: Ấn Độ giáo và Islam, trở thành một tôn giáo hòa bình đầy tính nhân văn.
Tuy nhiên, bởi là tôn giáo với đức tin mềm, tổ chức chưa chặt chẽ, do đó nó dễ bị tổn thương, bị xâm nhập và phân hóa. Cần ĐỊNH lại – mươi năm qua, qua hành trình “Đi tìm sinh lộ cho Cham Ahiêr Awal”, tôi đã và đang gánh vác phận sự ấy.
Cham giữa lòng Việt Nam trong cộng đồng 54 dân tộc anh chị em gắn kết không thể tách rời. Cham sở hữu một nền văn hóa văn minh phát triển, hiện chỉ là những mảnh vụn góp nhặt để làm nên hình hài dù mờ nhạt nhưng cần thiết, cho thế hệ Việt Nam hôm nay nhận diện được những gì ông bà Cham để lại. Để trân trọng, hãnh diện và tạ ơn.
Và gì nữa?
Giai đoạn-3.
Ngoài kia là Champaka và Vijaya, sự có mặt của đặc san Tagalau là rất kịp thời.
Với văn học, tôi – bên cạnh phục dựng nền văn học dân tộc là sáng tạo cái mới: Tiểu thuyết, truyện ngắn, tùy bút, thơ, cả tiếng Cham lẫn tiếng Việt.
Vẫn còn là chưa đủ! Làm thơ, viết văn, các cây bút Cham không còn tự bó hẹp trong làng xã như trước nữa, mà biết vươn ra cả nước, khả năng cạnh tranh với khu vực và thế giới. Đó là tinh thần “nhập cuộc về hướng mở” của thế hệ thứ năm.
Xưa, ông bà Cham đã có các sáng tạo sáng giá, nay – ta cần đóng góp phần mình cho nhân loại. Hỏi, bạn đã làm được gì?
Làm văn chương, nghiên cứu, tuy nhiên sống với và cùng, bạn không thể làm cụ non “đóng cửa phòng văn hì hục viết” [Chế Lan Viên] mà không can hệ gì với xung quanh. Khi quyền lợi của cộng đồng bị xâm hại, sinh phận đồng tộc bị đè nén, bạn dám và biết cất lên tiếng nói của mình, một tiếng nói trí thức.
Không thể khác.
Nhất là khi cộng đồng bạn nằm trong khu vực ngoại vi, kém thế – từ thế đứng đến ngôn ngữ, bạn quyết dẹp bỏ mặc cảm nhỏ yếu, mang tinh thần phi tâm hóa hậu hiện đại vào cuộc.
Cham hết còn mặc cảm với Việt; Phan Rang không phải mặc cảm với Hà Nội, Sài Gòn; Việt Nam cắt đứt mặc cảm với Anh, Mỹ; Đông Nam Á dứt bỏ mặc cảm với thế giới. Tự tin sống, làm việc và sáng tạo.
Phận sự của luận sư là đốt lên ngọn lửa, giữ lửa và truyền ngọn lửa ấy đến với tất cả.