Vài năm qua, trên mạng xã hội và cả ngoài đời, vài lời lẽ phơi phới thường xuyên phát ra, như có sinh linh vừa chứng ngộ đâu đó, thoát vòng tục lụy, sang tuốt bờ bên kia. Ở đó “hãy sống hiện tại”, là một. Rằng quá khứ là cái đã qua, tương lai là điều chưa tới, sống đích thực là sống trong hiện tại, đại loại thế.
Nói – không vấn đề gì cả, điều quan trọng là bạn sống nó ra sao.
Câu hỏi: thế nào là sống hiện tại?
Ở đây và lúc này, hay lắm. Tuy nhiên, không ai từ hư vô mà ra, nghĩa là không thể thiếu quá khứ. Quá khứ xa và gần, quá khứ tập thể lẫn cá nhân làm thành kí ức. Tôi là một văn bản, được/ bị yếu tố bên ngoài: cha mẹ, môi trường xã hội và tự nhiên, nền giáo dục, chế độ chính trị… và cả chính tôi viết nên.
Quá khứ xa – để LÀ mình, tôi không tuyên phá bỏ cái ngã, nói khác đi: tôi không thể xé bỏ văn bản kia, mà thường trực phản tỉnh, trực thức văn bản như là thế.
Quá khứ gần, bao nỗi hôm qua, tôi nhìn lại và kiểm nghiệm mấy thất thố với bao lầm sai, không phải hối tiếc hay ân hận, mà để hiểu và tu chỉnh.
Nhà văn, tôi lưu giữ kí ức dân tộc trong kí ức tôi. Bạn không thể viết, nếu thiếu khuyết kí ức. Lưu giữ, mà bạn vẫn sống – “ở đây và lúc này”.
Sống “ở đây và lúc này”, bạn không thể không dự phóng về tương lai. Tương lai gần và xa. Xa, bạn ý hướng hoàn thành bộ trường thiên tiểu thuyết; gần, bạn tìm tư liệu và lập hồ sơ.
Bạn không ép mình tuân thủ kỉ luật để tiến đến mục tiêu, mà ngồi vào bàn và viết, bạn vui. Bạn vui trong quá trình tìm ý, trong hành động viết, nghĩa là bạn vẫn sống “ở đây và lúc này” qua từng phút giây.
Champa qua đi để lại một nền văn học đang thất tán, tôi ý hướng phục dựng nó. Lang thang qua các palei Cham tìm tư liệu – tôi vui.
“Một câu tục ngữ – một dòng ca dao
nửa bài đồng dao – một trang thơ cổ
tôi tìm và nhặt
như đứa trẻ tìm nhặt viên sỏi nhỏ
[những viên sỏi người lớn lơ đãng dẫm qua]
để xây lâu đài cho riêng mình tôi ở
lâu đài một ngày kia họ ghé đụt mưa – chắc thế.”
(“Ngụ ngôn của Đất”-1992, Tháp nắng)
Đóng cửa hơn tháng, để viết – tôi vui. Tác phẩm ra đời có người đón đọc, dù nhiều hay ít, tôi cũng vui. Nó mang đến lợi ích cho sinh linh nào đó, tôi càng vui.
Được công nhận bằng giải thưởng – tôi vui, không được, tôi vẫn vui. Tôi vui, dù biết có thể trăm năm nữa công trình kia chả còn ai ngó ngàng tới. Vui, bởi tôi tìm thấy ý nghĩa sống trong vô nghĩa cuộc đời.
Cần có sức khỏe và thời gian cho công cuộc, tôi thể dục và yoga, tôi tiết chế nhu cầu đời thường. Là tự nhiên như nhiên, chứ không ép mình tuân thủ chế độ ăn kiêng hay thời khóa biểu nào đó.
Bất kì đâu, trước đèn dầu leo lét hay giữa ồn ã thương xá TAX, tôi vẫn có thể viết mà trí chẳng chút phân tán. Giữa bao “âm thanh và cuồng nộ” xung quanh, tôi vẫn ngon giấc mà không cần đến món “thiền định” thời thượng.
Khi tôi cho ra mớ công trình cộm, mọi người cứ tưởng tôi cụ non đóng thùng phải biết; hay tin tôi nhập cuộc hoạt động cộng đồng, ngỡ tôi phải căng thẳng bật máu ghê lắm! – Có đâu. Tôi vẫn…
“Tầm thường như một ngọn cỏ, phù du một như đóa hoa
Là con, vĩnh cửu và lớn lao như một cuộc đời”.