Sống tôn giáo-2. PHI TỔ CHỨC

Sống tôn giáo là phi tổ chức. Tổ chức, hay ở trong tổ chức bất kì nào cũng thế. Nó là một quyền lực, quyền lực của tổ chức và/ hoặc của “giáo chủ”.

Bên trời Tây, Nietzsche “Antichrist” không phải ông chống Jesus, mà giáo hội, một tổ chức đầy quyền lực.

Gần hơn, Osho – Đạo sư siêu đẳng và là một “thiên tài hùng biện” với sức thu hút kinh hoàng. Tuy nhiên thay vì phong phanh giữa trời đất, thong dong giữa miền cuộc đời để thuyết pháp, ông đã tổ chức, và cho phép người tổ chức nhân danh mình. Qua đó, ông bị dính vào vô số tai họa.

Osho bị dán nhãn: Đạo sư Tình dục và Thiền sư Rolls Royce.

Công xã Osho Foundation bị gắn cả khối hình dung từ: Giành giựt, cực đoan, tấn công khủng bố, thác loạn tình dục, âm mưu đánh bom, tàng trữ vũ khí, băng đảng Phát-xít, hôn nhân giả, gian lận nhập cư, để rồi chính bản thân ông bị lợi dụng và thao túng, bị tiếm quyền dẫn đến tù tội và cái chết.

Krishnamurti khác hẳn.

Hội Thông Thiên học dành vô số quyền lợi, và sắp tuyên bố với thế giới Krishnamurti là Đại Giáo chủ dẫn đạo nhân loại, thì đùng cái, ông đứng lên giải tán hội Ngôi Sao Phương Đông, phủi bỏ mọi đặc ân với quyền và lợi.

Từ đó cho đến ngày từ giã cõi trần khi bước sang tuổi 92, ông lên đường du thuyết, nói chuyện với các nhóm lớn, nhỏ, cả với các cá nhân quan tâm.

“Thơ cũng không, mà đạo cũng không

Không là gì hết với non sông” [Trúc Thiên]

Hai con người, hai tính cách, hai con đường, và hai hệ quả [lụy] khác nhau.

Dẫu sao, nhân loại vô minh, yếu đuối và khờ khạo, họ cần tổ chức để trú thân, cần Đạo sư dắt tay mong tìm giải thoát. Thương thay – họ ngày càng chìm đắm sâu hơn vào coi vô minh u tối.

Thế nên dẫu thiên tài tới đâu, Osho không thể thoát! Krishnamurti ngược lại, ông “trắng án” đời.

Câu hỏi: Làm thế nào hòa giải hai “cực đoan” kia? Tôi đã thử…

Đắc Đạo Cham, tôi không Ahiêr hay Awal mà cư trú ở đường biên, không vào tổ chức, mà hỗ trợ hóa giải & hòa giải khi tổ chức [Hội đồng Chức sắc và tín đồ Ahiêr Awal] có vấn đề. Sự sự vô ngại.

Sau chục năm bị xâm hại, Ghur Raneh ngày càng teo tóp, mọi người la làng mà chẳng làm gì cả, tôi mới lăn xả vào. Bạn thơ tôi kêu: “Sara khi không ách giữa đàng mang vào cổ”, tôi nói: “Trí thức là kẻ tìm ách mà mang vào!” Rồi chính đưa vai ra “mang ách” đó, qua 19 tháng, mồ mả tổ tiên Cham mới được an lành.

Vụ CMND Bà-ni qua 2 năm không ai lên tiếng, nghe tin – tôi mới vào cuộc. Bạn học tôi hô: “Sara có phải Bà-ni đâu mà đau cho Bà-ni!” Nhưng lạ, nhờ khéo dư nước mắt ấy mà sau 8 ngày, sự vụ êm đẹp.

[2 chuyện đã kể chi tiết ngay lúc đó].   

Hỏi chớ tôi lên tiếng cho sinh phận thổ dân Úc, nữ thi sĩ Afghanistan, nạn nhân phóng xạ hạt nhân Fukushima… là sao? Tôi có phải là người của dân tộc đó đâu!

Tự đóng khung trong cộng đồng nhỏ Cham, bao giờ ta có thể LỚN?

Đó là sống tôn giáo: Rời bỏ mình để nhìn ra ngoài, là tự nguyện đi trên dây giữa vực thẳm tổ chức và phi tổ chức, với tâm thế của một Bồtátnghệsỹ. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *