Đời xoay vần mong manh, người mưa nắng vô thường. Thân và tâm, thời và không dịch chuyển không ngừng. Không ai biết trước điều gì xảy đến với người thân, với mình, cả với những gì mình gắn bó tưởng không thể chia cắt.
Ý lớn này được Trịnh diễn rất đắc: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi… để một mai tôi về làm cát bụi”. Dẫu sao nó vẫn chung chung quá, và đã có vài nhà nói lên rồi, trước đó.
“Môi xinh ở đậu người xinh”, độc và lạ hơn. Ý, là kho trời chung, tứ mới là của riêng kẻ sáng tạo. Thi sĩ hơn nhau ở cái tứ, là vậy. Tứ ấy được thể hiện qua thi ảnh, ngôn từ và nhịp điệu riêng.
Qua Thanh Tâm Tuyền, cái mong manh, vô thường được đẩy rơi tõm qua bên kia vực thẳm của Ý, để thành cái TỨ… thiên tài:
“Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới”
Mỗi câu thơ thôi mà đựng chứa bao nỗi đời lẫn cuộc người. Bàn thêm dễ làm hỏng cái đẹp của thơ. Mời bạn đọc thưởng ngoạn nguyên bài thơ “Dạ khúc” trong Liên Đêm mặt trời tìm thấy, Sáng Tạo, Sài Gòn 1964
DẠ KHÚC
Anh sợ những cột đèn đổ xuống
Rồi dây điện cuốn lấy chúng ta
Bóp chết mọi hi vọng
Nên anh dìu em đi xa
Ði đi chúng ta đến công viên
Nơi anh sẽ hôn em đắm đuối
Ôi môi em như mật đắng
Như móng sắc thương đau
Ði đi anh đưa em vào quán rượu
Có một chút Paris
Ðể anh được làm thi sĩ
Hay nửa đêm Hanoi
Anh là thằng điên khùng
Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới
Chiếc kèn hát mãi than van
Ðiệu nhạc gầy níu nhau tuyệt vọng
Sao tuổi trẻ quá buồn
như con mắt giận dữ
Sao tuổi trẻ quá buồn
như bàn ghế không bầy
Thôi em hãy đứng dậy
người bán hàng đã ngủ sau quầy
anh đưa em đi trốn
những giày vò ngày mai.