Sao cứ phải kể về tôi? – Vài bạn kêu thế. Thử hỏi ngược lại: tại sao không thể kể về mình? Giáp mặt với vấn nạn, cả khối Youtuber mấy năm qua cứ nhai lại cần bình tĩnh, bình tĩnh, và dẫn chuyện đâu từ Tam Quốc. Làm người, ta tiếp tục hót bài 7 bước đến thành công với gương sáng tận nước Mỹ.
Tại sao không ở đây, giữa môi trường sống của hôm nay với người thật việc thật?
Hỏi chứ, “tôi hôm qua” có còn là tôi không? Nó đã là quá khứ, nghĩa là thuộc về lịch sử. Lịch sử cần được mổ xẻ để làm bài học cho hôm nay, không thiết thực sao? Trong khi tôi là kẻ hiểu “tôi ấy” hơn cả, để kể thật nhất có thể – không kiêu ngạo hão hay tự ái vặt về nó.
Đa phần con người ưa tự ái vặt, quay lại dằn vặt mình, rồi dừng tại đó, không nhích lên phân tấc.
[1] Khi bảo 53 DTTS Việt Nam, duy Cham làm được đặc san như Tagalau, các dân tộc khác: không. Khối vị cho tôi ngạo mạn, có phải vậy không?
Cham khi ấy mới có mỗi tôi là hội viên Hội Nhà văn, trong khi Tày có đến non chục người. Cham làm được, các bạn – tại sao không? Là sự thật, sự thật mang khả tính khích tướng các bạn [đa phần là bạn văn của tôi], thúc giục các bạn làm cho dân tộc mình, góp phần làm giàu sang nền văn học chung của đất nước, chẳng cần thiết sao?
[2] Bảo sáng tác cần dựa trên bản sắc dân tộc để không bị mất gốc. Như Cham đã có bộ Văn học Cham làm nền cho các cây bút sáng tạo, còn nhiều dân tộc khác: chưa. Phát ngôn không phải xem thường chi chi, mà là thật.
Tây Nguyên chẳng hạn, kho tàng sử thi đồ sộ ấy, các nhà nghiên cứu từ Pháp đến Việt đã làm rồi, hôm nay có nhà văn DTTS Tây Nguyên nào chịu lặn ngụp trong dòng sông bát ngát đó để dựng nên một tác phẩm như là tinh hoa của tinh hoa Sử thi Tây Nguyên chưa?
[3] Ở Cham, ngay âm nhạc, vẫn còn chưa!
Kiến trúc & điêu khắc, đã; ngôn ngữ và lịch sử, đã, văn học, đã; thế âm nhạc? Có công trình nào ta cầm lên để có thể nhận diện nền âm nhạc dân tộc “lớn” này không?
Năm 2022, Hội thảo về dân ca Cham ở Ninh Thuận, tôi nói:
– Sau khi kết Văn học Cham, năm 1993 tôi chuyển hệ sang âm nhạc, để 5 năm sau tập hợp được toàn bộ tư liệu thô. Vậy mà suốt 3 năm tìm mãi không có ai, từ Cham đến Việt, từ cá nhân đến cơ quan – để cùng cộng tác viết bộ Âm nhạc Cham. Buồn không!
Nhạc sĩ Amư Nhân liền đứng phắt dậy, kêu:
– Inrasara nói vậy là xúc phạm những người làm âm nhạc Cham. Tiến sĩ PQA chủ trì hội thảo, nói đỡ:
– Amư Nhân cần lưu ý về thời điểm nhà thơ Inrasara đề cập, khi đó anh còn lang thang ở Sài Gòn mà…
Tôi muốn nói thêm: Đến lúc này, sau 30 năm vẫn còn là chưa. Thời gian hơn một phần tư thế kỉ ấy, nếu có khả năng, sao bạn không làm? Vậy xin hỏi, bạn yêu thứ gì? Và cả hôm nay, ai có thể làm? Không ai cả, bởi viết bộ Âm nhạc Cham ngàn trang đòi hỏi tri thức uyên thâm về nhiều lĩnh vực, sự đầu tư công sức và thời gian, lòng đam mê với một tình yêu đặc biệt.
Ai hội đủ mấy yếu tố đó?
Bị khích tướng, thay vì nỗ lực, bạn rơi vào tự ái vặt rồi… nghỉ. Tôi – 15 tuổi, đọc phải một câu của Paul Mus, rằng văn học Cham chẳng có gì đáng nói cả, chỉ có thể gói gọn trong 20 trang, tôi cũng “tự ái dân tộc”,
Và rồi từ tự ái đó, tôi lên đường…