TỰ TRUYỆN QUA FACEBOOK LỢI HẠI THẾ NÀO?

Một bạn văn kể, chàng bạn thơ thân thương của tôi kêu với ảnh rằng, Sara điên nặng rồi, suốt ngày viết về mình. – Chính xác!

Việt Nam không quen với tự truyện, mà thường là hồi kí, và ngay món này ta cũng hiếm nữa. Sống để dạ, chết mang theo – khôn đáo để. Hồi kí, khi ta kết đời, tự truyện thì khác – xong một đoạn đời, có thể 30-40 ngoảnh lại. Tôi đã đọc vài tự truyện của ngôi sao và HLV bóng đá Anh, vô cùng thú vị.

Tại sao cần tự truyện? Cuối thời Pháp thuộc, 7 sinh linh Cham palei Pabblap bị giết oan, Cham biết, thầy Nguyễn Văn Tỷ biết và hứa cuối đời sẽ viết kể lại cho con cháu làm bài học. Tôi nói:

– Tại sao không là BÂY GIỜ, và tại sao không CHO TẤT CẢ?

Thế là tôi viết [đã kể]. Kể nó ra, có 3 cái lợi: Cách mạng cẩn trọng hơn khi dùng người, Cham khôn ngoan hơn trong tin người, biết để giải tán uất ức và… giải sân hận.

Tại sao không kể ngay ở hôm nay?

Bên cạnh kí ức không bị hao mòn, sự thể có ích cho đời sống hiện tại, tình tiết của Tự truyện được bình luận trực tiếp và ngay, nhất là thông tin kia có thể được kiểm chứng để chỉnh sửa trước khi in thành sách. Ở đó, không gian facebook là phương tiện tối ưu.

Trong thế giới Cham…

khi dấn sâu vào cộng đồng, chịu đựng mấy nỗi Cham, và ưu tư về sinh mệnh dân tộc, nơi ấy tôi luôn là và ở ĐIỂM NÓNG – bao câu hỏi xảy đến, từ đó mới nẩy ra serie:

Bạn có yêu palei bạn không?, Cham tồn tại hay không tồn tại?, Cham có thông minh không?, Cham vẫn có thể làm giàu!, Tagalau, tại sao không thể tiếp tục?, 48 Urang Cham, Minh triết Cham, rồi Hành trình “Đi tìm sinh lộ cho Cham Ahiêr Awal”… thu hút bao nhiêu là phản hồi đáng giá.

Chắc chắn ưu tư này còn thiết yếu hơn cả mấy công trình “nghiên cứu” của tôi nữa.

Tôi và đời, trong HTX chữ nghĩa Việt,

khi hết mình cho nó, ở ĐẦU SÓNG NGỌN GIÓ của: Bàn tròn Văn chươngCà-phê thứ Bảy Văn học, Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn và Ủy viên BCH Hội DTTS… vô số câu hỏi đặt ra:

“Nhà văn né tránh hiện thực, tại sao?”, “Về đâu, Tân hình thức Việt?”, “Phê bình văn học làm gì?”, “Hậu hiện đại và thơ hậu hiện đại Việt”, “Việt Nam chưa thể có tiểu thuyết lớn, tại sao?”, “Chúng ta nợ gì văn học miền Nam?”, “Thế nào là văn học ngoại vi?”… từ đó mới bật ra các serie liên quan:

Tôi học và tập, Tôi từ nhà nghiên cứu đến nhà báo, Tôi nghĩ về chính trị, Các cuộc chiến của tôi, Thế nào là Nhập cuộc về hướng mở?, Thương ca vô tận, Tôi buôn bán, Bí mật của thất bại, Làm sao tôi khỏe thế?, Đắc đạo Cham, tôi làm gì?

Là sự thật đã và đang diễn ra, hay và dở, thành và bại, tất cả chúng cần được kể lại. Để nhận diện, soi xét, bình luận và… học tập.

Còn bạn nào quyết thôi học, thì cứ qua nhà TikTok mà chơi, hén?

P.S.

Từ mở website, mỗi ngày tôi đều có chuyện để cười, bài học hay ý mới để kể. Đó là việc phụ, còn việc chính vẫn là VIẾT. Như từ Covid-19, mỗi sáng tôi đều có tút, bên cạnh tôi San định xong bộ Kinh sách Cham.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *