Có Cham vì ghét tôi mà không đọc tôi, cho dù ở đó vô số bài học được rút ra từ thực tiễn đời sống cộng đồng. Còn đỡ, chỉ vì ghét tôi mà vài ông tiêm nhiễm vào đầu con cháu khiến chúng tránh xa chữ nghĩa của tôi – là điều chí nguy. Làm thế không gì khác ngoài một sẵn sàng cho thất bại.
Tại sao? Bài học tương cận bạn có thể tìm thấy khắp: “7 bước đến thành công”, “5 bí quyết làm giàu”, hay “3 đức tính của một quý ông bản lĩnh”… vậy thôi mà hút được cả vạn views. Xem, để rồi không làm gì cả!
Ở đây rất khác, tôi kể sự việc xảy ra gần ta – rất THỰC. Biết, chúng ghim vào tiềm thức và đọng lại, rồi khi gặp sự cố tương tự, ta phản ứng đầy thông minh.
Phiền nỗi con người ghét học, lại thích làm… thầy. Mạnh Tử: Cái bệnh của thiên hạ là thích làm thầy đời, thầy của đời.
Dưới đây là 4 nỗi ghét học điển hình tiên tiến.
[1] Một vị “trí thức” được tặng cuốn Văn hóa Chăm của Viện KHXH, đã phát một cách vô tư rằng: “Nhoh patra dôm ban Yôn! Tinh cốt trong ‘klong’ Cham nữ 9, nam 7 miếng, viết vậy mà cũng viết. Đọc đến đó, tao vứt”.
Tác phẩm 398 trang của một tập thể nhà khoa học viết, in năm 1991 là thời điểm chưa có công trình lớn xuất hiện, chỉ một cái lỗi nhỏ mà ta xử kiểu ấy, đích thị là “ghét học”.
[2] Bạn học của tôi, hồi còn học sinh mỗi đọc sách là mỗi gạch, gạch cái sai của sách. 20 năm sau làm việc ở Ban Biên soạn cũng chả chừa cái tật, hết gạch đến đánh dấu hỏi to cồ, trang này sang khác. Tôi hỏi, sao thế? Ấy bảo, sai bét.
– Tác giả là nhà ngữ học, yut chưa từng ngồi giảng đường, sao biết sai?
– Đâu phải giáo sư là giỏi!
– Nhưng đây là sách của cơ quan mà…
Tôi khác, tuổi 20 đọc Thư về nhân bản chủ nghĩa của Heidegger, Zarathoustra đã nói như thế của Nietzsche cả bản tiếng Việt, Pháp, Anh, tôi cũng gạch dưới, không phải 1 mà đến 3 màu mực. Gạch vô số đoạn hay, để học.
[3] Nữa, có người chơi kiểu khác. Năm 2014, tôi có 4 buổi nói chuyện ở Sàn Art – một tổ chức quốc tế được quay video dài đăng youtube. Mới nghe tới phút-14, nick Ja Gahlau đã tắt, bởi ở đó có kiến thức “chướng tai”.
Mà đâu phải tôi độc diễn vu vơ, dưới hội trưởng hơn trăm người đông nghịt toàn dân có học, trong lẫn ngoài nước. Tổ chức kia mời trả nhuận bút cao đâu phải chơi.
[4] Mới nhất. Cuốn Palei Phước Nhơn của tôi được kí tặng rất trang trọng. Tác giả vừa dời gót đi, người được tặng lật lật, kêu “có gì đâu!” Tôi mới cắc cớ hỏi:
– Thử gấp sách lại, yut có thể nói về cái làng này được không? [im lặng].
– Đấy, địa dư chí của một làng mới lập hơn trăm năm, đòi hỏi hấp dẫn như tiểu thuyết diễm tình thì không được rồi. Nó chỉ có thể cung cấp tư liệu căn bản…
Ta ghét học, là vậy – là một bí mật lớn của thất bại.