Inrasara-TV-42. KUT AHIÊR – NGHĨA TRANG HẬU HIỆN ĐẠI

Chiếm dụng một khoảnh đất rất nhỏ;

Vô danh như thiên địa vốn vô danh;

Và tồn tại lâu dài nhất có thể.

Đó là Kut Cham Ahiêr, cổ điển mà hiện đại: Kut hậu hiện đại là thế.

Hầu hết sáng tác của thi sĩ Cham mới đầu thế kỉ XX này như của Mưdwơn Jiaw, Po Thien… nay cũng đã khuyết danh, vô danh rồi. Ông ngoại tôi, tác giả Ariya Rideh Apwei không cho con cháu biết mình là người viết trường ca ấy, cũng xuất phát từ tinh thần vô danh Cham. Chứ lẽ nào ông lại sợ con cháu hãm hại mình!

Với văn chương chữ nghĩa là vậy. Tận sâu thẳm tâm thức, Cham càng vô danh hơn. Hình thái “nghĩa trang” là một trong những.

Cham vô danh chứ không hỏa tảng rồi “hư vô” như người Ấn, càng “không chắc chắn” như truyền thống địa táng của nhiều dân tộc. Là sao?  

Ghur Bini, chỉ mẫu đất mà chứa cả triệu người đã mất; Kut Cham Ahiêr lại càng: cả triệu tinh cốt người quá cố tụ trong khoảng đất nhỏ, không quá 500m2. Tất cả đều vô danh giữa thiên địa vô cùng này. Hằng năm con cháu mở cửa Kut cúng kiếng anh linh tổ tiên. Trăm năm, ngàn năm… Chỉ khi nào người nữ cuối cùng của dòng họ kia mất đi, Kut mới trở thành Kut hoang, tan cùng tro bụi.

Đó là tinh thần vô danh Cham.

Video hôm nay giải minh về Kut Ahiêr – nghĩa trang Cham, văn minh và rất… hậu hiện đại.

Mời quý vị và các bạn xem trên youtube Inrasara-TV.  

Ba lần sinh và ý nghĩa của Kut

Amek amư sinh ra, bạn được làm lễ Đeo vòng Buh akong, nhơ Gru urang giữ hồn hộ. Mãi đến 13-16 tuổi, mới Tháo vòng Toh akong đánh dấu bạn đxa lớn khôn.

Có đôi có bạn, bạn được làm Đám cưới Đam likhah, khi đó không phải Amek amư mà là cha mẹ đại diện Cham gọi là Inư amư đứng ra làm lễ cho bạn. Đó là cuộc sinh thành lần thứ hai.

Mất đi làm Đám thiêu, bạn được ông Paxeh cho ra đời lần thứ ba chuẩn bị cho bạn “về nhà”. Ở đó Nghi thức jan patau ging đập ông táo tượng trưng cho thời khắc vỡ nước ối trong bào thai mẹ, chuẩn bị thao tác cuối chót cho bạn chào đời.

Từ ngày lên giàn lửa đến Patrip bak bilan Giỗ đầy tháng, bạn vẫn còn bám váy mẹ, ở đó thầy Paxeh pahwak Paxeh cho ăn là đại diện. Đến sinh nhật đầu tiên, Paxeh talang Paxeh tạo hình hài là người cha làm lễ công nhận bạn đã chân cứng đá mềm, đủ sức lon ton theo cha vào rừng. Hai, ba mươi năm sau, khi đã to cẳng cồ vai, bạn tách khỏi cha mẹ, và Pô Adhya Cả Sư cho bạn nhập Kut, dẫn đường bạn vĩnh viễn vào đời.

Kalan và Kut

Nếu Kalan được dựng lên để thờ thần, hay các vị vua-thần, thì Kut chính là nơi thờ tự con người vô danh Cham, từ cấp Paxeh cho đến tầng lớp trí thức Gaheh hay dân thường Bhap bini.

Trước thời Po Klaung Girai, người Cham chưa có kut. Tài liệu cũ của Trung Hoa cũng cho biết như thế. Thường thì tro than của người bình dân sau khi làm lễ thiêu, được cho thả trôi xuống dòng nước.

Mãi đến thời Po Klaung, trong nước có nạn đói kém, chết chóc tràn lan, vị chiêm tinh của nhà vua mới cho biết do xương cốt người chết bị cho vương vãi khắp nên nên mới xảy ra sự thể. Nhân dân lao động nổi lên đòi giới tăng lữ làm thế nào gom tất cả xương cốt về một nơi, dân tình mới yên ổn. Thế là Po Klaung Girai quyết định cho cấp Paxeh dựng kut cho mỗi dòng họ, như ngài đã dựng cho chính ông bà nuôi của mình là Ong Paxa Muk Caklaing. Từ đó người Cham Ahier mới có kut.

Người Cham thờ phượng tổ tiên theo dòng họ mẹ Gơp. Dòng họ lập Kut (Ikak Kut) và cúng tế cho đến người cuối cùng mất đi, khi đó Kut trở thành Kut hoang (Kut bhaw). Kut Cham thường ở ngoài làng, cạnh làng hay bìa rừng, nơi cây cối mọc um. Sẫm tối, đám trẻ con đi ngang chỉ có ù té chạy. Nó vừa linh thiêng vừa gây khiếp hãi. Trung tâm Kut là dãy bia từ năm đến bảy, chín bia Kut, từ ngoài ngó vào, hiếm khi được nhìn thấy. Âm u, bí mật thế mới ra Kut.

Tượng kut là loại hình điêu khắc Champa ở giai đoạn sau cùng. Có 3 nhóm tượng kut chính: Tượng kut được thể hiện hình người dưới dạng phù điêu; Tượng kut được thể hiện toàn khối với dáng hình người, nhưng không thể hiện hình người trên mặt bia; và Tượng kut với khối đá tròn đơn giản (theo Phạm Hữu Mỹ).

Hiện nay tượng Patuw kut Cham có nhiều loại: 3 trụ: trụ giữa cao nhất là Po Inư Nưgar, trụ hướng Đông dành cho nam, Tây cho nữ. 5 trụ (patuw – đá): thêm 2 trụ hướng Tây, cho nam và nữ chết “xấu”. 6 trụ: thêm một hướng Đông dành cho người trong họ là chức sắc Bà-la-môn. 7 trụ: thêm trụ cho người làm tướng. 9 trụ, trong đó có trụ dành cho người “dưng” ở phía Tây.

Klaung được lấy từ nơi cất giấu (thường ở ngoài rừng) về, thờ trong nhà từ thứ Bảy đến thứ Hai. Sáng thứ Hai, klaung được mang đến tập trung tại nhà “từ đường” và mời thầy về tẩy uế, phân loại. Sáng thứ Ba, tất cả được tập trung về nhà Trưởng tộc rối hướng về đất kut. Klaung được đặt lên mâm lễ có lễ vật, thầy Cả làm lễ từng mâm một.  Buổi tối Po Dhya làm lễ đưa tất cả klaung vào dưới bia kut, có Muk Pajuw và Ong Kadhar hát phục vụ lễ.

Ghur Cham Awal

Ghur hay Ghurrak là nghĩa trang tộc mẹ của người Cham Bà-ni. Khác với bà con Cham thuộc Ấn Độ giáo mà mỗi làng có bao nhiêu dòng họ (gơp) thì có bấy nhiêu Kut, còn mỗi làng Cham Bà-ni chỉ có mỗi Ghur. Ghur ở cạnh làng, thường cách làng vài trăm thước. Các dòng tộc nhận một khoảnh trong khuôn viên Ghur để chôn cất người trong dòng tộc.

Do biến thiên lịch sử, nhiều làng Cham Bà-ni dời đi xa khỏi vùng biển, cho nên có nhiều Ghur không còn được chôn người nữa. Người Cham lập Ghur mới để gánh công việc này, nhưng không phải vì thế mà Ghur bị bỏ hoang hẳn, như Kut bên Cham Ấn Độ giáo – khi người nữ cuối cùng thuộc dòng tộc đã mất. Mỗi năm người Cham Bà-ni đi Ghur tảo mộ một lần vào dịp đại lễ Ramưwan, là tháng Chín chay tịnh.

Ở Ninh Thuận, hai Ghur cổ hiện còn được thờ phụng là Ghur Darak Neh ở thôn Khánh Nhơn, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải và Ghur Ram ở gần Sơn Hải, xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam – Ninh Thuận. Hai Ghur này có mặt từ non ba thế kỉ trước. Còn ở Bình Thuận, có Ghur Karang là nghĩa trang cổ nhất, tọa lạc tại trung tâm thị trấn Liên Hương hướng Đông Bắc và cách bờ biển 500m.

Người Cham có tục ngữ: Mik wa đih di tada gơp: Bà con nằm trên ngực nhau. Người mất sau có thể được chôn nối lên trên thi hài của người mất trước đó, nếu thi hài đã hóa bụi đất; còn không thì được chôn sát ngay cạnh người thân cũ. Thế nên bên dưới hai hòn đá của mỗi mộ phần, lắm khi có hơn một thi hài.

Đó vừa “ấm áp” vừa tiết kiệm được khoảnh đất cho Ghur.

(278) 42. Kut Ahier, nghĩa trang hậu hiện đại – YouTube

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *