[thư cho Chế Đôn-04, tặng một bạn thơ thương mến]
Định mệnh nhà thơ một tập, hay văn chương nhai lại mình là hệ quả từ nỗi đó.
Chế Đôn gọi tôi “già rơ”. “Già rơ” không phải tự nhiên có, mà cần trui luyện, miệt mài – từ sớm.
Hôm qua một bạn thơ kể: “Trước những lời khen có cánh, một đàn chị lo thơ em sẽ chững lại rồi đi xuống”, và hỏi “nhà thơ có bao giờ trải nghiệm điều gì như thế chưa?”
Tôi nói, quá nhiều nữa là khác, nhưng chúng không hề ảnh hưởng tới tâm thái viết của tôi, cả lời khen lẫn tiếng chê! Này nhé…
Nhập cuộc văn chương chữ nghĩa ở tuổi tứ thâp, nghiên cứu đầu tay: Văn học Cham – giải CHCPI Sorbonne Pháp 1995, dịch phẩm đầu tay: Trường ca Cham – giải thưởng Quốc Hội 1996, sáng tác đầu tay: Tháp nắng – giải Hội Nhà văn Việt Nam 1997.
Ba đầu tay thuộc ba thể loại khác nhau! Ghê hơn nữa, ở đó toàn dân trong nghề tụng ca, trên báo chuyên. Về thơ – Trúc Thông (Văn nghệ): “‘Tháp nắng’ là một trong những trường ca ca hay nhất của thơ Việt hiện đại”.
Về nghiên cứu – Nguyễn Tấn Đắc (Thời văn): “Tôi tin rằng Văn học Chăm sẽ được đón nhận như một tin vui lớn, không những trong cộng đồng người Cham, trong các tộc người trên đất nước Việt Nam, mà cả trong giới chuyên môn trên thế giới.”
Mà tôi có “hề hấn” gì đâu!
Sau đó, tiếng chê cũng ghê gớm không kém. Tôi lưu hồ sơ tất cả, không chừa thứ gì. Bình tĩnh tiếp nhận, nhìn trừng chúng và, làm việc của mình. “Đoản khúc thứ 2 dành cho con” viết 1982 (Sinh nhật cây xương rồng-1997):
“Con lừa đi tìm gánh nặng
nhà văn đi tìm tiếng tăm
thầy tu đi tìm Thượng đế
riêng con đến gặp cuộc đời”
Loài cáo nuôi mình bằng thịt gà, nhà văn tự nuôi mình bằng các lời khen láo, Marx Twain – có lẽ. Đâu phải cứ qua 30, 40 là thoát được thứ bệnh này. Tôi biết không ít nhà dù qua ngũ thập hay đã cổ lai hi, vẫn bị điên đảo bởi lời khen chê.
Bạn thơ vẫn vững như bàn thạch, nếu không để bị lung lay bởi trận bão lời khen ấy. Còn tiếng chê, cứ ôn lại giai thoại Tô Đông Pha bị Thiền sư Phật Ấn chơi đẹp, mà gương sáng.
Riêng Chế Đôn – “già rơ”, bởi mục đích viết của Sara không phải nhằm sưu tầm những lời khen, chẳng phải để Bộ Giáo dục tuyển vào phần đọc thêm sách giáo khoa, càng không phải ý đồ vào văn học sử lưu danh thiên cổ, mà khác.
Khác, chính là: Văn chương đến gặp cuộc đời.