KAPET – THƯƠNG NHÀ VĂN VIỆT NAM

Vụ Rừng Kapet,

Giới showbiz Việt Nam thì thôi rồi, họ chỉ quanh quẩn quần áo, giường chiếu với phát âm hở môi miệng [không giống showbiz Trung Quốc phát ngôn về Biển Đông]. Nhà văn thì khác, được xem là tinh hoa, tiếng nói lương tâm của dân tộc, thời đại.

Thế nên, tôi thử vòng qua facebook các nhà văn Việt Nam, mong phát hiện ý kiến khác hơn, độc hơn, để tham khảo – KHÔNG GÌ MỚI CẢ, ngoài video clip của một nhà văn lão thành Hoàng Quốc Hải với các tút ngắn phản đối lác đác. Chưa có nhà văn nào “hết mình & tới cùng”. Buồn không?

Dường nhà văn Việt Nam nghe tin về Kapet như chuyện xảy ra ở đâu đó, như bao chuyện khác, chứ không phải sự vụ nghiêm trọng nơi quê hương, hay chỉ là việc nội bộ Cham, chứ không của chung Việt Nam.

Tôi đã có 11 tút và 1 video, liên tục trong 1 tuần.

Cảnh báo về rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh bị tàn phá;

về rừng thiêng cùng Thánh tích dân tộc bản địa sắp biến mất;

về khu di tích lịch sử nguy cơ tiêu vong;

và về nhiều thứ khác…

Ngó lại để xem có nhà văn nào chú ý vào trao đổi không, hiếm – cực hiếm. Trong khi có tút chỉ với vài dòng chọc ngoáy quan chức phát âm quanh vụ này, cả đống nhà văn vào… nhận định.

Đây không phải trách, mà chỉ là quan sát để lưu Hồ sơ Văn học Việt Nam hôm nay, cho người muôn năm sau biết.

Chả trách, khi lên tiếng về vụ Ghur Raneh, bạn thơ Cham kêu: “Sara khi không ách giữa đàng mang vào cổ”.

Chả trách, khi bạn văn Việt thắc mắc: Hà cớ đi làm thơ khóc cho “Nữ thi sĩ Afghanishtan bị sát hại”, rồi “một thế hệ thổ dân bị đánh cắp” tận nước Úc xa xôi. Nữa, ai nhà văn Việt Nam lại qua biểu tình chống rác thải hạt nhân tận Đài Loan, hoặc rỗi hơi lo an ủi nạn nhân phóng xạ tuốt Fukushima cơ chứ!

Thương thay cho tôi – kẻ khéo dư nước mắt…

P.S.

Tôi dùng Kapet phiên âm tiếng Cham: Kadait; tôi dùng từ “phát âm” khác với “phát ngôn”.

Dùng cụm từ “nhà văn Việt Nam” không bao gồm tất cả, mà là đại đa số. Hay khi tôi viết: “Nhà văn Việt Nam chưa bao giờ giỏi lập ngôn cả” cũng vậy. Thế nên đây là chuyện tế nhị, nhà nào thấy mình không “thuộc vào” thì tự trừ mình ra. Thân mến!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *