Thương ca vô tận-16. DÂN CHỮ NGHĨA & LỐI NGHĨ NHÀ QUÊ

[hay. Giấc mơ tôi lạc loài]

1. Về cuốn Thơ Nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố ‘nữ’, 1 nhà thơ nữ phê tôi trên Tienve, ý: Sao lại phân biệt nam nữ, ông có là nữ đâu mà viết về thơ nữ! Khi tôi phản bác bài viết về văn học ngoại vi, 1 nhà văn ngoài luồng phê: Sara có là cây bút vỉa hè đâu mà đi bênh vực vỉa hè (đã bàn trong Văn chương tan rã, Lotus Media, 2019).

Ở Cham, khi tôi lên tiếng về cộng đồng Bà-ni, vài bạn Cham của tôi kêu: “Sara có là người Bà-ni đâu mà đi lo chuyện Bà-ni”, nếu không vì tư lợi.

Hôm qua, tút về “não trạng”, trích một nhà thơ [ở Mỹ] phê tôi trên Litviet: “Inrasara muốn được công nhận bởi hệ thống văn chương bảo thủ của nhà nước”, tôi cho đó là lối nghĩ hơi bị nhà quê – bạn FB chat “anh Sara nên giải thích thêm”.

Dài dòng thế, để biết kẻ chữ nghĩa ta vài người dù ra tận xứ sở văn minh vẫn còn giữ lối nghĩ rất nhà quê, là vậy.

2. Bạn Thiên Hoàng còm: “Sau khi đọc Minh triết Cham, tôi không còn biết nên coi ông là nhà thơ, nhà triết học hay là nhà nghỉên cứu… hay là cả 3?”

Trả lời câu hỏi này cũng là cách giải minh cho “lối nghĩ nhà quê” trên.

“Làm nhà nghiên cứu là một tai nạn”, tôi viết thế. 25 tuổi, tôi sưu tầm và hệ thống tư liệu khủng về văn học và ngôn ngữ Cham, quyết chuyển cho ai khác, do không ai nhận, thế là tôi phải làm – chuyện đã kể, miễn lặp lại.

Từ bé tôi mê hai thứ Triết và Thơ, mê và đọc khủng. Vậy mà tôi lại mơ làm hai chuyện: Viết bộ tiểu thuyết sử thi về Cham, và làm Tâm Kinh cho chức sắc Cham, xong – lên núi tu là vừa.

3. Tiểu thuyết sử thi, 1 thôi cũng đủ. Và tôi đã làm…

Năm 1986, bỏ Ban Biên soạn về quê, từ Hiếu Lễ sang Chakleng, ban ngày vừa làm hàng xáo vừa lo phần rau muống cho Hani chở lên Phú Quý bỏ sỉ, tối tôi viết dưới ánh đèn leo loét. Con đường Vô tận ý đồ thâu tóm đời sống Cham cận và hiện đại. Được 2 tập thì ngưng, do nhà cực quá bà xã thầu quán chợ làng kêu tôi thủ, tôi thành kẻ trụ chính. Bộ tiểu thuyết dự trù 9 tập, ngưng, vĩnh viễn.  

Tâm Kinh Cham dự tính 300 trang, chuẩn cho chức sắc Cham dùng. Bởi tôi biết Cham không thể thoát khỏi hệ lụy tôn giáo tín ngưỡng ông bà để lại. Thế rồi, 4 năm qua về quê san định kinh sách Cham: 3 bộ non 2.000 trang, chỉ là cái ngoài lề, còn Tâm Kinh kia đang làm lạc loài.

4. Dự phóng, tôi đã hết mình cho nó. Rủi thay, người tính trời định.

Tôi thành nhà thơ là một cách. Làm thơ từ sớm, tiếng Cham lẫn tiếng Việt, vốn liếng rất khá, tôi không ý in. Đến tuổi 40, chúng ra đời, do cơ duyên rất… ngờ nghệch – đã kể.

Làm nhà phê bình cũng hệt. Từ tinh thần hậu hiện đại, tôi nhấn về Văn học Ngoại vi, với 7 chi lưu: Cham, DTTS, nữ, cây bút vùng xa và người viết chưa vào Hội HNV, tác phẩm in ngoài luồng, nhà văn Việt hải ngoại, Văn chương mạng. Tiểu luận và phê bình, tôi ít bàn về nhà văn thành danh, mà NGOẠI VI các loại.

Kết.

Không là cây bút vỉa hè mà đi bênh văn chương ngoài luồng, không phải nữ mà viết chuyên luận về thơ nữ, hô vậy là không hiểu suy tưởng tôi. Thế tôi viết về thơ Việt ở Mỹ, Canada, Úc, Pháp hay về Orhan Pamuk, Masatsugu Ono, Vương Tiểu Ba … thì sao đây?

Nhà văn viết và in, là cho độc giả khả thể không biết trước, Cham hay Việt, ta hay tây, trong hay ngoài nước. Làm gì có chuyện viết, và MUỐN “hệ thống” nào đó công nhận.

Rõ, buồn cười!

P.S.

– “Inrasara muốn được công nhận bởi hệ thống văn chương bảo thủ của nhà nước”, bên cạnh lối nghĩ nhà quê”, phát biểu còn thiếu thực tế. Đến năm 2011, tôi được “hệ thống văn chương của nhà nước” công nhận từ lâu. Qua các giải thưởng, qua hàng trăm bài báo, mươi luận văn Thạc sĩ về chữ nghĩa tôi… Tôi có “muốn” đâu, hệ thống ấy “công nhận” đấy chứ, hén!

– Tôi là Cham, lên tiếng về Ghur Cham Bà-ni bị xâm hại mà kêu tôi vì tư lợi. Vậy tôi lên tiếng về thổ dân châu Úc, dân bản địa Orchid Island Đài Loan, nạn nhân phóng xạ hạt nhân Fukushima… vậy tôi vì cái gì đây, nhỉ?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *