Chuyện văn chuyện đời-25. ĐỌC THƠ NHƯ ĐỌC… BÁO

Bài thơ “Chiến tranh” của Nguyễn Đức Tùng, thế mà… hay.

Người đưa thư

Dựng xe đạp trước nhà

Ngồi uống với dì tôi một tách trà

Rồi lặng lẽ cáo lui

Không biết dì tôi không biết chữ

Trong phong bì là giấy báo tử”.

Thử nhắc lại vài phản hồi: “Chi tiết về người đưa thư có vẻ ko đúng thực tế”. “Phi logic, giấy báo tử khi ấy chính quyền làm rất trang trọng”.

Nguyên do bắt tận tay luôn: Đó là “thơ của người sinh ra sau chiến tranh”, “lại sinh trưởng ở nước ngoài”.

[1] Sai về thông tin

Lạ lắm, trong khi bài thơ không nói chuyện ở đâu, khi nào, chỉ biết, nó xảy ra trong “chiến tranh”. Ta chê nhà thơ thiếu thực tế, thành ra sai. Trong khi…

NĐT còm vui [dù không cần thiết], rằng anh bị ám ảnh “về một sự kiện ở miền Nam trước 1975” khi còn bé.

Dẫu đọc thơ như đọc báo, người đọc soi thơ qua vũng biết của mình, dễ bị biết… trật. Và đã trật thiệt.

[2] Thơ như là thơ, nó của cá nhân đồng thời thuộc nhân loại, nó ở địa phương mà vẫn thế giới. Cần cảm nhận bài thơ “Chiến tranh” kiểu ấy. Chớ hỏi nó diễn ra khi nào, ở đâu. Càng không lí sự rằng, cái dì nào đó không biết chữ, cứ chạy qua nhờ ông hàng xóm đọc, là xong.

Làm vậy là giết chết thơ rồi còn gì.

Kết ấy là một đứt gẫy của định mệnh, thất thố và chông chênh của phận người. Nó tạo độ vang cho thơ, và gợi tưởng tượng và đồng cảm về một thân phận người nào bất kì trên trái đất già cỗi và mù lòa này.

[3] “Người đọc cũng cần được đào tạo”, tôi trả lời phỏng vấn báo Lao Động thế, hồi năm 2007. Sau 16 năm, sự thể vẫn còn mang tính… thời sự. Cả ở thành phần chữ nghĩa ưu tú.

Năm 1986, về tập thơ Ngựa Biển, nhà thơ Hoàng Hưng kể từng bị ông giám đốc NXB lớn, cây bút lý luận phê bình uy tín mắng: “Làm gì có ngựa dưới biển, tác giả… chưa thành người”. 

Năm 2002, tôi bị người bạn kiêm nhà nghiên cứu có tiếng la: Làm gì có “rắn hổ mang biển”, con vật không hề có mặt trên trái đất, sao Sara dám đưa vào thơ?

[4] Nếu thế thì chơi cho chết luôn, mời đọc nè [đoạn kết bài thơ “Trong khoảng tối gió mùa” – Lễ Tẩy trần tháng Tư-2002]:

Bên kia cõi lặng

tiếng lướt đi của bàn chân

hắt hơi của loài côn trùng tiền sử

nín thở của nhà sư  ẩn  tu

cánh tay vãi gieo vào vô hình

xào xạc của gạch nung triều đại cũ

bốc mùi của đất mục

cạ lên trang giấy của câu thơ chưa viết

gầm của biển chết

lửa vỡ vào thành đêm

vạc 300 tuổi thọ thình lình kêu xé không gian

khóc vừa hạ sinh một giọng nói

Niềm vui bất ngờ vang lên trong lễ hội

                  Cái cuối cùng có thể cứu vớt chúng ta:

                                             TIẾNG HÁT

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *