Chuyện văn chuyện đời-17. TÔI LẬP HỒ SƠ MÌNH THẾ NÀO?

[kinh nghiệm các bạn văn có thể tiếp nhận]

Hãy là nghệ sĩ sáng tạo bay bổng, đồng thời làm kẻ giữ kho đáng tin, – tôi nói, và đã làm như thế. Thử xem tôi lập hồ sơ về mình thế nào?

[1] Trước tiên là nhật kí [xem: Nguyễn Lê, “Tôi viết nhật kí thường xuyên từ tuổi hai mươi”, tạp chí Mực tím, 11-2005]. Từ nhật kí, tôi còn tóm lược: “Inrasara, đi & về”, mỗi năm cần 10-15 dòng cũng đủ – đều đặn. Để nhìn lại đời mình.

[2] Tiểu sử với đầy đủ ngày tháng, “quá trình công tác”, chức danh, giải thưởng, danh hiệu, chủ biên… Thêm: về vợ con, cha mẹ, anh chị em…

[3] Các tác phẩm của tôi: 40 cuốn, tên sách, năm in, nhà xuất bản, số trang cho đến khoản tái bản, cả thơ văn ở trong các tuyển.

[4] Bài báo, ví dụ bài đầu tiên tôi viết: “Ariya Bini – Cam, một trường ca bất hủ bị thất truyền”, tạp chí Văn hóa Dân tộc, số 1, 1993. Hơn 500 bài dài ngắn được phân loại: Nghiên cứu, phê bình, DTTS, về Cham, và nhiều vấn đề khác.

[5] Bài phỏng vấn, bài báo viết về tôi, như: Nguyễn Lương Hiệu, “Inrasara, người nghiên cứu tâm hồn dân tộc Chăm của mình”, báo Tuổi trẻ, 4-7-1995.

Khoảng 300 bài, tôi giữ nguyên tờ, có cả phần cắt lẻ cho vào album lớn.

Trả lời phỏng vấn trên Đài cũng thế, tôi lưu đầy đủ.

[6] Diễn thuyết, như trong nước: “Thơ trẻ Việt, các khuynh hướng mới”, Lớp Cử nhân tài năng, Đại học KHXH & NV TP Hồ Chí Minh, 4-2006, ngoài nước: “Cham & văn học ngoại vi Việt Nam”, Đại học Hiroshima, 2021.

84 cuộc cả thảy, xếp theo ngày tháng.

[7] Luận văn, như: Võ Thị Hạnh Thủy, Thế giới nghệ thuật thơ Inrasara, Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2008.

17 Luận văn Thạc sĩ và Tiến sĩ, chưa kể các khóa luận Cử nhân.

[8] Phim ảnh, như phim đầu tiên: Inrasara, đi tìm bóng ảnh Chăm, 16 phút, HTV7, 6-2003. Có 24 phim riêng, và 7 phim chung cũng được xếp theo list.

Ảnh, có ảnh gia đình, ảnh tư liệu về Cham, về nhà văn, về các hoạt động của tôi, vân vân. Tất cả đều được ghi chú địa điểm, ngày tháng.

[9] Buôn bán và tiền nong, từ 1991 tôi làm rất kĩ, sổ kiểm kê hàng tháng hồi Tạp hóa Haly’s vẫn còn lưu. Sau đó, là tiến độ Cty Thổ cẩm Inrahani, cho đến chi tiêu cá nhân hàng ngày, khoản giúp bạn bè hay được ai khác hỗ trợ…

[10] Về quê Chakleng tôi, tôi sưu tầm không ảnh làng do Mỹ chụp 1965, tôi vẽ sơ đồ Chakleng trước 1975, và nhiều tài liệu liên quan, trong đó cuốn Chakleng, Từ mảnh ghép kí ức-2021 chỉ là một phần nhỏ.

[11] Hồ sơ văn học. Nhà văn Trần Thị Thắng một lần còm vui: Sara có đọc không hay chỉ kể tên. Tôi nói, Sara đã viết về hơn 150 nhà, lập hồ sơ gấp hai con số đó. Riêng về thơ Việt đương đại, tôi có thể thuyết cả tuần không nhìn… giấy!

[12] Còn hồ sơ về Cham thì mênh mông, có lớp lang đâu đấy, rất dễ “lục”. Gồm hồ sơ về hoạt động xã hội của tôi, như Ghur Raneh, hồ sơ về Tagalau… Phần văn bản tư liệu được phân loại: Văn chương, lịch sử, kinh sách… Cả các tác giả Cham hiện đại cũng được lập hồ sơ cụ thể.

Để tránh thất thoát, tất cả được cất nhiều chỗ khác nhau: website Inrasara.com, trong Laptop, usb, in thành văn bản để lưu, và… Qua đó, chúng giúp tôi tìm, tra cứu cực nhanh; các nghiên cứu sinh hay ai “nghiên cứu” về tôi cũng rất tiện.

Dù đây chỉ là kinh nghiệm ngoài lề chữ nghĩa, tôi nghĩ nó rất cần thiết với các bạn văn hôm nay.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *