Nghĩ-101. GIỎI, GIÀU ĐỂ LÀM GÌ?

[về tinh thần ‘Bhap ilimô’]

Tố Hữu: “Núi cao nhờ có đất bồi/ Núi chê đất thấp, núi ngồi nơi đâu…”

Ta mới rủng rỉnh túi, vừa nho nhoe thạc sĩ, hay ta mới được vài bài báo nhắc đến mà vội nghênh mặt lên nhìn trời. Ảo rằng ta trí thức, ta văn hóa, mà có biết đâu đấy chỉ là món:

Bilok li-u iku bamông/ Njrung gaup tapông laic ilimô’:

Sọ dừa – đuôi chót của quày/ Hùa nhau mang vác bảo văn hóa đây”.

Tầm ấy, Pauh Catwai mới giơ ‘gai gru’ lên, đã chạy mất giày!

Có ‘gloong ilimô’ [“uyên thâm”] tới đâu mà bạn xem thường kẻ dưới đáy xã hội, là hỏng từ gốc. Làm ra nhiều công trình khoa học bự thế nào, mà bạn phó mặc sinh phận quần chúng, bạn chỉ là kẻ trục lợi cho riêng mình, nghĩa là phi và phản tinh thần ‘bhap ilimô’.

Cao ngạo mà vẫn gần gũi người đời thường…

Sáng tạo bay bổng mà vẫn khiêm cung làm kẻ thủ kho…

Bhap ilimô’ là từ cốt tủy của Pauh Catwai. ‘Bhap’ nghĩa đen là: “dân”, “đại chúng”, “quần chúng”; Ilimô: “văn hóa”. Thi nhân không nói văn hóa dân tộc mà là văn hóa nhấn về phía ấy – nền văn hóa TỪ, CỦA, BỞI & CHO bộ phận đông đảo dân tộc, chứ không phải thành phần được xem/ tự coi là đặc tuyển.

Hai lần tác giả lặp lại, đặt ngay cuối câu ariya. Một thể hiện bằng dấu hỏi:

Tha boh cơk tajuh giloong

Thibar ka throong bhap ilimô?’

Một ngọn núi bảy ngả đường

Thế nào cho thông văn hóa dân tộc?

Một ở dấu than:

Hajiơng ra cek pakhik

Đa ka lihik bhap ilimô’!:

Nên người cho canh giữ

E phải mất cả văn hóa tổ tiên!

Đánh giá một dân tộc, không chỉ việc dân tộc đó sản sinh bao nhiêu vĩ nhân, bao nhiêu công trình vĩ đại mà còn và nhất là ở tầng lớp quần chúng của dân tộc có ứng xử văn minh, đã đóng góp gì vào, và quan niệm thế nào về nó?

Với Cham, sáng tạo không chỉ là công việc dành riêng cho giới đặc tuyển, mà còn là đại đa số công chúng [ĐẠI CHÚNG], ngay cả khi Cham đã có chữ viết. Nhất là khi Cham tiếp nhận văn hóa Ấn Độ giáo vốn mang tiếng là đối xử phân biệt.

Thực tế trong cộng đồng Cham, ông Mưdôn Cham xuất thân từ quần chúng – nghĩa là không phải “nối dõi tông đường” như bên Paxeh, lại là 1 NGHỆ SĨ TOÀN NĂNG.

Là chủ lễ của nhiều lễ Rija, chơi thuần thục mọi nhạc cụ Cham. Ông vừa là ca sĩ, vừa là vũ công, cạnh đó ông còn là thi sĩ [vô danh] chính hiệu. Hàng trăm Damnưy được hát trong các dịp lễ này là các tác phẩm vô danh của nhiều thế hệ Mưdôn khác nhau. Sáng tác và tái tạo đầy cảm hứng với những biến thái khác nhau ở từng vùng, từng lễ, thậm chí từng kì lễ Rija.

“Quần chúng” ‘bhap’ Cham vừa sáng tác, vừa lưu truyền vừa tái tạo văn hóa dân tộc là vậy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *