Xài từ “cuộc chiến” cho sang, thực tế là: đấu đá. Kể từ bậc thấp đến cao…
Thấp nhất là tranh lợi. Giành ghế, giành khoản tài trợ với đầu tư, chen lấn vào Hội, tranh suất dự hội nghị hay đại hội… Nói xấu sau lưng, có; đấu tố nhau, có; trực diện cũng không chừa. Ở bậc sơ cấp này, ta cũng đánh nhau trối chết, ghét đến mang đi đổ chứ chả phải chơi.
Bậc thứ hai, ghét không làm gì được nhau, mới đi báo cáo anh, méc lên “trên”, đặt điều chộp mũ chánh trị. Là cách mượn tay người triệt bạn viết, không tí ti sạch sẽ.
Bậc thứ ba thuần chuyên môn, nói cho sang xíu là khác biệt sáng tạo mang tính mĩ học, mà sanh tâm ghét. Tụt hậu vì bất tài nên không thể “cách tân”, lại không đủ lí lẽ tranh biện phải trái, bèn tranh thủ sự ủng hộ của đám đông, cánh hẩu, đánh càn đánh bừa nhằm hạ đối thủ.
Đó là ba bậc cấp diễn ra như cơm bữa trong văn giới Việt. Thế giới ngoài kia cũng có, chắc chắn ít hơn, do môi trường văn học ta quá lạ.
Ở bậc cấp thứ 4: Ghét, vì ganh tài nhau.
Faulkner và Hemingway, là điển hình, dù cả hai ngang cựa – đều Nobel Văn chương, vẫn không tránh khỏi tâm lí đố kị của kẻ phàm.
Faulkner chê nát tuyệt phẩm Ông già và biển cả, kêu Hemingway viết văn chả chút sáng tạo, không lấy nổi một chữ ra hồn để người đọc phải đi tra Từ điển. Hemingway chẳng phải tay vừa…
Đây thấy anh văn chương luộm thuộm [Faulkner còn giữ kỉ lục về câu văn không chấm phẩy kéo dài mấy chục trang], dù anh có tố chất hơn tôi đấy, do không biết kiểm soát tài năng, thành ra thế. Chớ gì anh chịu ngồi dưới giảng đường kia cho tôi tập huấn!
Chuyện còn dài…
Cấp bậc cao nhất, cấp 5: Từ khác biệt tư tưởng chuyển thành kẻ thù đến không nhìn mặt nhau. Tình bạn đổ vỡ giữa Sartre và Camus, là một.
Cả hai từng cùng chiến tuyến: Tư tưởng, văn chương và chính trị, nhưng rồi quay lại công phá nhau, quyết liệt đến không ngó mặt nhau. Đó là cuộc chiến trên những đỉnh cao, thế nên khi tàn chiến cuộc – ở điếu văn khóc tình bạn một thời, Sartre thừa nhận khuôn mặt Camus “có lẽ là độc đáo nhất trong văn học Pháp”. Để “từ Sartre qua đời năm 1980, nền văn học ấy không còn ai có thể thay thế được Sartre và Camus”.
Cuối cùng, ở chiều kích cao tuyệt, nhà văn không chiến với nhau, mà với chính mình. Như Rimbaud với “cuộc chiến tâm linh”, còn khốc liệt mươi lần hơn cuộc chiến nơi bãi chiến trường.
Lâm chiến và bại trận – như Heidegger tự đẩy chính tư tưởng mình đến thất bại, chàng rời bỏ văn đàn, vĩnh viễn.
P.S.
Gà tức nhau tiếng gáy. Gáy to hơn xíu thôi, cũng đáng ghét. Lao vào chiến cũng chả sao. HTX chữ nghĩa ta, có được cuộc chiến như ở cấp bậc 4, đã ơn phước lắm.