Đắc đạo Cham, tôi làm gì?-21. CUỘC CHIẾN VẪN TIẾP DIỄN

[Khi mất niềm tin đang tràn lan, cá nhân làm gì để có thể bớt ác đi?]

[1] Nói tôi “hạnh phúc nhất”, tôi “đắc đạo”, tôi đã qua tận bờ bên kia, vân vân thứ, không phải tôi đã yên bề, đã đâu vào đấy, cả đời chỉ có vui sướng. Không phải!

Mỗi ngày tỉnh dậy tôi phải chiến đấu chống lại bao ám ảnh của, về, cho…

Sợ và lo, được và hư mất, giằng xé, đau đớn và run rẩy, yêu thương, chia li và thất thố. Tôi phải chiến đấu chống lại những bóng ma thực và mộng – ngày qua ngày. Trong cô đơn. Ở đây, kinh nghiệm không là gì cả. Mỗi ngày là một cuộc chiến mới, cuộc chiến tinh thần, diễn ra ở sâu thẳm con người tôi. Tôi phải chiến cùng kiệt, để mỗi lần rời khỏi trận chiến bước ra dòng đời, có thể ứng xử tạm coi được.

Nếu Chúa biết bao nhiêu thân hốt hoảng  

Trong sầu đen đã gẫy cánh như dơi

Nếu Chúa biết bao nhiêu dòng lệ đắng

Chảy như sông không rửa sạch sầu đời

Tôi không tưởng tượng nổi, làm sao Huy Cận ở tuổi 20 đã viết được đoạn thơ thăm thẳm như thế. Sau Lửa thiêng, bị trói tay, thiên tài ấy kiệt quệ và chết yểu. Uổng không!

[2] Ở Trại Sáng tác Vũng Tàu hè 2002, một bạn thơ kể sau trận chiến giáp lá cà, đại đội anh bắt sống hơn chục lính Cộng hòa. Anh lệnh tất cả đứng dàn hàng ngang, và… bắn. Nhìn xác đồng đội mình nằm như rạ, cơn giận thôi thúc thứ thú tính trong con người buộc anh làm thế – không trách. Đáng nói ở đây là giọng kể lại: đầy khoái trá!

Tôi nói, anh không bao giờ có thơ hay được đâu.

Nhà thơ có thể lầm sai, nhưng tuyệt không được quyền ÁC, vui với địa ngục tâm của mình.

Tôi ngạc nhiên không ít, tại sao một nhà thơ có thể vu khống đồng nghiệp, rồi khi được cho biết sự thật, vẫn không hối cải mà còn tỏ vẻ khoái trá. Không hiểu!

Lỗi ở nền giáo dục XHCN chăng?!

[3] Hồi lớp Ba, cha dẫn tôi qua nhà người quen. Bữa cơm cá kho, loại cá tràu con bé như cá lòng tong (Cham gọi ‘anưk cawah’, khi nó lớn bằng ngón tay cái là: ‘cakleo’, từ bắp tay trở lên lại có tên khác: ‘ikaan cakleg’). Trên đường về, cha nói:

– Để cho chúng lớn hẳn mới đánh bắt có lẽ hay hơn.

Ừ, tôi biết loài tràu nhí đó, vừa nở là chúng tụ quanh ổ mẹ như một đám mây. Khi ổ bị động, cá mẹ chạy thoát thân bỏ chúng lại, rồi chỉ bằng hai cái nhá là chị nhà quê hốt được một tô về kho keo. Tội! Từ đó tôi kiêng luôn cá tràu, kiêng tận hôm nay.   

Nhà anh họ tôi có ruộng gần lũy tre người Việt làng Xanưng. Tre Cham toàn gai là gai, móc được củ măng là kì công, chớ tre bác này luôn gọn và tươm tất. Ba lùm tre với hơn chục măng thẳng quá đầu người lớn, trông rất đẹp mắt. Chực vắng chủ vườn, anh họ hú tôi mang bao qua, chặt và chặt, chưa hết dăm phút đã đầy bao chỉ xanh.

Trên đường về, tôi bị ám mãi về hành vi tàn bạo ấy của ông anh, mãi đến nay.

Một củ măng có bao nả đâu, nửa năm sau nó thành cây tre to, mập không đáng sao. Hay 1kg tràu con cứ cho chúng tự lớn, trừ hao hụt còn trăm con được 1 tạ thịt, chả lợi là gì!

Thuở bé, nhà tôi có gà mẹ mỗi lứa không khi nào quá 5 con. Có đứa tập gáy, hơn 4g sáng tôi dậy học bài, nằm nán lại nghe tiếng nó tập gáy, phải nói là thiên đường. Hôm nay nó gáy được ba tiếng, hôm sau lên bốn… Một chiều đi chăn trâu về chả thấy nó đâu, hỏi, mẹ kêu: bắt cúng rồi. Tôi buồn đến không nuốt trôi cơm.

Từ 20 tuổi tôi không còn tự tay cắt tiết gà vịt, món tiết canh thì miễn luôn. Không phải tôi đạo đức chi chi, mà tập cho mình BỚT ÁC được chừng nào đỡ chừng nấy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *