Không hiểu sao, mỗi bận thấy thiên hạ nhậu nhẹt, dzô… dzô… dzô… rồi cười hô hố, là tôi nhớ đến giới quý tộc phương Tây ở những cuốn tiểu thuyết tôi đọc thời trẻ. Việt Nam, dường tinh thần và phong vận quý tộc đã chết. Hay nó chưa hề có?
Tôi nhớ cha tôi, rồi nhớ ông ngoại tôi – cha của cha.
Ông ngoại người palei Palao cách Chakleng 8km, thầy cao đạo, tác giả trường ca Ariya Rideh Apwei, khuôn mặt và ánh mắt đẹp đầy phong thái. Hồi bé qua ngoại, tôi gần gũi ông. Ông mất khi tôi chưa hết Tiểu học, thế nên tôi không hiểu nhiều về ông. Điều lạ, chính ông dạy tôi biết chữ Cham thuở tôi lên bốn, và thuộc trường ca Ariya Glơng Anak, thi phẩm khó hiểu nhất trong kho tàng văn chương cổ Cham.
Rồi những đêm trăng, nằm võng ngoài sân, ông chỉ cho tôi “thủ đô” Cham trên cao, nằm “giữa không trung, góc chân Sao Rua với Sao Cày”. Tôi lơ mơ hiểu. Mãi sau tôi biết đó chính là niềm HY VỌNG.
Phong thái quý tộc ở ông ngoại truyền sang cha.
Mọi thứ ở cha đều toát lên phong thái ấy, dù cha làm nông cơ cực nên có vẻ khắc khổ hơn. Tuy thế từ lời nói, hành vi đến việc làm, từ cách ngồi ăn cho đến lối vận quần áo. Nghề nông, mọi việc cha luôn chỉn chu, đẹp. Đẹp từ tạo dáng cái bừa, cây cuốc cho đến đường cày, từ cách be bờ cho đến thao tác gieo…
Đố ai thấy cha tham dù chỉ một hạt thóc của người. Cha lành, lành đến nỗi kiến cắn cha phủi chứ không sát. Mỗi cây roi ‘yong” đi theo cha suốt mùa cày, đến hai đầu roi thành láng coóng. Cha dùng roi khiển trâu chứ không phải để đánh.
Cha mất cũng đẹp luôn, sau một tuần “nhớ quê nằm bỏ cơm”, cha “về”: nhẹ nhõm, sạch sẽ. Cha là ông thánh của đời thường.
Ông nội tôi, tu sĩ Bà-la-môn, mất sớm. Tôi may mắn nhận gien từ ba vị ấy, nên cũng ít nhiều hơi hướng quý tộc. Dù so với cha, tôi mới được một nửa.
Lang thang các tỉnh thành, mỗi bận bạn văn ăn & nói bỗ bã, tôi nhớ câu thơ Xuân Diệu: “Cứ phong nhã để cho đời bớt tục”. Đời hôm nay tục lụy quá, ngày càng tục lụy. Dù ta học cao hơn, có nhiều tiền hơn, xài hàng hiệu đắt hơn…
Hồi mới vào Sài Gòn làm việc, mỗi lần về quê tôi hay ghé bạn. Chúng tôi tách trà, li cà-phê, miếng bánh “đôi câu nhâm nhi với vài khoảng lặng/ gõ nỗi đời mà ngó mây bay” (“Khoảng trời bè bạn”-1994). Thế mà mươi năm sau thôi, hết bia thùng đến la liệt thức ăn bày ra.
Rồi hết oán trời đến trách người, mọi thất bại của ta đều mang đổ lên đầu ai khác, từ chế độ cho đến “Cham ni”. Sau 3 lon, tôi đứng dậy. Nhiều bận như thế, rồi đi luôn.
Chuyển dòng đời thì không dám, thôi thì phần ta, học theo cha với ông ngoại, mà “cứ phong nhã để cho đời bớt tục”.