Nghĩ-56. TẠI SAO KHÔNG TẠ ƠN?

Sống nghĩa là tạ ơn – ơn ngãi đầy tràn

nằm ngoài chân trời đếm đo được mất

tạ ơn làm cho ta lớn lên [Lễ Tẩy trần tháng Tư-2002].

Cha mẹ, anh chị em ruột, cả anh chị em họ cùng bao người láng giềng tuổi nhỏ của tôi nữa. Tất cả dành cho tôi bao điều tốt lành, là một may mắn lớn. Tôi cần nói to lên tiếng tạ ơn đầu tiên.

Nhóm bạn Chakleng của tôi. Thính, Đạm, Lệ, Quân, 2-Quận, Tin, Bánh, Bày, Phép, Hiển, Hảo, Buôn, Đính, Hộp, Nhàn… Từ đá banh [dân Chakleng cừ miễn chê], đào giếng hay vệ sinh thôn xóm cho chí mở lớp dạy chữ mẹ đẻ… chúng tôi chơi với nhau từ xà lỏn cho đến tuổi ai nấy con đàn cháu đống mà vẫn một lòng một dạ, không đáng nói lên lời tạ ơn sao!

Tạ ơn Trường Trung học Pô-Klong, nơi đó sau khi trường bị giải thể, quý Thầy Lưu Quang Sang, Thành Phú Bá, Đàng Năng Quạ luôn đồng hành với tôi, ở các chặng đường khác nhau của đời người. Rồi như cơ duyên đặc biệt: thầy Nguyễn Văn Tỷ.

Thầy trò đứng chung chiến tuyến, từ 1978 cùng viết “Thư giải trình” lên trên về Trường Pô-Klong, Trung tâm Văn hóa Chàm, đó là thuở mới giải phóng, dân lành sợ C.S còn hơn sợ giặc, dám làm thế phải nói là GHÊ! Sau đó là vụ Kiều Minh Vũ, Ghur Raneh, Tagalau… cho tận hôm nay, không ngơi nghỉ.

Thủy chung như nhất vậy – là chuyện hiếm. 

Vào Ban Biên soạn sách chữ Chăm, 25 tuổi – trẻ nhất, ở đó tôi học được nhiều món từ quý thầy Lâm Nài, Bạch Thanh Chạy, Nguyễn Ngọc Đảo…

Tôi lớn dậy từ chốn này. Không riêng trí tuệ, mà đức hi sinh tận tụy với ngôn ngữ mẹ đẻ cùng thế hệ con cháu đến khó tin của quý thầy. Phi thường!

Po Dharma dạy tôi phân biệt giữa “Cham” và “Champa”, nhất là khi anh nhấn về vùng đất Pangdurangga. Dù anh luôn chống tôi, tuy nhiên về mặt nghiên cứu khoa học, tôi không thể không tạ ơn anh.

Ysa Cosiem, Lưu Quang Sáng, Chế Mỹ Lan, Khánh Phạm… hỗ trợ tôi nhiều về tiền nong lẫn tinh thần. Tagalau, Agal, Từ điển Việt Cham bỏ túi, và cả cứu khổ cứu nạn mùa dịch Covid-19… Ai bảo tiền “không là gì cả”!

Về Tagalau, 5 cây viết đinh, cộng tác viên cùng mạnh thường quân, độc giả… tôi đã kể trong Inrasara-TV: “Câu chuyện Tagalau”. Riêng Jaka và Jaya, trợ thủ đắc lực ở buổi đầu, hai đứa đã phải cặm cụi gò từng chữ, sắp xếp bài vở, cha sai đâu chạy đó cùng  linh tinh thứ thuở Cham còn chưa biết tới email. Không được sự tận tình ấy, tôi khó lòng hoàn thành tốt nhiệm vụ “trên” giao.

Bạn hữu thì sao? Ngạt, Cẩn, Thủ, nhất là Đảo luôn sát cánh tôi đến tận ngày yut đi theo ông bà. Tiến, dù luôn nói ngược thậm chí chống tôi, nhưng đây là người bạn lớn. Anh Ve, anh Trăng, Đạt, Thương, Xoài, Truyền, Cát, Imưm Tý…

Kiều Maily, người dám giạt sĩ quan an ninh để dọn đường cho bà con đi hành lễ Pô Riyak, năm sau giữa trưa nắng đã khóc sưng hai mắt trước cổng Thánh địa Mỹ Sơn, để tôi có 2 bút kí khủng: “Không khóc ở Mỹ Sơn” và “Hành hương Pô Riyak”.

Cạnh đó, Maily bấm vô số ảnh thời sự về Ghur Raneh, nhờ đó tôi kịp thời vào cuộc làm nên bút kí “Tang thương Ghur Bini”!

Phú Dũng và Chế Mỹ Lan lập web Chamyouth.com, anh em Cham ở Hoa Kỳ mở Ilimocham.com, ở Malaysia là Champaka. Trong nước, Jaka có Gilaipraung.com, Jayam với trương mục “Tangin Pan Tangin”, Ikan di Ram cho các ca khúc Cham lên Karaoke. Và rất, rất nhiều nữa…

Tôi xin nói lời TẠ ƠN tất cả.

Và tôi nữa – từ 2007, Inrasara.com thu hút hàng trăm cây bút nhập cuộc.

“Vậy nhé, tôi xin tạ ơn tôi” [Lễ Tẩy trần tháng Tư-2002].

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *