Nghỉ xả hơi 6. TẠI SAO ĐỘI BÓNG CHAMPA THUA?

Là câu hỏi, tôi nhận khá thường xuyên, và lâu lâu lặp lại. Lạ, đa phần là từ phía bạn trẻ Việt. Tôi đã đáp ứng đâu đó, nay xin trở lại một lần cho trót.
Trong trò chơi lịch sử, Đội bóng Champa ghi vài bàn thắng đẹp, nhưng rồi cuối cùng đã thua trận. Vụ này, vài chuyên gia có phân tích, nhưng chưa cụ thể, sát sườn. Theo tôi, dễ ợt! Cham ham tấn công [phiêu lưu: Hải sử & văn hóa biển, nghệ thuật: Kiến trúc-điêu khắc, ca-múa-nhạc và…] mà thiếu phòng thủ; để khi cần thủ, chả còn hậu vệ nào kinh nghiệm và lành lặn, thì đá cái nỗi gì.
Nói ẩn dụ là vậy, chứ thật ra Cham thua là thua về tinh thần.

1. Tinh thần thủ lĩnh. Cứ nhìn vào thủ lĩnh là biết đội bóng đó sẽ đá ra sao.
Nhân vật ngài giáo sư Trần Hùng bình luận (Chân Dung Cát, 2006):
“Con người lý tưởng của Bà-la-môn là đạo sĩ lánh đời, trốn đời và thoát khỏi đời khi đạt giác ngộ. Văn hóa Champa bú mớm từ nguồn sữa tinh thần này nên bị đánh cho tan tác bởi văn hóa Đại Việt chủ yếu hun đúc bằng tư tưởng Khổng Mạnh mà con người lý tưởng là kẻ sĩ dấn thân, Đại trượng phu gánh vác việc đời hay ở bậc “thấp hơn” – Bồ tát của Phật giáo Đại thừa nhập thế cứu độ chúng sinh khốn khổ.”
Nói to hơn: Văn hóa Ấn Độ đại bại trước văn hóa Trung Hoa.

2. Thủ lĩnh với tiền đạo là vậy, còn tiền vệ + hậu vệ, Cham thiếu hẳn tinh thần chặt chém [mà điều nêu ở “Nghỉ xả hơi-4” chỉ là một trong những]. Việt thì khác. Hãy xem:
+ VIỆT VỚI VIỆT, xét 3 góc độ:
– Với ân nhân
Lê Lợi giết người có công lớn nhất dựng triều Lê là Nguyễn Trãi. Không dừng ở đó: để ngừa hậu họa, Lê Lợi quyết tru di tam tộc ông không sót một mống;
– Với người cùng máu mủ
Lê Thánh Tông giết anh ruột ngay sau buổi tiệc tiễn ông về núi ở ẩn, nguyên do cũng xuất phát từ tính toán trên.
[Trần Quốc Vượng viết:
“… đầu tiên là giết đại thần Lê Lăng người đã đón Cung vương và sau đó giết Cung vương Khắc Xương (1476) là anh ruột, người “phong nhã đạm bạc, ăn mặc chi dùng dè sẻn, chất phác như nho sinh”, đã “cố ý từ chối ngôi vua” để cho em lên làm vua”]
– Với kẻ thù
Nguyễn Huệ từng “đào hết lăng tẩm của 8 đời chúa Nguyễn, lấy hài cốt ném xuống sông”.
Đánh bại Tây Sơn, Gia Long trả thù…
[“Theo Bissachère, trước khi nhận lãnh cái chết thảm khốc, anh em vua Cảnh Thịnh còn bị bắt chứng kiến cảnh lính tráng tiểu tiện vào sọt đựng hài cốt của cha (Nguyễn Huệ) và bác (Nguyễn Nhạc) trước khi hài cốt bị đem “giã nát rồi vất đi”. – Chơi người ta thì người ta chơi lại, ai khiến!]
Trong khi Pháp: “Napoléon được gởi nắm xương trong đền Invalides để cho người sau hoài niệm, viếng thăm”.
Thời hiện đại, thống nhất đất nước, trong khi Đức không làm rụng lông chưn kẻ Đông Đức nào, chả nắm đầu bỏ tù ai, Việt Nam thì hàng vạn mạng bị cho về thăm ông bà, trăm ngàn sinh linh bị lùa vào trại cải tạo, cả triệu người phải vượt biển… Còn với Nghĩa trang Quân đội VNCH ở Biên Hòa, ta cũng quyết phi tang.

+ VỚI CHAM
– Lê Thánh Tôn chiếm Vijaya 1471, đốt rụi hết làng mạc dân lành trong thành, “chém giết hơn 4 vạn thủ cấp, bắt sống hơn 3 vạn người Chăm, kể cả 2 anh em vua Chăm Trà Toàn Trà Toại cùng vợ con. Hiếu sát đến thế là cùng!” – Trần Quốc Vượng]
– Minh Mạng xử dân Cham vô tội thì không ngòi bút nào tả nổi;
– Ớn hơn nữa, và tận cùng phi nhân tính: Lý Thái Tông sau khi chiếm Champa năm 1044, giết vua Cham, sau đó còn đòi Hoàng hậu Mị Ê qua thuyền mình phục vụ. Nước mất, đã đau; chồng chết thì đau mươi lần hơn; vậy còn nỗi gì mà ân với ái – không nhảy sông tự vẫn chớ làm gì!

KẾT. Khi một hành vi [xấu ác] kéo dài và lặp lại nhiều lần qua nhiều thời đại, nó thành truyền thống, để sau rốt thành thứ bản năng khó thay đổi.
Mươi năm trước, tôi cũng đã thử phân tích nguyên nhân sâu và xa:
– Cham căm giận chứ không căm THÙ.
– Ngôi vua Champa được truyền cho người giỏi [tùy hứng], chứ không phải cha truyền con nối như Việt, nên Cham không lo trừ hậu họa đến phải TRUY DIỆT KẺ CÙNG MÁU MỦ e sau đó chính họ trở thành “ngọn cờ hợp pháp” cho các cuộc mưu phản.

+ Hiểu đúng lịch sử để làm gì? Và, làm gì để giải truyền thống kia? – Người Việt có cần học tinh thần giải-sân hận de-hatred của Glang Anak?

+ Bài viết được gợi hứng từ bài thơ của Trần Quốc Toàn: “nước non ngàn dặm ra đi” trên web Inrasara.com 26-5-2018. Đoạn kết ẩn vài nét tinh thần giải-sân hận:
đêm,
tôi ngồi trong phòng những vị khách không tên
như những ngọn tháp quê tôi muôn đời mất ngủ
vì nhớ vua Cham hay nhớ bầy vũ nữ Apsara?
Mà soi bóng từ non nhân xuống tận dòng nước trí
Để Kôn Giang in bóng thành quách Đồ Bàn
Để nước sông quy tụ khí trời
Trong giọt rượu lửa uống vỡ con tim.

Trần Quốc Toàn: nước non ngàn dặm ra đi

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *