Nghĩ-57. “ĐẤU TRANH…”!?

“Nếu trí thức Cham không sợ những điều không đáng sợ, họ sẽ làm được nhiều điều cho dân tộc, cộng đồng” (tạp chí Văn hóa Dân tộc, số 1-2006).

Facebook Wa Praong 17-3-2023 kể, anh và người bạn lên tháp Pô Inư Nưgar Nha Trang. Xong phận sự tâm linh của đứa con Cham với tháp, anh cùng bạn ra ngoài, và anh kể về tháp. Thế thôi, bảo vệ đến cấm cản, kêu đó là quy định. Ghê!

Tháng trước, cũng xứ Nha Trang đất thánh Champa xưa, chị Cham bán thuốc Nam bị Nhân Gà Vlogs làm video xuyên tạc bôi bác, bà con Cham kêu tôi [vụ đã xong, dù chưa tới nơi]. Nay thêm vụ khác. Vài Cham nhắn tin “cei Sara ý kiến thế nào?”. Tôi nói thế hệ trẻ Cham đã trưởng thành, thừa sức… chiến!

Phản ứng của Sô tại đây là cần thiết, như Jaya phản ứng về chòi nước dựng ở lối đi lên tháp Pô Klong, hay Maily trước cổng thánh địa Mỹ Sơn, và…

Xuan Bao đã làm hiệu quả [vụ Nhân Gà], như Maily hay Jaya đã, tôi tin Sô hôm nay cũng sẽ – tại sao không!?

42 năm nhập cuộc Cham, tôi mấy chục bận lâm trận, và có đến 95% hiệu quả. Sau đó, tôi phân tích và kể lại làm BÀI HỌC. Kể lại, vài Cham kêu tôi thiếu… khiêm tốn! Vậy đó, không chịu học, thế nên ta cứ thất bại.

Các bài viết: “Đấu tranh, tại sao thất bại?”, “Đấu tranh, làm thế nào để thành công?”… đăng dài dài.  

Nay nhân vụ WP, tôi kể chuyện mình, tương cận.

[1] Năm 2002, tôi + gia đình + giáo sư Thawi [Thái gốc Việt] lên tháp Pô Sah Inư. Anh chàng hướng dẫn vui vẻ và liếng thoắng thuyết. Cả đoàn 6 người đứng nghe, chăm chú. 15 phút thì hết bài. Xong, tôi vỗ vỗ vai chàng:

– Cậu biết vị này là ai không, chuyên gia đọc văn bia Thái Lan đấy – tôi nhìn sang ông Thawi, và – mình Inrasara đây mà!

– Trời đất! chàng la lên, như muốn xỉu.

Tôi mới cho chàng hay, em còn thiếu nhiều lắm, mà sai cũng bộn luôn. Học thêm cho thật chuẩn nhé.

[2] Còn ở tháp Pô Klong Girai, mỗi lần tôi lên là cô thuyết trình… né. Tôi mới kêu lại, cháu phải nói to như chú Sara nè. Tiếng Tây tiếng U chú có ngon lành gì đâu, chú nói to để họ hiểu. Nữa:

– Cháu có biết bi kí trước cửa kalan nói gì hôn?

– Dạ không ạ.  

– Dạ không, nhỡ khách tò mò hỏi thì sao?

Cháu phải biết, không biết thì hỏi Sở Văn hóa, Sở không biết thì hỏi Inrasara, Inrasara không biết nữa thì ông ấy hỏi Ma Hời.

Trích đoạn kết: “Đấu tranh, thế nào để hiệu quả”:

Nguyên tắc chung, trước một vấn đề hay sự cố:

– THIỆN CHÍ và không vụ lợi, thiếu món này thì đừng làm gì là hay hơn.

– KHIÊM TỐN để hiểu biết. Nghiên cứu kĩ sự vụ, lấy thông tin từ nhiều phía khác nhau, như là hồ sơ cần thiết.

– THÀNH THẬT, chớ bày trò lừa chính quyền hay đối tượng nào bất kì.

– BÌNH TĨNH và khôn khéo, không để cho cảm tính yêu ghét, hay xúc động nhất thời chi phối.

– Sau rốt là, làm TỚI CÙNG.

Dẫu sao cũng nên biết CÓ NGƯỜI CÓ TA, chớ: Ta là ta, mà đâm đầu vào.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *