Thời sư tử hống đã qua, hiện tại Sara cần như một luận sư luận giải các vấn đề về Cham, về văn chương tư tưởng. Phong thái như Krishnamurti, ngôn từ như Nietzsche: “Chính lời lẽ im lặng nhất mới mang tới bão tố, những tư tưởng rón rén trên bước chân bồ câu mới dẫn đạo thế giới”
Một bạn thơ đã “dạy” tôi thế! – Nhiên!
[1] Có lẽ các tít tiểu luận, phê bình của tôi tháng ngày qua đã gây cảm giác “sư tử hống”.
Với “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo”, “Khủng hoảng như là tín hiệu tốt lành”, “Thơ dân tộc thiểu số vừa đi vừa ngủ”, “Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần”, “Hóa giải và hòa giải ba loài thơ hôm nay”, “Một loài thơ đang chết, một loài thơ khác ra đời”, “Thơ đổi mới, hành trình ‘chuyển hướng say’”, “Thơ, tiếng thở dài mỏi mệt”,“Việt Nam thơ, vùng trũng hay cường quốc?”, “Còn ai tin vào nhà văn Việt Nam nữa không?”, “Văn chương tan rã”, “Nhà văn Việt Nam & ba nỗi sợ”, “Chúng ta nợ gì văn học miền Nam?”, “Nguyễn Huy Thiệp chưa thể với tới Nobel, tại sao?”, “Khởi động một chiều hướng mới cho phê bình văn học”, “Phê bình, lạc hậu bình phương mâu thuẫn lập phương”, “Khủng hoảng, phản kháng và dối lừa”, “Gọi tên căn bệnh của phê bình hôm nay”, “Thế nào là Phê bình Lập biên bản?”…
Nói to như thế, tôi không cố ý gây sốc, mà do nhu cầu thực tế và tư tưởng đòi hỏi, không thể khác.
[2] Còn tranh luận?
Tự nhận mình là luận sư thuộc đẳng Bà-la-môn, 30 năm nhập cuộc chữ nghĩa, tôi hiếm khi tấn công ai trước. Ở thế buộc, tôi cho phép mình hạ xuống một bậc, làm chiến binh. Tại đây cũng vậy, tôi “ra đòn” khi thật cần thiết, còn lại đa phần là đỡ đòn – vô số đòn hiểm.
Ở Cham, “Chiến trường Akhar thrah” kéo dài dai dẳng, tôi từ chối vào cuộc dù bao nhiêu tiếng réo gọi.
Trong Hợp tác xã chữ nghĩa Việt Nam, tôi có “va quẹt” Mai Quốc Liên, Nguyễn Hòa hay Trần Mạnh Hảo, chủ yếu để giải minh hầu độc giả thông tỏ vấn đề quá hiển nhiên nhưng bị làm cho sai lệch.
Nguyễn Hòa chẳng hạn, anh không thấy văn học hậu hiện đại có mặt ở Việt Nam, và đòi hỏi Hoàng Ngọc-Tuấn đính chính luận điểm mươi năm trước ở một bài trả lời phỏng vấn, tôi nói: Anh không nhìn thấy, chứ không phải nó không có.
Tôi gọi đó là hóa giải và hòa giải, để hiểu biết và đả thông. Vui vẻ!
Kết. Nghe lời bạn thơ, từ nay trở đi, tôi sẽ ôn tồn và lặng lẽ hơn nữa.
Heleh!