(Thư cho NM, mùa World Cup 2006, đăng web 10-2007)
Jaka vừa 9 ngày ở Kenya về. Chiều qua, cha con cùng anh em bằng hữu làm thịt chú gà suy dinh dưỡng để gọi là mừng người ‘Nao tal cơk wơk tal thaang, nao tal glai wơk tal thaang” (Đi đến núi đến rừng, về tới nhà tới cửa). Xong cuộc – từ Sài Gòn, Hani phon hỏi, con nó đi có tiền không? [ôi tấm lòng người mẹ!] Tôi vỡ cười một tiếng rõ to, rồi minh giải với “nàng”:
– Mèng, người ta mỗi xuất ngoại là mỗi ôm tiền về, chớ mẹ nó có bao giờ thấy cha con nhà này đi có tiền không, mà còn hỏi. Đi là đi vào vùng sâu vùng xa, với khối dân đen dưới đáy xã hội, thổ dân còn sống thời hái lượm, sinh linh chịu nạn rác thải hạt nhân, ngư dân bị biển dơ làm cho khốn đốn.
Người ta mời đi là đi… PHÁP THÍ! – tôi kết.
Hết chuyện. Trở lại thư cho bạn trẻ.
Năm 2005 VTV3 bầu Inrasara là “Nhân vật Văn hóa của Năm”, còn VTV1 chọn Sara là 1@4 “Nghệ sĩ tiêu biểu”. Em hỏi anh thế là thế nào, làm và chơi hội tụ trong một người, là sao? Trả lời thắc mắc này, tạm trích đây nhé:
Câu hỏi cuối trong cuộc phỏng vấn mới nhất: “Một trí thức lao động khoa học, thơ ca đầy suy tưởng, vậy, còn bao nhiêu % lãng mạn trong con người và đời sống anh? Có thiệt thòi không khi không được sống hết mình và thưởng thức cuộc đời với những cuốn hút mãnh liệt của sự bay bổng của nó?”
… Em nói, em mới đang U30 mà, để biện minh cho sự còn ham chơi. Xem nè: Lalas, niềm hy vọng của bóng đá Mỹ ở World Cup 94, cũng hệt. Chúng tôi còn trẻ mà, anh nói – khi đòi tự do sex trong cái tháng cúp bóng đá thế giới ấy. Sau World Cup, niềm hy vọng kia tiêu biến, giới hâm mộ chỉ còn biết Zidane, Figo, Owen là tài năng cùng thế hệ, chứ ai biết Lalas ở đâu.
Anh đã trả lời câu hỏi trên, nguyên văn:
Tôi e rằng thành phần bách phân lãng mạn trong tôi vượt trội yếu tố khác nữa. Tôi là dân Chakleng nòi mơ mộng và, như câu nói cửa miệng của một nhân vật trong Chân dung Cát: “sống bằng nghề mơ mộng”. Nhiều người nghe tiếng nghĩ tôi lụ khụ khệnh khạng hàn lâm nhăn nhó ghê lắm. Có thế đâu, ngay lần gặp đầu, họ đã vỡ ra tay Inrasara cũng vui vẻ đáo để.
Em nghĩ chơi là gì?
Một kẻ ngay từ 12 tuổi, đã đi hết 34 làng Cham, kết bạn vô số sinh linh Cham, từ bà mẹ, trí thức đến lão nông, thu vào con tim bao nhiêu là phong cảnh lạ, đời sống xa lạ, đã không chơi sao?
Từ tuổi tam thập, kẻ ấy lang thang khắp mọi miền xó xỉnh đất nước, làm quen không biết cơ man người dân tộc khác, nền văn hóa khác, đọc bát ngát nhà văn, triết gia trên thế giới. Để cuối cùng, từ cuộc chơi phong nhiêu phiêu lãng đó, hắn nhập cuộc chơi khác: chữ nghĩa – không phải là chơi?
Nietzsche: Tuổi trẻ đến chậm nhất là tuổi trẻ tồn tại lâu dài nhất.
Chớ cậy thông minh. Nơi cộng đồng nhỏ bé Cham, anh biết ít nhất hai bạn cực thông minh, điều kiện hơn mươi lần kẻ xung quanh, vậy mà mới nửa đường đứt gánh ngay ở tuổi 30. Ăn bữa nay lo bữa mai chưa xong, thời gian và sức lực đâu để chơi nữa.
Buồn không!