Đọc chữ – tin ngay. Khi “chữ” đó được coi là chính thống, thì càng. Đại Việt Sử ký toàn thư, chả phải đùa. Tin, nhà văn ta thời gian qua không cần động não, cứ dựa vào đó mà hư cấu mớ truyện. Nó kéo người đọc Việt Nam đi tới đâu, chỉ có ma mới biết.
Huyền thoại Công chúa Huyền Trân, là một.
[1] Sử chép: Tháng 6-1306: Huyền Trân lấy Chế Mân. Chế Mân mất tháng 5-1307. Tháng 9-1307: Huyền Trân sinh thế tử Đa Da. Tháng 10-1307: Trần Khắc Chung đến kinh đô Đồ Bàn giải cứu Huyền Trân thoát khỏi bị buộc thiêu theo chồng. Tháng 8-1308: Thuyền về đến Thăng Long sau khi lênh đênh 10 tháng ngoài biển. Cuối năm 1308: Công chúa Huyền Trân xuống tóc đi tu.
Có thật như thế?!
Cham có buộc hoàng hậu lên giàn lửa? – Lên giàn thiêu là tự nguyện, và rất hiếm. Ngó qua đất Trung Hoa mới kinh. Lễ hỏa thiêu của Cham diễn ra 10 ngày từ lúc mất, đằng này: Chế Mân mất 5 tháng, Khắc Chung mới qua Champa ‘cướp’ Huyền Trân. Nếu thiêu, nàng đã ra tro lâu rồi còn gì!
Và nếu Huyền Trân được xem là bảo vật cho lễ hỏa táng, hoàng gia Champa có để cho bị ‘cướp’ dễ dàng không? Nữa, Công chúa đang thời kỳ sinh nở, việc tiếp cận càng khó.
Có dễ thoát không? ‘Thuyền nhẹ’ của Khắc Chung làm sao có thể chạy thoát hỏi lực lượng hải quân hùng mạnh của Champa? Rồi suốt 10 tháng lênh đênh, vấn đề lương thực, nước uống, cũng như bão tố miền Trung, ‘thuyền nhẹ’ kia đối phó ra sao?
Nhảm! Nhảm này xuất phát từ không hiểu phong tục tập quán Cham, thế là tùy tiện hư cấu để thành… chính thống.
[2] Xưa là vậy, hôm nay còn nhẹ dạ cả tin, mới ớn.
Giáo sư Mai Quốc Liên, nhà phê bình đồng thời là giảng viên Đại học Sư phạm lâu năm, tổng biên tập đặc san Hồn Việt, trong bài “Một vài nhận thức về lí luận văn nghệ hiện thời”, đăng báo Văn nghệ, 22-4-2006, khẳng định rằng:
“Chủ nghĩa “hậu hiện đại”, chủ nghĩa “Tân hình thức” ngày nay cũng đang ế khách và tàn lụi dần ở phương Tây (…). Theo một bài báo của một GS Mỹ thì hàng năm mới có một người mua sách này ở các hiệu sách. Còn ở ta nó là một món hàng mới…”.
Ở một buổi nói chuyện với sinh viên, tôi đọc hai lần đoạn văn, và hỏi:
– Các bạn có thấy trục trặc gì ở đây không?
Vài cánh tay giơ lên, rằng tác phẩm hậu hiện đại không ế, rằng phong trào vẫn đang thịnh hành ở Tây phương…
Tôi viết nó lên bảng, nhấn vào câu thứ hai: “Theo một bài báo của một GS Mỹ thì hàng năm mới có một người mua sách này ở các hiệu sách.”
– Tôi không hỏi về thông tin hay kiến thức mà về thao tác.
Im lặng. Tôi tiếp:
– Các bạn thấy đó, một [1] câu mà phạm đến ba [3] lỗi. Này nhé… “Bài báo” là bài báo nào, không thấy ông giáo sư Việt Nam trưng ra. “Một GS Mỹ” ấy tên gì, càng không. Cả chuyện sách Hậu hiện đại lẫn Tân hình thức mà cả năm mới có một người tìm mua, đâu là thống kê?
Đây là câu hỏi cốt tử: Lẽ nào nghe GS Mỹ nói là giáo sư Việt tin ngay!
Vị giáo sư Việt phán khơi khơi vậy thôi, mà báo Văn nghệ của Hội Nhà văn ta vô tư đăng, không cần đặt câu hỏi luôn. Hỏi có vui không?