Ia Trang Nha Trang kinh đô Champa đầu tiên.
Trích Hàng mã kí ức-2011:
“Những cuộc hành hương từ các làng Cham Pangdurangga đến Ia Trang tháp Pô Nưgar mươi năm qua chưa một lần đứt quãng.
Mưdôn Hán Phải kể thời Pháp thuộc và trước đó nữa, Cham phải lội bộ với đánh xe trâu chở lễ vật mất hai ngày một đêm mới tới thánh địa hành lễ. Việt minh nổi lên, chiến tranh tràn lan, cấp Paxeh thỉnh Yang về miếu Pô Inư Nưgar tại Hamu Ram La Chữ rồi lượt nữa, về Hữu Đức. Nhưng nỗi nhớ đất thánh xưa vẫn âm ỉ cháy. Đầu những năm 1990, đường thông xe thoáng, Cham lại hành hương cố đô Ia Trang, ngày càng đông hơn.
Dù ở đó, Tháp Bà đã mang dáng dấp Việt, các lễ tục gần như đã Việt hóa. Bia Võ Cạnh ghi năm 192 giữ kỉ lục bia chữ Phạn đầu tiên Đông Nam Á hiện đang đứng đơn độc trước sân Bảo tàng Hà Nội, thay vào đó là văn bia tiếng Việt của Phan Thanh Giản qua năm tháng đã nhạt nhòa chữ với nghĩa. Tượng Pô Nưgar được/ bị nâng cao lên và vẽ mặt hệt nghệ sĩ hát bội hay cải lương! Lễ lạt với nhang khói.
Không sao. Cham nghĩ Pô Inư Nưgar là của mình. Không phải bằng sử sách mà từ thẳm sâu tâm linh và máu thịt huyền ẩn.”
Truyền thuyết “xác nhận” Pô Inư Nưgar Bà Chúa Xứ giáng trần tại Ya Trang, và lập kinh đô đầu tiên cho người Cham ở đất này.
Truyền thuyết hiện được lưu truyền trong dân gian Cham với nhiều dị bản khác nhau. Câu chuyện được ghi ở đây chưa hẳn là nguyên bản, dù sao nó cũng cho ta biết vài điều về sự hình thành đất nước và văn minh Champa: Pô Inư Nưgar là Bà Mẹ của Xứ Sở, văn minh Champa phát triển sau văn minh Trung Quốc, và cái nôi của Champa Ya Trang.
Truyền thuyết là thế, còn văn bia nói gì?
Sri Mara tên nhà “vua” trên bia Võ Cạnh – 192 mà chủ nhân của nó là người bản địa… của một đất nước ảnh hưởng văn hóa Ấn [Ấn Độ giáo và Phật giáo] sau đó là tiểu quốc thuộc vương quốc Champa.
Bia Võ Cạnh là chứng tích bằng hiện vật rõ rệt nhất cho Đất Thánh Ya Trang.
Và nhà sử học?
Maspéro, Le Royaume du Champa: Trong 3-4 châu lớn, “châu” Pangdurangga ở phía Nam với Virapura [xưa gọi là Rajapura] đã có một thời gian là kinh đô Champa lớn nhất, gồm thâu cả Kauthara.
Nghĩa là ở nhiều thời kì lịch sử, Pangdurangga bao gồm cả Kauthara (Phú Yên và Khánh Hòa ngày nay). Nếu ở bắc Champa, Mỹ Sơn là thánh địa, còn trung tâm hành chính là kinh đô Indrapura, thì ở phía Nam: Virapura là trung tâm hành chính, còn Ya Trang với tháp Pô Inư Nưgar là Đất Thánh.
Trong quá trình lịch sử, cụm tháp Pô Inư Nưgar Bà là tâm điểm cho nhiều trận phá hủy. Năm 774, tháp bị quân Yava phá hủy, để phải xây dựng lại vào năm 784. Đầu thế kỉ IX, Harivarman xây dựng thêm ngôi tháp mới, sau đó bị quân Khmer phá hư hại nặng để đến năm 956 Indravarman I lên ngôi đã phải sửa lại.
Các tháp hiện tồn tại, giới chuyên gia cho biết, ngôi tháp tây-bắc xây dựng vào giữa thế kỉ X, tháp chính tức kalan xây dựng vào giữa thế kỉ XI và XII, còn tháp nam vào thế kỉ XII-XIII.
Tháp Pô Inư Nưgar là tháp “sống”, và vì dựng trên “Đất Thánh” nên dù xa xôi cách trở, bà con Cham vẫn không từ bỏ “hành hương”.