ĐẤT THÁNH YA TRANG-03

[Đặt Nền Triết Học Đạo AHIÊR-AWAL.V: Dọn đường cho XAKARAI LUẬN]

Nhìn từ 3 góc độ:
1. Truyền thuyết
Truyền thuyết “xác nhận” Pô Inư Nưgar (Bà Chúa Xứ) giáng trần tại Ya Trang, và lập kinh đô đầu tiên cho người Cham ở đất này(*).
Truyền thuyết hiện được lưu truyền trong dân gian Cham với nhiều dị bản khác nhau. Câu chuyện được ghi ở đây chưa hẳn là nguyên bản, dù sao nó cũng cho ta biết vài điều về sự hình thành đất nước và văn minh Champa: Pô Inư Nưgar là Bà Mẹ của Xứ Sở, văn minh Champa phát triển sau văn minh Trung Quốc, và cái nôi của Champa Ya Trang.

2. Văn bia
Sri Mara tên nhà “vua” trên bia Võ Cạnh (Tháp Pô Inư Nưgar Nha Trang – 192) mà chủ nhân của nó là người bản địa… của một đất nước ảnh hưởng văn hóa Ấn [Ấn Độ giáo và Phật giáo] sau đó là tiểu quốc thuộc vương quốc Champa.
Bia Võ Cạnh là chứng tích bằng hiện vật rõ rệt nhất cho Đất Thánh Ya Trang.

3. Sử học
Theo của Maspéro (Le Royaume du Champa). trong 3-4 châu lớn, “châu” Pangdurangga ở phía Nam với Virapura [xưa gọi là Rajapura] đã có một thời gian là kinh đô Champa là lớn nhất, gồm thâu cả Kauthara.
Nghĩa là ở nhiều thời kì lịch sử, Pangdurangga bao gồm cả Kauthara (Phú Yên và Khánh Hòa ngày nay). Nếu ở bắc Champa, Mỹ Sơn là thánh địa, còn trung tâm hành chính là kinh đô Indrapura, thì ở phía Nam: Virapura là trung tâm hành chính, còn Ya Trang với tháp Pô Inư Nưgar là Đất Thánh.

4. Trong quá trình lịch sử, cụm tháp Pô Inư Nưgar còn gọi là Tháp Bà là tâm điểm cho nhiều trận phá hủy. Năm 774, tháp bị quân Yava phá hủy, để phải xây dựng lại vào năm 784. Đầu thế kỉ IX, Harivarman xây dựng thêm ngôi tháp mới, sau đó bị quân Khmer phá hư hại nặng để đến năm 956 Indravarman I lên ngôi đã phải sửa lại.
Các tháp hiện tồn tại, giới chuyên gia cho biết, ngôi tháp Tây-Bắc xây dựng vào giữa thế kỉ X, tháp chính tức kalan xây dựng vào giữa thế kỉ XI và XII, còn tháp Nam vào thế kỉ XII-XIII.
Tháp Pô Inư Nưgar là tháp “sống”, và vì dựng trên “Đất Thánh” nên dù xa xôi cách trở, bà con Cham vẫn không từ bỏ “hành hương”. Kể rằng năm 1948 người Cham từ Pangdurangga vẫn đánh xe trâu ra Tháp Bà để làm lễ Katê, sau đó do mất an ninh, bà con mới “thỉnh Bà” về Hamu Ram rồi Hamu Tanran (Hữu Đức) cúng tế. Từ đó người Việt địa phương thay người Cham phụng tự.
Rồi từ đầu thế kỉ XXI, Cham lần nữa khởi động hành hương Đất Thánh Ya Trang.

___

(*) Inrasara, “Văn học Cham khái luận”: Truyền thuyết Pô Inư Nưgar (Bà Chúa Xứ).
Truyện kể rằng có hai ông bà ở Ya Trang sống với nhau đã lâu năm nhưng không có con. Một sáng nọ, ông bà đi lên rẫy và thấy đám rẫy dưa có dấu vết bị phá phách. Nhìn kĩ, thấy dấu chân trẻ con, ông bà vừa ngạc nhiên vừa bồi hồi. Đêm hôm sau, đúng vào ngày trăng rằm, ông bà lại lên rẫy và bắt gặp một bé gái từ mặt trăng đi xuống chơi giỡn trong đám rẫy dưa. Ông bà bắt đem về nhà nuôi, hết lòng nâng niu chiều chuộng.
Trong bốn năm chung sống với cha mẹ nuôi, bé gái suốt ngày chỉ biết giỡn chơi với cát nơi bãi biển. Bé lấy cát xây tháp, đắp thành, làm bờ ruộng… Một hôm xuống bãi biển tắm, đang vịn hai tay vào một khúc gỗ trầm nổi lềnh bềnh gần bờ, đột ngột, khúc gỗ trầm bị sóng biển cuốn trôi đi mang theo bé gái. Nó trôi đi, trôi mãi đến tận xứ Tàu xa xôi.
Từ đó, xứ Trung Hoa bị hạn hán bảy năm liền. “Mở sách”, nhà chiêm tinh báo cho biết có một khúc gỗ trầm lạ nằm chắn ngang sông Hoàng Hà. Hoàng tử Tàu, nhiều lần sai quân lính đến bưng khúc gỗ lạ kia, nhưng nó không nhúc nhích. Thế là đích thân ngài đến. Thật lạ: hoàng tử vừa chạm tay vào, khúc gỗ trầm xinh xắn như nhẹ bỗng hẳn đi. Hoàng tử mang về, trang trọng đặt trong một tủ kính quý.
Khúc gỗ trầm ngày càng nở lớn lên. Rồi một đêm kia, hoàng tử nghe có tiếng hát phát ra từ trong khúc gỗ trầm. Từ đó, hoàng tử lâm trọng bệnh. Được nhà chiêm tinh mách bảo, hoàng tử đến mở cửa tủ và nhìn vào khúc gỗ trầm. Từ một đường nứt, có bóng người. Hoàng tử cạy mở thì thấy một người con gái xinh như mộng đàng hoàng bước ra. Hoàng tử báo với vua cha, và duyên trời tác hợp. Họ cưới nhau sau đó.
Sau bốn năm chung sống, họ có hai đứa con. Rồi một ngày, phần vì nỗi nhớ quê hương day dứt, phần vì giận chồng hay đi chinh chiến xa, bà lén chồng trở về quê hương. Xứ sở lúc này xơ xác tiêu điều, cha mẹ nuôi không còn đó nữa, dân Cham như đang chìm trong thuở hồng hoang. Bà liền triệu tập dân chúng lại dạy họ trồng lúa, dệt vải, chăn nuôi, dạy họ tổ chức công việc triều chính…
Một năm sau, đi chinh chiến trở về, được người nhà thông báo người vợ bỏ về thăm cố hương, hoàng tử cấp tốc tập hợp quan cận thần cùng hai con đi theo đường biển, thẳng tiến vào Nam. Vừa đến vùng biển Nha Trang, đoàn thuyền đã bị đánh đắm bởi một viên tướng Cham tài ba được Ppo Inư Nưgar dạy cho bùa phép. Thấy người chồng và hai đứa con yêu đã chết oan uổng, vào một đêm rằm, buồn lòng bà Pô Inư Nưgar hóa thân về trời.

Truyền thuyết hiện được lưu truyền trong dân gian Cham với nhiều dị bản khác nhau. Câu chuyện được ghi ở đây, chưa hẳn là nguyên bản, dù sao nó cũng cho ta biết vài điều về sự hình thành đất nước và văn minh Champa: Pô Inư Nưgar là Bà Mẹ của Xứ Sở, văn minh Champa phát triển sau văn minh Trung Quốc, và cái nôi của Champa Ya Trang.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *