Lãng du qua các tháp Chàm, hiếm khi tôi thấy Cham Muslim. Dù lên với tư cách du khách thưởng ngoạn công trình nghệ thuật, cũng hiếm. Ngược lại, nhiều, rất nhiều Cham Bà-ni lên cúng tế. Tại sao thế?
Chuyện kể.
Ông Imưm bạn tôi lần lên Tháp Bà đi vào phía bên trong khấn vái, chẳng những vào một mình, anh còn kéo vài bạn là chức sắc Cham Awal theo. Về, một trong các vị ấy nghe khó chịu trong người, nghi là do mình Acar mà lại vào trong lòng tháp. Bạn tôi mới nói:
– Có gì đâu, Bà khai sinh đất nước Champa. Mà cả bốn ông vào, có mỗi anh đổ bệnh, thì nên hỏi lại thân phàm mình sao đi đổ thừa cho Pô.
Tháp Chàm do Cham sáng tạo lấy cảm hứng từ Ấn giáo, nơi chỉ để thờ các thần linh thuộc tôn giáo này. Thế nên khi có người cho rằng bộ phận người Cham phi Bà-la-môn giáo (Cham Bà-ni, Cham Islam…) không phải phụng tự tháp, thì không có gì sai. Thế nhưng nhìn sâu vào tinh thần tôn giáo và văn hóa Cham, thì sự thể hoàn toàn khác.
Hãy xem qua ba yếu tố chính:
Ngoài các tháp ở vùng văn hóa-lịch sử như Amaravati và Vijaya có thể chỉ thờ thần Ấn giáo, hầu hết các tháp vùng Kauthara (Phú Yên, Khánh Hòa) và Pangdurangga (Ninh Thuận – Bình Thuận) thờ vua Champa được thần hóa: Tháp Bà ở Nha Trang thờ người sáng lập vương quốc Champa là Pô Inư Nưgar; tháp Pô Klong Girai hay tháp Pô Rômê ở Ninh Thuận; tháp Pô Dam và Tháp Pô Xah Inư ở Bình Thuận cũng vậy. Vua và tướng tài là ÂN NHÂN CHUNG của cả dân tộc, không phân biệt tôn giáo tín ngưỡng.
Các vị đâu phải của riêng Cham Bà-la-môn!
Cạnh đó, tháp Ấn giáo khi nhập địa Champa (nhất là vùng Pangdurangga và Kauthara), Ý NGHĨA VÀ CHỨC NĂNG của tháp chuyển đổi: Tháp đã là tháp Cham đặc trưng, tách xa khỏi nguồn gốc Ấn Độ. Cũng như người Cham Bà-ni dù từ Islam mà ra, nhưng Cham đã hóa giải thành Cham Bà-ni đặc trưng Cham, khác xa với nguồn gốc Islam xưa cũ.
Thực tế đang diễn ra:
[1] Cham Ahiêr Awal có sự hòa hợp rất đặc biệt. Trong vài lễ tục mang tính gia đình hay dòng tộc, cấp Acar vào làng Cham Ahiêr cúng tế.
[2] Nhiều lễ ở Cham Ahiêr, bà con mời “thầy Chan” bên Bà-ni làm nghi thức hiến tế, thì cuộc lễ chính thức mới tiến hành. Ở đó không ít lễ, người thủ vai chính là chức sắc Bà-ni.
[3] Còn lễ nghi mang tính khu vực như Pakap Halau Krong, chức sắc hai bên Cham Ahiêr lẫn Cham Awal cùng phối hợp thực hiện.
[4] Và, trong các ngày Ramưwan, phụ nữ Cham Ahiêr từ các palei đội ciêt bánh trái vào Sang Mưgik cúng dường. Đó là hình ảnh hòa hợp tôn giáo đẹp nhất, chắc chắn thể.
Là điều không có bất kì Muslim nào làm!
Tín đồ Cham Ahiêr lẫn Awal thờ [1] Pô Yang là các vị vua và anh hùng được thần hóa, rồi [2] ‘Muk kei’ “ông bà tổ tiên”, mới tới [3] các Yang là các thần tiền tôn giáo.
Chỉ bên chức sắc có khác đôi chút. Với ‘Halau janưng Awal’ Pô Auluah (Allah) là đấng tối cao, còn ‘Halau janưng Ahiêr’ là Pô Dêbita Thôr và Ginôr Mưtri là từ Cham gọi thần Shiva, bên Mưdôn là Pô Ban Gina… Và phần nào đó, họ cùng phụng sự tín đồ cho cả hai bên, như đã bàn.
Câu đầu tiên của nhiều Kinh Cham Ahiêr, trong đó phổ biến và nổi tiếng nhất là “Agal Balih” (Kinh Tẩy trần) và “Kadha Kalơng” (Kinh lễ trừ tà) dùng cho cả Bà-la-môn lẫn Bà-ni, mỗi đoạn đều bắt đầu bằng câu:
‘Di ông nưmax SIBAI kayông…’ nghĩa là “Nhân danh thần SHIVA”
Tất cả thần còn lại, từ thần thánh trong kinh Do Thái giáo đến Đạo Chúa lẫn Hồi giáo kể cả Pô Auluah (Allah), Nưbi Môhammet (Mohammad), Pô Yang Amư (Đức Chúa Cha), Jibara-êl (Gabriel), Adam (Adam), Haowa (Eva)… cũng được các thầy Cham Ahiêr và Gru Urang bên Awal trang trọng mời về trấn giữ các hướng – như các VỊ TƯỚNG, cho các thầy làm việc. Còn Shiva là QUÂN VƯƠNG thống lĩnh tất cả!
Cham tưởng tượng kiểu vậy đó!
Từ những chứng cứ chuyển hóa và hòa hợp tôn giáo tín ngưỡng đó, việc cộng đồng người Cham Bà-ni thờ phụng tháp thiêng là điều đương nhiên. Trong thực tế sinh hoạt tín ngưỡng, bà con Cham Bà-ni vẫn cúng tế tháp từ mấy trăm năm qua. Tháp Pô Xah Inư hay tháp Pô Dam ở Bình Thuận, cả tháp Pô Klong Girai, Pô Rômê ở Ninh Thuận cũng thế, rất nhiều bà con Cham Bà-ni lên cúng tế mỗi dịp tế lễ. Ở tháp Pô Rômê, Katê hằng năm, người Cham Bà-ni làng Phước Nhơn Pabblap Birau vẫn lên tháp cúng tế, có khi còn đông hơn cả bà con làng Hậu Sanh palei Thôn gần đó nữa.
Đó là THỰC TẾ khó có thể phản bác.
[1. Ông Bilau Kang Cham Bà-ni dòng họ Pô Rômê đi lễ tháp, 2. Thầy Acar vào palei Cham Ahiêr hành lễ, 3. Thầy cúng Gru Urang bên Bà-ni lễ “tẩy trần”, 4. Các cháu Phước Nhơn phát hành sách tạo tháp Pô Rômê]