Tô Thùy Yên là cây bút đinh của Nhóm Sáng tạo (10-1956 đến 9-1961). Nhóm này, anh là dân “Nam” duy nhất, một kẻ sáng tạo lặng lẽ nhất, ít xuất hiện nhất, và là tài năng hàng đầu. Tôi cho Tô Thùy Yên là một trong vài nhà thơ lớn nhất Việt Nam thế kỉ XX.
Bên cạnh Thanh Tâm Tuyền, thơ anh có nhiều “cách tân” với các ý tưởng, thi ảnh và giọng điệu mới lạ, táo bạo – một tiếng thơ rất riêng nếu gom lại in tập đủ làm nên tên tuổi lớn. Nhưng lạ, làm thơ từ cuối thập niên 1950, mãi hơn 30 năm sau anh mới in tập thơ “đầu tay”. Lạ nữa, sau thời sôi động làm mới, khác Thơ Mới với dấu ấn đáng kể, anh quay ngoắt, như thể chối bỏ chúng để làm khác, rất khác.
Chối bỏ, bởi không thấy anh chọn những bài thơ thời kì phá cách này vào hai thi tập: Thơ Tuyển xuất bản ở Đức năm 1994; Minnesota, Hoa Kỳ, 1995; Thắp Tạ, An Tiêm, Houston, Hoa Kỳ, 2004.
Chứng tỏ anh từ bỏ hẳn hệ mĩ học sáng tạo trước đó. Thơ anh chuyển hướng mạnh, về phía cũ, phía truyền thống, không – nó là tân cổ điển đích thị.
Nếu ở Thời-1, chữ được bày tràn ra trang giấy, ngổn ngang:
“Giữa mùa hạ khô tôi bốc cháy…
Nhưng em đến kịp thời khỏa thân xin cứu lửa
Tôi vốc đầy tay đôi vú áp lên môi…”
Có thể đọc như văn xuôi đầy hình ảnh độc, lạ: “Giữa mùa hạ khô tôi bốc cháy, em đến kịp thời khỏa thân xin cứu lửa, tôi vốc đầy tay đôi vú áp lên môi”.
Thì qua Thời-2, anh đã rất khác. Chữ được chắt lọc, và ép đến tối đa để sắp đặt đầy tinh tế qua bàn tay của một nghệ sĩ bậc thầy.
“… Đảo hoang, vắng cả hồn ma quỉ
Thảo mộc thời nguyên thuỷ lạ tên
Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh
Lên xác thân người mãi đứng yên…”
Miễn bàn dài, ở đây tôi tạm chọn mỗi “thời” 2 bài [trích], dành cảm nhận cho bạn đọc. Hai tập thơ Tô Thùy Yên có ở Sài Gòn, hiện tôi đang ở quê không lên hình được. Sổ Tay Thơ-1 chép từ năm 1974, 72 nhà thơ Đông Tây kim cổ có mặt, trong đó 3 bài Thời-1 của Tô Thùy Yên.
Thời-1.
BA MƯƠI TUỔI
Ba mươi tuổi, tôi vẫn chưa viết được
Một câu thơ tóm tắt cả đời người
Một câu thơ dùng khắc trên mộ bia
Ba mươi tuổi, một mùa hè rộng ngợp…
Như ta ngắm nhìn kiêu hãnh xót xa
Chính bản thân ta trong viện bảo tàng
Sống với chết chung quy cùng một nghĩa
Ba mươi tuổi, tôi giật mình đứng lại
Tưởng chừng ai hớt hải gọi tên tôi
Trong khoảng khắc cảm thấy mình gánh chịu
Đến còng lưng mà muốn khuỵu đôi chân…
TÌNH YÊU VÀ CÔ ĐƠN
Giữa mùa hạ khô tôi bốc cháy
Đời vốn ngăn chia tôi bốc cháy một mình
Bầy tiếng thất thanh cuống cuồng bay tán loạn
Cánh chạm vào tường trong suốt của cô đơn
Nhưng em đến kịp thời khỏa thân xin cứu lửa
Tôi vốc đầy tay đôi vú áp lên môi
Em xõa mái tóc rừng trầm hương mê trùm lấp kín
Khối đau đớn nặng nề như chiếc bướu trên lưng…
Một ngày em sẽ bỏ đi không cầm lại được
Tương lai ùa đến rít gào như trận cuồng phong
Tôi xây xẩm giữa đất trời như cái xoay nước
Nghe bên trong cuồn cuộn khói xe.
Thời-2.
TRƯỜNG SA HÀNH, 1974
Trường Sa! Trường Sa! Đảo chuếnh choáng!
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề
Lính thú mươi người lạ sóng nước
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi
Mùa Đông Bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa
Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh Lớn
Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ
Đảo hoang, vắng cả hồn ma quỉ
Thảo mộc thời nguyên thuỷ lạ tên
Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh
Lên xác thân người mãi đứng yên
TA VỀ
Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay
Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp
Chốn rừng thiêng ỉm tiếng nghìn thu
Mười năm mặt sạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ…
Ngồi đây nền cũ nhà hương hỏa
Đọc lại bài thơ thủa thiếu thời
Ai đó trong hồn ta thổn thức
Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi
Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thủa trần gian bay lướt qua
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta.