Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại 04. Đinh Thị Như Thúy

CÁC KHUÔN MẶT MỚI
nghiên cứu – phê bình – tuyển thơ
là tập 4 trong bộ tứ THƠ VIỆT ĐƯƠNG ĐẠI
gồm 12 nhà thơ, mỗi nhà được dành một bài giới thiệu và tuyển 7-10 bài thơ.
Sẽ tuần tự có mặt trên inrasara.com, sau cùng là bài tổng luận:
“Thơ Việt sau hậu hiện đại & Phê bình mở”.
CÁC KHUÔN MẶT MỚI sẽ được tiếp tục phần 2.
(Chú ý: mỗi khuôn mặt được tiếp cận và thể hiện mỗi cách khác nhau)

*
Họ và tên: Đinh Thị Như Thúy
Bút danh: Đinh Thị Như Thúy, Như Thúy, Như Dã Quỳ.
Nơi sinh: Huế; ngày 16-9-1965
Nơi cư trú và việc làm hiện nay: Huyện Krông Pắc, Tỉnh Đắc Lắc
Tác phẩm đã xuất bản:
Cùng đi qua mùa hạ (thơ), NXB Văn Nghệ, 2005
Phía bên kia cây cầu (thơ), NXB Phụ Nữ, 2007
Thơ đăng trên Website Tiền Vệ…, báo Văn Nghệ, Văn Nghệ Trẻ, Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh…, Tạp chí Thơ, Sông Hương
Giải thưởng:
Tặng thưởng thơ năm 2008 của Tạp chí Sông Hương.
Tặng thưởng thơ năm 2008 của Tạp chí Non Nước.
Giải C Giải thưởng văn học nghệ thuật năm 2008 của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho tập Phía bên kia cây cầu.

*
Đinh Thị Như Thúy giữa hai lực nhị nguyên

*
Tập thơ Phía bên kia cây cầu của Đinh Thị Như Thúy tham dự Giải Lá Trầu năm 2007 và suýt đoạt Giải Quỹ Lời vàng Eva, có sự lạ. Lạ là toàn bộ tập thơ Phía bên kia cây cầu, tuyệt đối không có bài “dở”. Nó chứng tỏ tay nghề của nhà thơ đất Tây Nguyên này.

Thuần một trạng thái, thuần một giọng điệu đi suốt tập thơ: nó cứ đều đều và từ từ. Chưa có một sáng tạo mang tính đột phá để có thể tạo bất ngờ lớn, gây sự hứng thú lớn. Thế nhưng, từ từ và đều đều đó vẫn cứ níu ta ở lại với nó.
Câu thơ hay đoạn thơ được cấu trúc theo lối mở để hình ảnh sau vịn vai hình ảnh trước đó tạo thành một chuyển động liên hoàn và hỗ tương, tưởng như không ăn nhập gì nhau nhưng vẫn làm nên sự cố kết vừa chặt vừa trương nở. Là điểm bật nổi dễ nhận ra hơn cả trong thơ Đinh Thị Như Thúy:

Những câu chuyện phiếm, giấc ngủ, bữa ăn… đã chiếm dụng thời gian ít ỏi của ngày, mùa hè thu mình như con cuốn chiếu, mỏng hơn, mỏng hơn, mỏng hơn… mỏng đến lúc bằng cọng tóc mai con gái, cọng tóc mai nấp vào củ sen nâu, củ sen nâu ngủ dưới đầm lầy mịn mát
(“Một ví dụ về vòng quay mùa hè”, Phía bên kia cây cầu)

Hoặc bài thơ mà những hình ảnh, ý tưởng không liên quan được bện bằng thủ pháp điệp. Điệp từ, điệp cụm từ, điệp tứ; điệp liền, điệp cách dòng, cả điệp trong một câu… Thơ ca dân gian chủ yếu được tiếp nhận qua truyền khẩu, nên muốn dễ thuộc lòng, ngôn từ phải giản đơn dễ hiểu, nhịp thơ đều đặn dễ ngấm, và… điệp. Thử đọc một đoạn ca dao Chăm:

Kabaw hwa lingal gan ar
O yaum di tian ahauw kabaw
Kabaw hwa lingal gan crauh
O yaum sa bauh ahauw kabaw.
Trâu kéo cày qua bờ
Chẳng buồn lòng “họ” trâu dừng lại
Trâu kéo cày qua suối
Chẳng buồn nói một tiếng “họ” trâu
.

Hai cặp lục bát, nhưng chỉ có ba từ khác nhau!
Bút pháp của nhà thơ “thuần” chất dân tộc Lò Ngân Sủn, cũng thế. Bài “Người đẹp” nổi tiếng, các từ: người đẹp, trông như, vào, người không,… lặp lại nhiều lần trong một bài thơ ngắn. Nhìn ra bên ngoài, nhà thơ đại chúng nhất của Pháp đầu thế kỉ XX là J. Prévert. Thơ ông được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc và truyền bá rất rộng. Bài “Déjeuner du Matin” (“Điểm tâm sáng” là một ví dụ. Ông đã liệt kê tuần tự các thao tác nhảm, và tầm thường đến nhàm chán: Hắn bỏ cà phê / Vào tách / Hắn rót sữa / Vào tách cà phê / Hắn bỏ đường / Vào cà phê sữa / …Hắn đốt điếu thuốc / Hắn thổi ra những khoanh tròn / Không nói với tôi / Không nhìn tôi /… Và hắn đội mũ / Đi / Dưới cơn mưa /… Nhưng chính đoạn cuối đã biến các liệt kê ấy thành thơ, một bài thơ hay: Không một lời / Không nhìn tôi / Và tôi / Hai tay bưng lấy đầu / Và tôi khóc. J. Prévert đẩy người đọc đối mặt với cái vô tình đến trơ lỳ của con người hiện đại: với xung quanh và nhất là, với tha nhân.
Thơ Đinh Thị Như Thúy thuộc dạng hiện đại, nhưng vẫn cứ điệp.

đã quá lâu rồi
chúng ta không làm sao chạm được chân vào mặt đất
không làm sao thoát được cảm giác bị treo lơ lửng trong không trung
không làm sao có nổi nụ cười
không làm sao tránh được ý nghĩ ta chẳng thể mang đến dù bất cứ điều gì cho những người thân quanh ta

đã quá lâu rồi
chúng ta không làm sao chạm được tay mình vào tay những người mình yêu dấu

đã có sai lầm ở đâu đó trong chuỗi thời gian chúng ta sống
đã có điều gì đó không kịp thời
đã có cái gì đó chắn ngang đường

(“Đã có sai lầm ở đâu đó”, Phía bên kia cây cầu)

Rất nhiều bài có lối cấu trúc như thế. Quá nhiều nữa là đằng khác. Từ Phía bên kia cây cầu cho đến tập thơ mới nhất: Những ám ảnh bất động. Thơ Như Thúy vừa hiện đại vừa dân tộc là vậy. Chính nó làm cho giọng thơ thi sĩ này đều đều và từ từ, ít nhiều gây nhàm chán.
Nhàm chán, mà ta vẫn cứ muốn ở lại với nó, không dứt ra được.
Bởi ta tìm thấy ở đó tiếng nói sâu thẳm, một ước vọng mơ hồ rất gần gũi đang nói trong ta: Chạm mặt cuộc sinh hoạt thường nhật với nỗi mơ mộng lang thang qua miền xứ khác; trách nhiệm, bổn phận với tự do; xử với xuất; trì níu với giải thoát. Ta bị ma sát giữa thực và ảo, cuộc thơ và cõi người.
Truyện ngắn “Ngoại tình” của A. Camus, không có một chi tiết nào gọi là ngoại tình ở đó cả: người vợ không chịu nổi cảnh nhầy nhụa dưới boong tàu, đã lên sân thượng (hay ban công?) chỉ để thưởng thức không khí trong lành cùng cái bao la của bầu trời nhiệt đới, trong chốc lát. Thế thôi, nhưng nó đã ám ảnh người đọc kì lạ. Bởi ở thẳm sâu tâm hồn chúng ta, nó hiện hữu. Một thoát li cuộc sống nhố nhăng, tù túng giây lát để mơ đến miền cực lạc tạm thời.
Đinh Thị Như Thúy không “ngoại tình” mà muốn vượt lên thân phận bằng sự trung thực của cảm xúc mình(*). Trung thực với cảm xác mình, nỗ lực đi vào trong chính nội tâm mình, khiến thơ Như Thúy như cuộc hành trình dài đi vào nội tâm để mở cuộc độc thoại với nỗi cô đơn thân phận. Thân phận của tôi và chúng tôi.
Nhiều lần đại từ nhân xưng “tôi” có mặt ở đầu bài thơ:

Tôi mơ cánh tay anh duỗi dài trên cát…
Tôi đã đứng sững cái nhìn trong khoảnh khắc đó…
tôi đã ước mình chuyển động như cát…
Tôi đã cắt mái tóc của mình

Cả khi “tôi” vắng mặt, nó vẫn cứ như lẩn quất đâu đó:

Thật không dễ đi vào nỗi nhớ của một người…
không làm sao tránh được tổn thương…
Không thể đoán định màu sắc hay dễ dàng gọi tên tạo vật

Hoặc nó biến thái thành đại từ nhân xưng số nhiều – “chúng ta”:

đã quá lâu rồi/ chúng ta
Không để tâm đến những lộ liễu phô bày/ Chúng ta
chúng ta đã bên nhau quá lâu

Chữ đầu tiên mở một bài thơ khả năng làm lộ bày ý định của người viết. Nếu chữ đó thường xuyên lặp lại thì đó là một ám ảnh. Ám ảnh làm nên nhịp điệu nội tại của cả tập thơ. Bùi Giáng ở tập Mưa nguồn, chữ “em về” xuất hiện với tần số rất cao: mươi lần nó nằm ngày đầu câu; nó có mặt ở đoạn giữa hay cuối bài, rồi sau dòng đầu và trước dòng cuối của bài thơ nữa.
Ở Như Thúy là “tôi”, “chúng ta”. “Tôi”, “chúng ta” – khi giáp mặt với mấy đau khổ của nỗi người, tiếp xúc với bấp bênh của tạo vật, đối thoại với người bạn đã mất. Nhất là “tôi”, “chúng ta” khi độc thoại nội tâm. Lời độc thoại từ tâm hồn người thơ thầm thì dội sang tâm hồn ta, mong tìm hồi đáp cho một nỗ lực hòa giải cuộc tranh chấp nhị nguyên gần như bất khả hóa giải. Là vấn đề muôn thuở của con người.

Thật không dễ đi vào nỗi nhớ của một người
rồi tồn tại như một khối u
… Thật không dễ đi ra khỏi ký ức của một người

(“Mười năm”, Phía bên kia cây cầu)

Trong xô bồ và hối hả của cuộc sống và cuộc thơ hôm nay, Đinh Thị Như Thúy chọn cho mình nhịp chậm. Nhịp chậm ấy khả năng giữ thăng bằng tinh thần con người thời hiện đại.

Sài Gòn, 5-8-2009.

____________________

(*) “Lời tác giả” in ở đầu tập thơ Phía bên kia cây cầu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *