Phát ngôn của Inrasara-3. Về TÔI

[1] “Tôi là kẻ đốt lửa, nuôi lửa và truyền lửa”, là câu được tôi lặp lại nhiều lần với bạn trẻ trong trao đổi học thuật và văn chương.

Nêu bật ý trong bài thơ “Khi quê hương vắng mặt” viết năm 1981, ở đó có đoạn:

“Quê Hương xa và xa/ người bạn bè mất lửa

hôm nay còn mình ta/ ôm con đường – đóng cửa”

[2] Về câu hỏi: Phản biện Dự án Nhà máy Điện hạt nhân, Inrasara có bị gây khó dễ không? Tôi nói, không!

Tôi là sứ giả làm cầu nối nối liền Cham và Việt, Việt Nam và Đông Nam Á hải đảo… Việt Nam là mảnh đất giàu, đẹp nhưng lắm xung đột, nhiều tranh chấp, không chính quyền nào dại dột đi làm hại sứ giả cả (Inrasara.com, 2012).

[3] Dù không là Đảng viên, tôi đã nói giúp Đảng. Tại sao? Như vụ Ghur Raneh, không chính quyền nào muốn dân tham lấn đất công cả. Lấn miết thì Cham sẽ bứt, rồi khi sự việc đổ bể, ta mất rất nhiều. Mất tiền chữa trị, mất công can thiệp, và nhất là mất tình đoàn kết dân tộc là điều ta rất ngại.

Nhà văn thấy trước, lo trước, và nói trước. Tôi nói giúp Đảng, là thế (Hội thảo về Báo chí và Biển đảo do báo Dân tộc và Phát triển, Phan Rang, 2014).

[4] Ngoài chuyện gia đình và tình cảm riêng tư, tôi không ngại tranh biện với mọi Cham về bất cứ lĩnh vực ở bất kì đâu: trực diện hay diễn đàn công cộng.

– Là câu thường xuyên được tôi lặp lại, khi Cham có chuyện.

[5] Tôi là Cham sinh tại Chakleng trong đất nước Việt Nam cư lưu bập bênh giữa hai thế kỉ XX và thế kỉ XXI. Phí lãng cả tuổi thanh xuân để phục dựng văn chương Cham, nghiên cứu, xuất bản và lan tỏa; dù biết chắc chắn nó sẽ tan biến ở một tương lai mơ hồ nào đó của dằng dặc thời gian, nhưng tôi vẫn hết mình. Tôi gọi đó là hành động trong chân trời khả thể.

Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhưng tôi là một outsider. Nghiên cứu văn hóa Cham, tôi vẫn là kẻ ngoài cuộc. Ngoài cuộc, mà không vô trách nhiệm. Hết mình, và sẵn sàng bỏ đi (Minh triết Cham, 2015).

[6] Hành trình viết của tôi là hành trình phá hủy “bản sắc tôi” (Inrasara.com, 1-9-2016).

[7] Nếu chuyên làm thơ, bạn chỉ là một nhà thơ, không là trí thức. Nếu bạn chỉ biết nghiên cứu, bạn là chuyên gia, mà không là trí thức. Trí thức là kẻ lên tiếng cho cộng đồng về vấn đề ngoài chuyên môn của mình, tiếng nói ấy được cộng đồng tín nhiệm và chờ đợi. Tôi là kẻ trí thức ấy (website Đại học Okinawa, 7-2019)

[8] Khi nỗi mất niềm tin đang tràn lan và hứa hẹn chưa có cơ may chấm dứt, đây đó vẫn tồn tại những điểm sáng. Là “mạch nước ngầm” , “dòng sông ẩn”. Dòng nước ấy có mặt ở mọi thành phần, dưới mọi hình tướng, tình huống, cấp độ. Chúng ẩn mình giữa miền đất hình chữ S này, âm thầm chảy, khiêm cung và đầy sức mạnh. Chúng sẽ trồi lên một ngày nào đó, chắc chắn.

Các buổi diễn thuyết của tôi chủ yếu để tìm và đánh thức dòng chảy đó (Inrasara.com, 7-11-2019).

[9] Về tôi, điều đáng kể không phải là tác phẩm hay thành quả tôi để lại, mà là ý hướng tôi từng khai mở. Tinh thần phi tâm hóa hậu hiện đại và tư tưởng hóa giải và hòa giải của Pô Rômê, thái độ nhập cuộc về hướng mở của tôi…  Còn lại, chỉ là cánh tay chỉ mặt trăng theo nhiều thể cách (Thuyết trình tại Trường chuyên Lê Quý Đôn, Phan Rang, 2019).  

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *