Phát ngôn của Inrasara-2. Về CHAM & VIỆT

[1] Người Việt ở Ninh Thuận số dân nửa triệu mà chỉ 4 người kí; trong khi Cham có 74.000 mà số người kí tên vào Kháng thư phản đối Dự án Nhà máy Điện hạt nhân lên đến 68. Tại sao? Cham có mặt ở mảnh đất này trên hai ngàn năm, hiện phân nửa dân Cham sống ở đó, với hơn trăm điểm và khu tôn giáo tín ngưỡng đang được thờ phụng.

Không phải dũng cảm hơn, mà Cham có nhiều điều để sợ hơn: Văn hóa, sinh mạng và nhất là, đời sống tâm linh gắn chặt với đất mẹ (Inrasara.com, 4-6-2012).

[2] Chuyện Nam tiến là thật. Đại Việt mở cõi không phải về miền đất hoang, mà là đất có chủ, và chủ nhân ấy đã dựng ở đó nền văn hóa – văn minh phát triển. Chuyện Champa mất về tay Đại Việt, cũng là thật. Việt Nam hôm nay cần nhận ra và nói lên sự thật lịch sử đó…

Nếu ta giấu đi sự thật lịch sử, đừng nói là sự thật hôm nay, mà là sự thật hôm qua, thì chỉ thiệt cho ta thôi. Chẳng những ta không nhận diện được sự thật toàn vẹn của lịch sử Việt Nam, mà ta còn lừa dối cả thế hệ con cháu” (RFA, 3-5-2013).

[3] Người Việt “mở cõi”… và thừa hưởng di sản ấy. Dù di sản kia đa phần chỉ còn là phế tích cùng những mảnh vụn, nhưng chúng là vô giá. Nhận diện được điều đó, cần học biết cảm tạ dân tộc từng tạo dựng nên chúng, để cùng trách nhiệm.

Trách nhiệm, chẳng những bảo tồn di sản kia thôi, mà cả môi trường tự nhiên, và không gian văn hóa quanh chúng nữa. Để con cháu ta sau này còn được thụ hưởng lâu dài. Không thể khác (Inrasara.com, 2014).

[4] Người Việt có thành ngữ: “Nơi chôn nhau cắt rốn” để chỉ quê cha đất tổ. Cham thì khác, ông bà nói: “[nơi] chôn nhau đặt viên gạch” (Dar thauk padauk kiak). Chôn nhau thì chỉ mới liên quan đến máu mủ, còn “đặt viên gạch” [dựng tháp] là đặt nền móng cho đời sống tâm linh. Đó là huyền nghĩa của Đất. Nhà được dựng nên trên Đất đó (Minh triết Cham, 2014).

[5] Sử thi là thể loại đinh của nền văn học một dân tộc. Lịch sử văn chương Việt thiếu vắng sử thi, Cham có. 4 chớ chẳng phải ít.

Khác với sử thi các dân tộc Tây Nguyên, sử thi Cham được văn bản hóa từ thế kỉ XVI. Đó là đóng góp lớn của Cham vào nền văn học đa dân tộc Việt Nam hôm qua và hôm nay (Phát biểu của Inrasara tại Hội nghị Văn học Dân gian, 2015).  

[6] Chớ nghĩ bạn khôn hơn người Việt. Nghĩ thế không gì dại hơn.

Sinh linh Cham thông minh nhất chỉ có thể khôn ngang cơ người Việt trung bình (Facebook Inrasara, 2019).

[7] Người Việt sợ biển. Mở cõi về phương Nam, người Việt biết mỗi đất liền. Suốt dòng lịch sử, người Việt chỉ biết ra khơi về lộng, chứ chưa hề đi xa hơn. Mà “lộng”, theo Từ Chi, chỉ đâu khoảng ba cây số cách bờ, còn “khơi” xa lắm cũng đến bảy cây số là cùng. Nền hải sử Việt Nam hoàn toàn thiếu vắng.

Người Cham yêu biển, mê biển. Cham sống với và qua biển. Từ đó Champa có nền hải sử dài và xa.

Môi trường sống hình thành căn tính Việt và Cham. Việt chuộng nề nếp, ổn định; Cham: phiêu lưu khai phá. Từ hai căn tính khác biệt này, lãnh đạo nào biết kết hợp, sẽ tạo nên một Việt Nam có thế giá trên thế giới (Inrasara.com, 2021).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *