Tôi 123. VÀO HỘI NHÀ VĂN CŨNG PHẢI… NGHIÊN CỨU

H- Miller: Tôi yêu cả chánh trị, khi chánh trị được bay trên đôi cánh loài chim.

Mươi năm trước tôi đùa: Không chỉ viết một công trình nghiên cứu, ta mới nghiên cứu; làm rau muống, câu cá hay làm thơ cũng phải nghiên cứu.

Tôi [đùa dai] thêm:

Muốn vào Hội Nhà văn cũng hệt. Không phải quen anh Thỉnh, anh Thiều là xong, có khi còn phản tác dụng. Vào Hội cũng phải nghiên cứu, cả nghiên cứu văn hóa… chạy.

Tháng trước, gặp nhóm bạn trẻ Cham ưa phản biện, tôi hỏi: Một vụ việc đã qua, có khi nào các bạn nhìn lại không?

– Chuyện đã qua thì cho qua – Họ trả lời, ưỡn ngực về phát ngôn ấy.

Tôi nói, đó là lối nghĩ sai. Không chuẩn bị, nghĩa là chuẩn bị cho thất bại, – ai nói thế? Tôi chơi khác, luôn dành thời gian hồi tưởng chúng. Cả thành công lẫn thất bại. Thất bại, để rút bài học đã đành; thành công cũng cần, xét xem nếu làm khác đi nó có hay hơn không. Nhanh, hiệu quả và ít thiệt hại hơn không.

Nghĩa là, tôi luôn ôn tập vụ việc đã qua. Hơn 40 vụ lớn nhỏ cả thảy, tôi có thể kể vanh vách đến từng chi tiết. Văn ôn võ luyện. Thế nên, tôi hiếm khi hỏng việc. Mọi chuyện, bà con tưởng hết lối thoát, tôi vào cuộc – là thông thoáng.

Vụ Ghur Raneh bị xâm hại, tôi nhắc những người trách nhiệm, 11 năm trì hoãn và trì hoãn, tôi nhập cuộc – chuyện nhẹ như lông hồng. Ramưwan 2017, vụ CMND bà con giận dỗi suốt 2 năm, nghe tin, tôi xắn tay áo vào, sau 8 ngày đã đâu vào đấy.

Ramưwan vừa qua [đã kể], vụ lớn [và chung] giữa người lớn với nhau kéo dài cả tuần tưởng bất khả, tôi được vời đến, để rồi nó thành nhẹ như con trẻ, chỉ qua 75 phút hàn huyên! Tiếp đến là hai chuyện khó nữa, “chỉ có thầy Sara mới tháo gỡ được”. Và hệt thế!

Vụ này, anh chị em bàn lui, tôi nói: Đi đường đụng phải rào chùm gai bịt lối, bạn làm gì? Về nhà ngủ chăng? Không! Ngon thì nhảy qua, khỏe thì phá rào, khôn là tìm lối khác.

Điều quan trọng ở đây là biết… tưởng tượng!

“Chẳng có gì trầm trọng cả!” – Câu văn đinh trong tiểu thuyết Chân dung Cát-2006, thường được tôi lặp lại nhiều lần. Và…

“Ngoài chuyện gia đình và tình cảm riêng tư, còn lại tôi có thể trao đổi [và cả tranh luận] thoải mái với mọi Cham ở bất kì đâu về mọi vấn đề liên quan đến Cham, mặt đối mặt hay trước tập thể”.

Tiếc, chưa có sinh linh Cham nào làm thế, mà ưa còm lãng hay nói sau lưng tôi. Tưởng tượng sai, ta ngôn và hành sai, hỏng là cái chắc.

Không chỉ ở thế giới nhỏ bé Cham mà tôi hiểu như hiểu lòng bàn tay mình, ngoài kia cũng không khác. Bắt con dông cồ hay tóm cổ mèo hoang bự: nhẹ. Chủ biên Tagalau: nhẹ. Chủ trì Bàn tròn Văn chương: nhẹ. Thuyết trình các nơi trước đủ đối tượng: nhẹ. Việt Nam, Nhật Bản, Đài Loan, một ngày tại Sứ quán Thụy Sĩ hay 4 buổi ở Sàn Art: nhẹ…

Vấn đề là biết tưởng tượng và… hình dung. Hình dung trước các trở ngại khi giáp mặt vấn đề, khi đụng loài câu hỏi chơi khó nhau. Ở các buổi ấy, tôi dự đoán trúng đến 90%, còn lại là các câu hỏi… lạc đề.

Ở đây trí nhớ không phải vô ích. Mà tôi là kẻ năng lập hồ sơ, và siêng đọc hồ sơ, để ôn tập.

Và luôn học tự suy nghĩ, tìm cách mới, khác để giải quyết sự vụ.

Hồi Trung học, mỗi bài toán, tôi tìm 2-3 phép giải khác nhau. Thuở HTX Nông nghiệp, dự khóa kế toán, đề thi giữa kì, theo cách của thầy phải mất 3 giờ mới xong, tôi làm theo cách tôi: 20 phút.

Đây là bài học tôi tặng cho chính tôi: Luôn học tự suy nghĩ cho mỗi sự thể, và học từ cánh trẻ [người, nhưng không non dạ].

Từ năm 2000 tôi học lóm được cách suy nghĩ của “bọn” Mở Miệng nhỏ tuổi hơn tôi nhiều. Hiện, tôi học từ Trà Kha út tôi – một tác giả top của Spiderum. Bà con đọc thử: “Sự cần thiết của Tự mình suy tư vấn đề” tại đây:

https://spiderum.com/…/Su-can-thiet-cua-ky-nang-Tu-minh…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *