Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara: “Tôi còn viết là tôi còn yêu”

Lao động Chủ nhật, 7-8-2016 – Việt Văn (thực hiện)
Sara-Vietvan
Cuốn sách Minh triết Chăm (NXB Tri thức, xuất bản quý II-2016) là tác phẩm mới nhất của Inrasara, người đã có trên 40 đầu sách xuất bản, ở nhiều thể loại: nghiên cứu, phê bình có, sáng tác (thơ, tiểu thuyết) có…
Một cuộc trò chuyện thú vị với người “đa hệ” này như bạn bè gọi ông, một người dân tộc thiểu số mà viết văn chương mạng từ năm 2002, lướt Facebook từ mấy năm nay và sống khỏe tại đất Sài Gòn.

Tại sao lại là “minh triết” thưa ông?
Minh triết tồn tại trong dân, là tinh hoa của văn hóa Chăm. Minh triết có thể được đúc kết từ câu chuyện thực của đời sống hàng ngày, từ kho tàng tục ngữ hay châm ngôn, từ truyện ngụ ngôn, huyền thoại hay huyền sử, từ các sinh hoạt lễ tục – lễ hội, quan điểm và sinh hoạt tôn giáo – tín ngưỡng, nhất là từ tác phẩm văn chương xuất sắc, từ tư tưởng của bậc trí giả qua các thời đại lịch sử…
Ví như “Tinh thần mẫu” Chăm là ba (3) không: [đàn bà] không đĩ điếm, [đàn ông] không mù chữ và cả hai không ăn xin. Thế hệ cha ông và chúng tôi tuyệt nhiên là 3 không, sau này cũng có có vài hiện tượng nhưng là cá biệt. Hay “Tinh thần đất” của người Chăm. Người Việt hay nói “nơi chôn nhau cắt rốn”, còn người Chăm là: “nơi chôn nhau đặt viên gạch” (gạch ở đây để xây tháp mang ý nghĩa tâm linh, đặt nền móng cho đời sống tâm linh).

Thưa ông, trong số những nét giá trị văn hóa đặc sắc của người Chăm, giá trị nào là tinh túy nhất?
Một khu di tích nếu đổ nát thì một chuyên gia giỏi có thể phục dựng lại nhưng ngôn ngữ và văn học Chăm, diễn tả chiều sâu tâm hồn người Chăm thì làm sao có thể phục dựng?
Cách đây 40 năm, tôi học lớp Đệ Tứ, có đọc cuốn sách của tác giả người Pháp Paul Mus, ông ta nói: văn học Chăm không có gì đáng kể chỉ tóm tắt trong 20 trang sách cũng đủ. Tôi lại nghĩ một dân tộc có chữ viết sớm nhất Đông Nam Á (thế kỷ thứ IV) không thể chỉ “tóm tắt” 20 trang như vậy được. Từ đó, tôi mới tìm hiểu, suy tầm, gom góp và 30 năm sau vào Sài Gòn, tôi in cuốn sách đầu tay Văn học Chăm khái luận và cuốn sách này được Trung tâm CHCPI thuộc Đại học Sorbonne (Pháp) trao giải thưởng. Sau đó, tôi viết tiếp và in phần 2, phần 3 của bộ sách này là Văn học dân gian ChămTrường ca Chăm.
Văn học Chăm có 2 phần: văn học viết và văn học dân gian. Văn học viết phát triển sớm, bên cạnh kiến trúc điêu khắc người ta nói nhiều. Về văn học Chăm, điều đáng tiếc là trong văn học sử VN không có dòng nào về văn học dân tộc này. Đâu là cái độc đáo, khác biệt của văn học Chăm? Trước hết vì người Chăm có sử thi Chăm được văn bản hóa thế kỷ thứ 16, trong khi các dân tộc Tây Nguyên có sử thi Tây nguyên nhưng chỉ là truyền miệng.
Lịch sử người Việt không có xung đột ý thức hệ, còn người Chăm thì xung đột ý thức hệ nặng nề giữa Ấn Độ giáo và Hồi giáo, qua từ đó tạo ra 3 tác phẩm lớn, đó là Sử thi Um Mưrup, Trường ca Bini – Cham Trường Cham – Bini.
Người Chăm ảnh hưởng triết học Ấn Độ nên họ cũng có trường ca mang tính triết lý như Trường ca Đi BuônTrường ca Người Chôn. Riêng về thể lục bát: lục bát ariya Chăm gần gũi, có nhiều điểm giống nhau với lục bát người Việt tạo nên kho tàng chung Chăm – Việt.
Có thể nói văn học Chăm diễn tả sâu sắc tâm hồn Chăm, gần như đầy đủ, có thể dùng nó để mở khóa, giải mã bí ẩn các pho tượng, kiến trúc, điêu khắc Chăm…

Vậy phải bảo tồn sao thưa ông, khi nhiều ý kiến báo động về sự mai một các thư tịch cổ của người Chăm?
Văn hóa Chăm chưa trải qua kỹ thuật in ấn, việc dạy học cũng không có trường quy. Thày dạy trò, cha dạy con, bố dạy cháu theo kiểu truyền dạy. Nhưng người Chăm thập niên 60 thế kỉ XX trở về trước tuyệt đối không có ai mù chữ. Người Chăm chép sách trên lá buông, rồi giấy bản của Tàu. Và việc lưu giữ sách là để trong giỏ đan bằng tre lát, treo trên xà nhà. Mỗi tháng làm lễ đơn sơ (1 chai rượu, 2 trứng vịt) rồi đem ra phơi nắng định kỳ. Sách mà không được làm lễ, không được đọc trong thời gian một tháng goi là sách hoang.
Do đó sách phải có người đọc. Nhưng thế hệ trẻ ngày nay không phải ai cũng biết quý sách. Tôi biết có ông cụ chép ba giỏ sách quý, nhưng các con trai ông không mê sách, dù biết chữ Chăm. Mà sách Chăm thì đủ: tri thức, văn chương và cả sách thày cúng…
Mà nếu để sách hoang nhiều gia đình bị bệnh phải làm lễ, thả sách trôi sông. Đó cũng là một lý do khiến sách mất dần đi. Rõ ràng việc đào tạo mở các lớp tập huấn cho giới trẻ hiểu sâu và biết nâng niu các giá trị văn hóa Chăm là vô cùng cần thiết cũng như phổ biến các phương pháp mới để bảo quản các thư tịch Chăm…

Người Chăm có tin nhiều vào pháp thuật- thần linh không thưa ông?
Tin rất nhiều. Như chuyện xử án của người Chăm. Có một vụ án tôi nhớ vào năm 1969, ông kia yểm bùa cho bà kia bị bệnh, bị phát đơn kiện. Người Chăm lập tòa trước làng để xử án mời dân làng và chính quyền đi xem. Trước đó, ông thày vào rừng sâu, vẽ bùa làm lễ lấy một bình nước to đổ đầy 2 chậu lớn, sau đó đọc kinh, nắm đầu 2 người vục xuống… Hồi lâu, ông kia thấy rắn rết nổi lên, quậy lên xin tha, còn bà kia chỉ thấy lâu đài, thành quách nên cứ mải mê nhìn mãi…
Có những pháp thuật của người Chăm mà khoa học không giải thích được.
Người Chăm trị bệnh cứu người cũng tài như nhiều chuyện hiện còn được truyền tụng ở Làng thuốc Chăm Phước Nhơn cách thị xã Phan Rang (Ninh Thuận) về hướng Bắc khoảng 12km, có nhiều thầy thuốc đông y giỏi được Nhà nước cấp giấy phép hành nghề.

Vì sao người Chăm có thể tồn tại bản sắc văn hóa dù theo thời gian chịu ảnh hưởng nhiều từ Phật giáo tiểu thừa – Ấn giáo – Phật giáo đại thừa – Hồi giáo – Bà-ni?
Chăm là dân tộc thiếu số duy nhất ở miền đồng bằng. Người Chăm sống xen cư, cộng cư với người Việt 200 năm rồi mà không bị đồng hóa. Dân tộc Chăm có nền văn hóa văn minh lâu đời. Và triết học Bà-la-môn của người Chăm rất độc đáo khi coi con người có 4 giai đoạn trong đời: Giai đoạn đầu là theo thày học, tiếp đến là làm chủ hộ (lập gia đình, gánh vác công việc xã hội), giai đoạn thứ ba: vào rừng tu, bỏ hết tất cả (cũng có thể mang vợ vào rừng theo), và giai đoạn cuối là phong phanh giữa đất trời: sống 1 mình 1 cá thể độc lập, đụng đâu ăn đó, ngủ đó, không phân biệt thức ăn dơ hay sạch.

Giờ đây 4 giai đoạn đó còn không thưa ông?
Ông chú ruột của mẹ tôi đã mất năm 1981, được coi là vị A-la-hán cuối cùng của người Chăm. Còn giờ thì không còn người theo 4 giai đoạn đó nữa. Đạo Bà-la-môn có trước Phật giáo, Thày tu Chăm tuyệt đối phải có vợ. Chưa có vợ là chưa thể hành lễ được. Còn chuyện bỏ nhau, tôi sống gần 60 năm, trong cộng đồng Chăm chưa thấy quá 10 người bỏ nhau.

Trở lại chuyện bảo tồn văn hóa Chăm, ông có thấy sau lưng ông là một khoảng trống mênh mang khi ít có người tiếp nối sưu tầm, nghiên cứu và phổ biến văn hóa Chăm?
Đó là việc của Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm ở Ninh Thuận, nhưng tiếc là ở đó không có nhiều người thực sự đam mê làm, thậm chí có người không biết chữ Chăm.
Nhưng rất may là hiện cũng ít nhất có khoảng 10 người trẻ (dưới 35 tuổi) chủ yếu sống ở Ninh Thuận say mê nghiên cứu văn hóa Chăm, nhất là sau khi đặc san Tagalau (sáng tác- sưu tầm và nghiên cứu văn hóa Chăm) do tôi chủ biên ra đời tập 1 năm 2000 và tiếp sau là 14 tập khác cho đến năm 2014. Tagalau vừa là đất cho cỏ mọc vừa gợi hứng cho giới trẻ đi sâu nghiên cứu văn hóa dân tộc mình.

Các lễ hội Chăm ngày nay có còn nguyên bản không hay đã bị thương mại hóa, du lịch hóa nhiều theo ông?
Lễ Chăm vẫn còn nhiều nguyên gốc như lễ Rija Nưgar – lễ hội xứ sở đầu năm theo lịch Chăm (tháng 4 Dương lịch), làm 2 ngày không phân biệt tôn giáo tín ngưỡng, các làng Chăm đều cúng cùng ngày, để tống khứ cái xấu xa ra ngoài, đón cái mới vào làng.
Lễ Ramưwan diễn ra vào tháng 9 chay tịnh của Hồi giáo. Cộng đồng Chăm hiên nay hiểu đó là lễ cúng ông bà tổ tiên.
Còn lễ Kate theo lịch Chăm đầu tháng 7, là tháng 10 Dương lịch, phần nào đó đã biến thành lễ Nhà nước. Lễ khi có yếu tố văn hóa du lịch là thành lễ hội. Người ta đã xây chỗ để xe, nhà triển lãm, làm mất đi không gian, bối cảnh tháp Po Klaung Girai (Tháp Chàm). Xưa, tháp chỉ mỗi năm tối đa mở cửa tháp 3 lần. Cả Sư vào hành lễ đốt nến chưa đến một giờ nên màu gạch tháp giữ nguyên. Nay Tháp mở cửa thường xuyên cho du khách vào thắp nhang, làm màu gạch đen thui. Tôi đã lên tiếng nhiều lần nhưng không ăn thua. Sắp tới ra Hà Nội dự hội thảo “Thực trạng và số phận văn hóa dân tộc thiểu số ở VN” tháng 9 tới tôi sẽ đọc tham luận kêu tiếp.
Tính tôi dù quyết liệt nhưng ôn tồn, không quá khích, không chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Trong ông, chất nghiên cứu hay chất nhà thơ mạnh hơn?
(cười) Cái đó phải để người ta đánh giá cứ tôi nói sao tiện. Tôi chỉ chịu làm việc, có ngày làm 12 tiếng, không đau lưng vì thường xuyên tập yoga.
Khi vào Sài Gòn tôi tay trắng nên phải làm đủ thứ, cả buôn bán thổ cẩm (kinh doanh, sản xuất, xuất khẩu)…

Ông có những câu thơ nào mà các bạn trẻ nhớ và thuộc nhất?
“Tôi còn buồn là tôi còn sống
Tôi còn viết là tôi còn yêu
Tôi hết yêu là tôi đã chết”
(trong tập thơ “Lễ Tẩy trần tháng tư”).
Hay:
“Văn hóa Champa là văn hóa đùa vui
chịu chơi cả trong đau khổ”.
Rồi nữa:
“Tôi, đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp
Đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao
Đứa con của biển khơi trùng trùng bão thét
Và của đôi mắt tháp Chàm mất ngủ xanh xao”.
Inrasara đùa vui: Nhà thơ nào chẳng coi thơ mình là nhất, dẫu sao cứ tạm nêu 3 đoạn đó vậy.
Xin trân trọng cám ơn ông.

Box:
Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara, gốc người Chăm sinh năm 1957.
Ông đã in 7 tập thơ, trong đó tập thứ 4 “Lễ tẩy trần tháng 4” đã đoạt giải Hội nhà văn VN, giải văn học Đông Nam Á, và 3 cuốn tiểu thuyết, cùng nhiều tiểu luận nghiên cứu, phê bình như “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo” (2006), “Nhập cuộc về hướng mở” (2014), “Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố “nữ” (2015)… Về văn hóa Chăm ông đã in 7 cuốn sách như “Văn học Chăm khái luận” (in lần 2-2012) , “Văn học dân gian Chăm” (in lần 2- 2006),”Trường ca Chăm” (in lần 3-2011), “Sử thi Akayet Chăm” (lần 3-2013) , “Văn hóa xã hội Chăm- nghiên cứu và đối thoại” (in lần 4-2011) , “Minh triết Chăm” (in lần 1 – 2016) và chủ biên “Tagalau” (tuyển tập sáng tác- sưu tầm- nghiên cứu Chăm” (15 tập, 2000-2014).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *