Văn hóa xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại

Văn hóa xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại
Nxb.Văn học, H., 2003.
356 trang, khổ 14,5 x 20,5cm. In 1.200 bản.
Giá bán: 35.000đồng.

Là sách tái bản có sửa chữa và bổ sung từ cuốn:
Các vấn đề văn hóa-xã hội Chăm
Nxb.Văn hóa Dân tộc, H., 1999.
212 trang, khổ 13 x 19cm. In: 1.100 bản.
Không ghi giá bán.

Sách sắp được tái bản lần thứ hai với nhiều bổ sung quan trọng.

MỤC LỤC

Lời mở
Giáp mặt vấn đề

I. Về văn hóa – xã hội
1. Hành trình về nguồn của tôi
2. Văn học – nghệ thuật Chăm, vấn đề lực lượng
3. Chế độ mẫu hệ Chăm
4. Rija Nưgar, một lễ hội dân gian dân tộc Chăm mang nhiều yếu tố trình diễn
5.Trao đổi về cuốn Rija Nưgar… của Ngô Văn Doanh
6. Dệt thổ cẩm Chăm Ninh Thuận, hiện trạng và giải pháp
7. Trước thềm thế kỷ XXI, đọc lại Pauh Catwai – đối thoại giả tưởng.
8. Thử điểm danh các khuyết tật Chăm.
9. Gập ghềnh thổ cẩm.

II. Về ngôn ngữ – văn chương
1. Văn học Chăm, mấy vấn đề sưu tầm – nghiên cứu
2. Xung quanh việc công bố Akayet Dewa Mưno,
đặt lại vấn đề nghiên cứu văn học cổ Champa
3. Để văn học Dân tộc thiểu số phát triển
4. Đối chiếu – so sánh lục bát Chăm – Việt, những gợi ý bước đầu
5. Ngôn ngữ – chữ viết Chăm, hai mươi năm nhìn lại
6. Vốn từ ngữ chung Chăm – Việt xét về mặt đồng đại và lịch đại
7. Nếu hạt lúa không chết đi.

III. Về sáng tạo
1. Shiva, ý nghĩa của phá hủy và ý hướng sáng tạo
2. Đứa con của Đất – trả lời phỏng vấn
3. Đi tìm chân dung văn học Chăm.
4. Để hiểu văn chương Chăm – đối thoại giả tưởng.
5. Khoảng tối của thi ca
6. Sáng tác văn chương Chăm hôm nay
7. Sẽ không là tiếng chim lẻ loi.

IV. Phụ Lục
– Trường ca: Quê Hương
1. Trúc Thông, Đọc Tháp nắng của Inrasara.
2. Hà Văn Thuỳ, Inrasara bay lên từ ngôi tháp cổ.
3. Ngô Thị Kim Cúc, Inrasara – cái nhìn ngoái lại.
4. Trần Nhã Thuỵ, Inrasara – người kiếm tìm & kiến tạo vẻ đẹp Chăm.
5. Nguyễn Vĩnh Nguyên, Inrasara cãi nhau với cái bóng của mình.
6. Các ý kiến trích – rời.
7. Bình 5 bài thơ tiêu biểu của Inrasara.

Trích văn bản:
LỜI MỞ

3 năm đi qua, từ khi Các vấn đề... ra đời, 3 năm của vật đổi sao dời, thay đổi của lòng người, biến động của xã hội. 3 năm với nẩy sinh các vấn đề mới, đòi hỏi cách nhìn mới, đối sách mới.

Sau 3 tháng ra khỏi nhà in, Các vấn đề văn hóa – xã hội Chăm với hơn 1100 bản đã hết. Để đến ngày Hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ nhất tại Ninh Thuận vào tháng 10. 2000, nó đã phải xuất hiện dưới dạng photocopy để kịp thời phục vụ đồng bào.

Chứng tỏ đồng bào Chăm và các nhà nghiên cứu về Chăm đã thực sự cùng tham gia đặt vấn đề và quan tâm hơn đến giải quyết vấn đề của chính mình. Do đó tập sách đã có các phản hồi đáng trân trọng.

Tập tiểu luận, phê bình Văn hóa – xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại thực chất là Các vấn đề văn hóa – xã hội Chăm tái bản với nhiều sửa chữa và bổ sung. Tác giả đã bỏ bớt các bài viết không còn mang tính thời sự cũng như bài trao đổi mà các luận điểm đã được thanh lý. Thay vào đó là các bài viết mới – nhấn mạnh vào sáng tạo và định hướng sáng tạo. Bởi chỉ có thế thôi, thế hệ Chăm hôm nay mới thực sự có đóng góp của chính mình vào vốn quý của cha ông xưa.
Tp. HCM, ngày 30.12.2002

GIÁP MẶT VẤN ĐỀ
(Thay lời nói đầu, cho xuất bản lần thứ nhất)

Tôi sinh ra, lớn lên, đi học, vào đời và… đối diện với các vấn đề. Có lẽ cũng không khác gì của người cùng thời với tôi, đang sống xung quanh tôi. Từ vấn đề vụn vặt, nhỏ bé nhưng căn bản như cơm ăn, áo mặc đến vấn đề phức tạp, to tát đụng chạm đến tâm linh, cuộc sống tinh thần của con người như tôn giáo, văn chương, triết học…
Dù sơ đẳng hay cao siêu, giản đơn hay rối rắm, đó là các vấn đề của tôi, tôi không thể chọn lựa từ chối hay chấp nhận, mà buộc phải giáp mặt với nó. Và nếu không muốn bị nó nhấn chìm trong tăm tối vô tri, tôi phải nỗ lực suy tư để tìm cách giải quyết nó. Còn tôi có giải quyết được nó hay không, và giải quyết đến đâu thì đấy là vấn đề tùy thuộc vào tôi rất ít.
Tập tiểu luận – phê bình – nghiên cứu này ghi nhận một hành trình suy tư và thể nghiệm trong 7 năm của người viết khi đối mặt với các vấn đề văn hóa-xã hội Chăm. Từ bài viết đầu tiên về chế độ mẫu hệ cho Hội thảo khoa học kinh tế – văn hóa Chăm do Viện đào tạo mở rộng Tp.Hồ Chí Minh tổ chức vào năm 1992 đến bài trao đổi về cuốn “Lễ hội Rija Nưgar” đăng trên Tc.Văn hóa dân gian, số2.1999, nhiều sự kiện và vấn đề đã đổi thay, đổi thay ở rất nhiều khía cạnh, bình diện. Chúng đòi hỏi người viết phải có cái nhìn khác, giải pháp khác.

Đặt vấn đề có nghĩa là lay dậy, đánh thức, làm thay đổi thói quen, làm cho mở to mắt (ppagak mưta) để nhìn vào thực tế của vấn đề. Đặt vấn đề hay đặt lại vấn đề có nghĩa là đem ra soi ngoài nắng sự việc đã mèm cũ tưởng như không việc gì. Chúng ta quen nhìn nó lâu nay như nó là thế và mãi mãi như thế. Thỉnh thoảng chúng ta có giật mình ngạc nhiên trước một khía cạnh nổi cộm, nhưng rồi chúng ta cũng quên chúng đi nhanh chóng. Một bài báo đưa tin sai lầm, một quan niệm lệch lạc… Có gì đâu mà to chuyện! Hay ví như cách lấy thủ cấp trong đám tang Cam Ahier, dù thao tác có khéo gọn đến đâu nhưng chưa bao giờ tạo sự bằng lòng từ bất kì một ai cả. Ai cũng thấy thế, và tưởng tượng đến lượt mình cũng phải chịu thế. Nhưng có ai đặt vấn đề này ra cho cụ thể và tìm giải pháp cho rốt ráo? Các giải pháp cho một vấn đề không thể là giải pháp một lần cho tất cả, quyết toán một lần rồi thôi. Vấn đề luôn trở lại, buộc chúng ta phải có những cách tiếp cận mới, giải đáp mới.

Văn hóa-văn minh Champa sau hơn 200 năm chìm dưới lớp bụi của thời gian và sự vô tình của lòng người, như một cánh rừng hoang chưa được khai phá. Nó vừa hấp dẫn đồng lúc thách thức và làm chồn chân kẻ thám hiểm. Các cố gắng của cá nhân hay tập thể mong vỡ hoang nó từ gần một thế kỷ qua, dù có những thành tựu nhất định, cũng chưa thật tương xứng với tầm vóc của nó.
Người Chăm, chủ nhân hôm qua của nền văn hóa-văn minh ấy, hôm nay đang thừa hưởng những mảnh vụn của nó và chịu sự tác động trực tiếp từ nó. Những con người ấy đang đứng trước ngưỡng thế kỷ XXI đầy cam go và thử thách. Chúng ta đi về đâu? Và sẽ đi như thế nào ? Khi đất nước và cả thế giới đang lao về phía trước đầy tự tin và dũng mãnh.
Các vấn đề văn hóa-xã hội Chăm là nỗ lực suy tư về và cho mình đồng thời những con người xung quanh của người viết. Mong tìm bạn đồng hành để cùng trao đổi, học hỏi. Những nhận định dù sơ lược nhất cũng đều dựa trên nền tảng vấn đề được nghiên cứu cẩn trọng.
Đức tính của phụ nữ Chăm, nét đẹp của hoa văn thổ cẩm Chăm, sự giàu sang của văn chương Chăm với những sắc thái đặc thù Chăm được làm nổi bật. Vấn đề chế độ mẫu hệ, ngôn ngữ-chữ viết, kinh tế – đời sống Chăm, vấn đề sưu tầm – nghiên cứu và cả sáng tác… được đưa ra ánh sáng để phân tích, mổ xẻ, bình luận đồng thời thử đề xuất các giải pháp khả thể riêng và chung.
Qua nghiên cứu, trao đổi, người viết hy vọng các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam hiểu rõ người Chăm hơn, dân tộc Chăm nhìn kỹ mình hơn, biết mình biết người hơn, bớt kiêu hãnh hão về mình và cuối cùng yêu dân tộc mình sâu đậm hơn. Dám nhìn vào thực tại, chấp nhận mình như là mình. Để có thể sống, lao động, sáng tạo và hy vọng.

DƯ LUẬN:

*
Đồng bào Chăm rất tự hào về một cây bút đầy tài năng, nhiệt huyết: Inrasara. Mấy năm qua anh đã nhận được nhiều giải thưởng lớn trong và ngoài nước cho các tập thơ và sách nghiên cứu của mình. Trên diễn đàn Hội nghị văn học Tây Nguyên 6. 1998, anh phát biểu điềm đạm và ưu tư: – Có nhà lý luận hỏi tôi khai thác gì ở văn hóa Chăm? Trả lời: Tôi không khai thác mà tôi từ văn hóa Chăm bước ra để sáng tạo cái mới.
Hoàng Thiên Nga, Báo Tiền phong, 06.1998.
*
Có thể nói Inrasara là một hiện tượng đa dạng trong cuộc sống hôm nay.
Cao Dương, Báo Cần Thơ, 28.09.2002
*
Inrasara là một trí thức Chăm, một nhà “Chăm học”, nhưng trên hết, ông là một người nghệ sĩ sáng tạo. Với tất cả những sinh phận cao cả đó, Inrasara đã cất công đi tìm những tồn lưu trong quá khứ Chăm. Nỗ lực này là một tiếng nói đáp trả với cha ông, vừa như một thể hiện thiên chức của người nghệ sĩ. Bằng tất cả niềm đam mê, lòng tự tín của mình…
Trần Văn Thưởng, HTV, tháng06.2003.
*
Inrasara – nhà văn người Chăm tỉnh Ninh Thuận đang nổi lên như một “kỳ nhân” của làng viết. Không học qua trường lớp nào, nhưng ông vẫn làm được khá nhiều công trình nghiên cứu dày dặn…
Trần Mạnh Hà, Báo Tiền phong, số88, 04.05.2005.
*
The culture of the Cham always attracts lots of interest from researchers, local and international. One of these, poet Inrasara, stands out for his unceasing efforts to preserve and renew Cham culture and arts. Born at the Cham village of Chakleng, Ninh Thuan Province, Inrasara has brought an inside look to the culture of the Cham, which still keep a lot of secrets. Inrasara works are various, ranging from poems, novels, studies and collections. Inrasara verses have not only revived the Cham’s peculiar spirit, but his work on Cham language, literature, culture and arts has shed more light on Cham civilisation. Inrasara efforts have earned him awards from universities both at home and abroad.
Tran Dinh Thanh Lam, VNS – Kaleidoscope, 01.08.2004
*
Mười năm trước trên thi đàn Việt nổi lên một cái tên lạ, lúc đầu còn khiêm tốn, càng về sau càng sáng, rồi rực rỡ hẳn lên, và bây giờ phóng chiếu hẳn ra ngoài biên cương, rạng ngời trên tao đàn Đông Nam Á. Đó là Inrasara. Biên độ hoạt động của ông rất rộng không chỉ trong lĩnh vực thơ mà còn lan toả sang việc viết tiểu thuyết, truyện ngắn, lý luận phê bình, nghiên cứu văn học và ngôn ngữ chăm, và cả dịch thuật nữa.
Thu Ba, VTV3, 10.2006.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *