[hay. Hậu hiện đại giữa lòng đời]
Năm 1998, dự Trại Sáng tác Đà Lạt, tôi rủ vài nhà văn xuống Chakleng quê tôi chơi. Thấy tôi giúp anh chị em làng sắp xếp này nọ, các bạn văn nhíu mày, hà cớ tầm nhà thơ như Inrasara lại làm thế! Ô là là, về quê, tôi vẫn là thằng Klu như mọi thằng Klu khác. Có gì là nghiêm trọng.
Thằng Giữa tôi, ba năm trước kêu: Cei mà biết bia bọt nữa, là đỉnh. Tôi hỏi, sao thế? – Để dễ hòa đồng với mọi người, nó nói. Tôi thoáng ngạc nhiên, hỏi lại:
– Con ngó quanh thử, có “trí thức” Cham nào ba cùng với bà con Cham như cei không? Được một nửa thôi, cũng không luôn. Nó: – À, hén.
“Bạn có yêu palei bạn không?” là loạt bài tôi viết dăm năm trước, sau đó vài lần lặp lại, đặt vấn đề mới qua cách nhìn mới – cụ thể hơn.
Vài đứa con Cham thành danh hiếm khi về làng, về – thì quẩn quanh nhà mình, chỗ thân mật mình. Bạn từ mảnh đất quê nhà lớn lên, ăn nên làm ra rồi làm xa cách. Một thứ cao ngạo rất ư… hiện đại! Hậu hiện đại thì khác. Nó gần gũi và đời thường hết mực.
Tại Đại học Văn hóa [Trường Viết văn Nguyễn Du cũ], tôi nói:
“Nhà văn hậu hiện đại là kẻ có thể theo dõi các trào lưu triết học mới nhất trên thế giới đồng lúc vẫn cặm cụi đi điền dã góp nhặt nửa dòng ca dao, một câu tục ngữ, hay sẵn sàng mở cuộc điều tra nạn trộm cắp gà tại quê nhà để giúp chính quyền địa phương dẹp tệ nạn xã hội” (“Đối thoại hậu hiện đại”, Tienve.org, 3-2009).
Tôi là nhà văn hậu hiện đại kiểu ấy.
Nghiên cứu Akhar thrah, Ariya Glang Anak, Pauh Catwai hàn lâm bên cạnh đi tìm nhặt ca dao, tục ngữ – là tiếng nói người đời thường Cham.
Nhà thơ hậu hiện đại không chê bai thơ lục bát bình dân, cũng chẳng tôn thờ thơ tự do sang trọng.
Nhà văn chủ trì Bàn tròn Văn chương chốn đèn màu phố thị hôm trước, hôm sau đã thấy ngồi ghế đẩu quán cà-phê vỉa hè nhà quê bàn chuyện rau sạch; dự hội thảo khoa học “quốc tế” về rác thải hạt nhân tại Đài Loan rồi đi về palei Cham hỏi han tình trạng ung thư để tìm cách trị.
Về quê, tôi ưa lân la quần chúng. Các vị chức sắc, anh dân cày, chị thợ dệt, các bà mẹ, kẻ ít học, các sinh phận dưới đáy. Không phải phân biệt chi chi, mà tôi biết: Đó là bộ phận người chưa bị nhiễm độc “văn minh”, đang thở hơi thở tinh thần văn hóa Cham thuần khiết.
Tôi có thể ngồi cà-phê với mọi mọi sinh linh ấy, sự sự vô ngại. Tôi yêu họ, và họ yêu tôi.
Năm lần được Chakleng trang trọng mời nói chuyện, về ngôn ngữ, về nghề dệt, và cả về cải cách làng mạc. Dễ gì một trí thức làng nổi tiếng có được vị thế ấy! Tâm lí chung: Bụt chùa nhà không thiêng. Dân Chakleng thì khác, bụt Sara dẫu lớn lên từ và trở về với chùa nhà, thiêng vẫn cứ thiêng.
“Bạn có yêu palei bạn không?”, yêu thật lòng chứ không vờ vịt. Cũng không gắng gượng, mà là thứ tình yêu tự nhiên đến, tự nhiên có đó.
Yêu là gì? – Là hiểu biết, ưu tư và chăm sóc.
Bạn nhớ từng khúc mương, mảnh ruộng, góc gò; thuộc nằm lòng tên con người, con trâu, cái nghé cùng chuyện kể, giai thoại quanh chúng. Bạn biết an ủi lão ông, vỗ về cụ bà, bỏ thời gian đùa vui với em nhỏ.
“… câu thơ buồn/ luôn có mặt nơi khổ đau có mặt” [thơ Inrasara]. Có mặt, và sẵn sàng lên tiếng bảo vệ danh dự và quyền lợi của họ, khi hữu sự. Ở đó, các công sức dù nhỏ nhất của đứa con của đất với quê hương, bạn cũng biết ghi nhận.
Để nói lên lời tạ ơn.