Trước khi đi vào chuyên môn, xin kể chuyện ngoài lề.
Dư luận bên kia cứ nghĩ tôi “phe BBS”. Có thế đâu. Tôi không chống và cũng không theo BBS. Phe giữa chăng? Cũng không nốt. Hãy xem hành vi để biết con người, chứ không ở nói.
1. Đang kế toán trưởng HTX Nông nghiệp lương mỗi mùa non tấn thóc [trong khi dân đang chết đói], anh Bạch Thanh Chạy đạp xe qua nhà tôi:
– Trạm về Ban đi, anh cho vào biên chế ngay. Ban thiếu kế toán, Trạm làm tạm, tương lai qua phụ anh về chuyên môn…
Tôi, ừ. Trong quán nước tại Phan Rang, tôi không thể hiện với anh về khả năng ngôn ngữ học, mà về… thơ. Tôi ứng khẩu đọc “Jalan tơl Vijaya”, anh nghe mà một hai gật gù.
4 năm ở BBS, tôi làm được gì?
Vừa nhận việc, thấy sách Bổ túc tiếng Cham chất cả đống, tôi hỏi: Sao ghé lần nào cũng thấy chúng nằm yên đó? Anh Chạy kêu không biết làm thế nào. Tôi nói: Anh cho tôi 1 tuần, tôi tiêu hết khối đó cho mà coi.
Dễ ợt! Chủ nhiệm các HTX khi ấy toàn bạn hay người quen tôi. Tôi đạp xe chở qua bỏ mỗi nơi vài cục, “đến mùa anh trả… khoai”. Vừa được đãi thịt gà, vừa có thóc mang về cho Ban, cải thiện. – Chú mầy ngon thế – anh Chạy kêu.
Tiếp đến, tôi sắm Tủ sách cho Ban. Rồi chuyện khá bất ngờ xảy đến. Vừa qua thầy Tỷ kể, tôi mới nhớ. Một hôm ngồi lật lật qua Ngữ văn Chăm lớp Ba, tôi kêu lên: – Sao lại sai chính tả vậy cà? Mọi người mở to mắt nhìn tôi, toàn ông cụ tuổi 50-60, là bậc thầy không hà, trong khi tôi mới 25 tuổi đầu.
Tôi chỉ ra 3 lỗi trong 1 bài học. Bác Lâm Nài và các thầy vội vã lật từ điển mới biết, sai thiệt. Sẵn trớn, tôi tiếp: Nếu câu này viết như vầy có lẽ hay và dễ hiểu hơn. Từ đó mọi người tin thằng Trạm. Tôi thành người thẩm định sách cho Ban, từ đó. Cả sau này khi đã nghỉ, Bộ cũng mời tôi phụ trách mục: Chính tả, từ vựng ngữ nghĩa và cách diễn đạt. Nhà văn mà!
2. Việc nữa tôi làm cho Ban, là ra báo tường. Số đầu tiên, cũng là số duy nhất. Khi ấy, anh Chạy đã mất, thầy Nguyễn Văn Tỷ lên thay. Số báo đó, tôi có một tiểu luận ngôn ngữ học, bàn thẳng về từ vựng học liên quan đến quan điểm của BBS. Vài vị giận tôi, to nhỏ sau lưng. Hay tin, tôi xin thầy Tỷ rút lại ý kiến. Tôi không tranh với thế gian, là vậy.
Kể chuyện này để biết, dù là dân BBS, tôi không đồng ý với Ban ở vài khía cạnh liên quan đến ngôn ngữ học; thứ hai, làm Tổ trưởng Từ điển ở Đại học, tôi vẫn viết ‘Akhar thrah’ theo Từ điển Moussay chứ không theo BBS; thứ ba, hầu hết tác phẩm nghiên cứu của tôi cũng viết lối chữ “truyền thống” ấy; cuối cùng, tôi chưa hề theo phe BBS chống bất kì ai ở “phe bên kia” cả!
Nhưng hà cớ cuốn 4.650 Từ Việt – Cham thông dụng, tôi viết ‘Akhar thrah’ theo [phe] BBS? – Câu trả lời: Điều tôi ưu tư là TIẾNG NÓI, chứ không phải chữ viết.
3. Tháng 8-1998, Đại học Tổng hợp mời tôi vào Sài Gòn soạn Từ điển, trong… một tháng. Thư do anh Thành Phần mang tới. Lúc đó tôi đang thủ Quán Tạp hóa Haly’s nuôi 7 miệng ăn. Không chút chần chừ, tôi: ừ.
Tại sao tôi dám nhận vụ này?
Trở lại năm 1977, bỏ Đại học về quê, tôi lang thang như loài Ma Hời không nơi nương tựa. Lúc đó Châu Văn Thủ đang theo Cao đẳng ở Tháp Chàm, rủ tôi cùng vài bạn nữa hoạt động xã hội. Tôi được chỉ định phụ trách soạn từ điển mới cho Cham: Từ điển Việt Cham. Mãi khi các bạn bị bắt vì dính vượt biên, công trình kia dang dở. Tôi dồn hết thời gian cho tiểu thuyết sử thi và văn học Cham.
1992, thời khốn khó – quán tạp hóa đang ăn nên làm ra, ai thì khó nhả, chớ tôi hướng vọng mục đích khác. Nghĩ, sau một tháng làm quen với không khí Sài Gòn, tôi tếch qua hoạt động văn học. Với mớ hành trang: Thơ, tiểu thuyết… sẵn có, tôi sẽ thành nhà văn lớn.
Nhưng trời không chiều lòng người.
Lạ, bộ Từ điển mới được làm bằng cách cắt ghép từ số lượng từ trong Từ điển Moussay, cộng thêm vốn từ vựng của BBS. Ai lại làm thế cơ chứ. Tôi hỏi đâu là đề cương? Không ai có. Thế là tôi phác họa cách làm và đưa ra đề cương. Anh Thành Phần rút lui sau bữa ấy.
Tháng sau thầy Bùi Khánh Thế từ nước ngoài về, tôi đưa bản nhận xét 2 cuốn Từ điển cũ và cả số từ vựng mới của BBS, và bàn mở rộng. Thầy Thế ừ, đề cử tôi Tổ trưởng.
[BẢN NHẬN XÉT phân tích chi li được viết tay trên 18 trang giấy A4, về từng khía cạnh được và chưa được, hay và dở của công trình các bậc tiền bối, và đưa ra ý kiến riêng. Nay đọc lại, tôi không ngờ mình cừ như thế!]
Dẫu sao, biên soạn Từ điển ở Đại học, tôi không toàn quyền quyết định.
4. Đang ngon trớn, cuối năm 1993, anh Po Dharma về Việt Nam được Trung tâm mời qua góp ý bản thảo thô Từ điển. Chuyện đã kể ở Chamyouth.com năm 2005, xin tóm:
Theo sau anh là cả một lô Cham Sài Gòn và người từ quê, hơn mười mạng. Tất cả dồn vào căn phòng chật ních. Anh hỏi: Ai biên soạn chính? Thầy Lịch giám đốc Trung tâm: Phú Trạm. Anh hỏi soạn thế nào, tôi nói hiện trong tay tôi có khoảng 3.000 từ cả Aymonier lẫn Moussay thiếu, tôi chọn bổ sung. Anh nói to:
– Không thiếu đâu. Từ điển Aymonier có 9 ngàn từ, Hội đồng chúng tôi kiểm tra chỉ thấy thiếu 64 từ thôi.
Đầu bàn bên kia, tôi nghe rõ tiếng anh CCT đệm theo: “Chín ngàn từ thiếu sao mà thiếu” [trong khi tôi biết anh không “một chữ K đeo tai”]!
Tôi nói, thiếu nhiều: Văn chương bình dân, văn học viết, ngôn từ đời thường, từ láy, vân vân. Mỗi thứ tôi nêu 5 từ tiêu biểu. Anh kêu có… có… Trong lúc Từ điển Aymonier đang đặt trước mặt tôi. Tôi nghĩ nhỡ tôi chơi dại, đề nghị tiến sĩ mở Từ điển ra tìm xem, thì sao đây!
Anh không biết cả 2 Từ điển kia tôi đã thuộc lòng từ tuổi 20! Nhưng tôi vốn quý mến anh, rất quý trọng nữa là khác. Dù ba lần anh về Việt Nam trước đó, tôi không xu phụ chạy theo anh. Ứng xử kiểu này cũng là cách “không tranh với thế gian” của tôi.
Mọi người giải tán. Tôi lầm lụi đạp xe về khu Cư xá mênh mông đường Nguyễn Chí Thanh nơi mỗi mình Jaya Phú Tuệ Tri 5 tuổi đang chờ cơm. Tôi thấy mình bị cô lập toàn phần, cả những người tôi yêu quý cũng không ủng hộ tôi. Giữa bát ngát Sài Gòn, tôi nghe cô đơn xiết bao. Lần đầu tiên trong đời, tôi mất ngủ.
Sáng mai hồng, tôi vươn vai, và hét lên một tiếng làm lạnh cả bầu trời: TÔI PHẢI CHIẾN ĐẤU!
Cuối cùng tôi đã vượt qua.