Quang Cẩn: Chữ Cham Akhar thrah của Ban Biên soạn sách chữ Chăm có trong Từ điển Aymonier – Cabaton, là di sản của tổ tiên

1/. Thực trạng chữ Cham Akhar Thrah có dấu:

Chữ Cham hiện nay được giảng dạy trong trường tiểu học tại các vùng Cham Ninh Thuận và Bình Thuận là Akhar Tharh(1) (AT) đã được chuẩn về âm vần và chính tả. Mục tiêu của chương trình này là: (1) Giúp học sinh học tốt chương trình phổ thông; (2) Giúp học sinh Cham đọc thông viết thạo tiếng Cham, bảo tồn và phát triển ngôn ngữ Cham. Thực tế không dễ dàng để đưa được chữ Cham AT vào chương trình tiểu học, cho đối tượng trẻ em bắt đầu cắp sách đến trường.

Mặc dù chương trình là tự chọn, nhưng tỷ lệ học sinh theo học luôn đạt 100%. Yếu tố quan trọng, để phụ huynh và học sinh Cham chấp nhận chương trình này, là do âm vần chữ Cham AT hiện nay đã được chuẩn hóa rất chặt chẽ, trong sáng và dễ tiếp thu. Không tạo sự quá tải, khi các em còn phải học nhiều thứ cần thiết khác cho sự thành công của mình.

Những giáo viên đã trải nghiệm sự thất bại trong việc giảng dạy chữ Cham từ năm 1964 đến 1975, trong nhà trường, nay cho phép họ dạy lại. Họ quyết làm cho tiếng Cham, chữ Cham trong sáng. Từ ngữ Cham phải được chuyển tải ý nghĩa chính xác, cả nói và viết, thì mới có sức sống. Nghĩa là phải được chuẩn hóa về chính tả (orthography). Bất kỳ một ngôn ngữ nào muốn sống còn và phát triển cũng đều phải trải qua thao tác này, phải tuân thủ quy luật ngôn ngữ học: “cặp tối thiểu- minimal pair”(2). Qua trên 40 cuộc hội thảo, trong mười năm, khắp các làng Chăm để tìm phương án tốt nhất cho việc truyền bá chữ Cham, cho học sinh tiểu học. Việc thể hiện triệt để nhất quán dấu để phân biệt ngắn dài được chấp nhận và đồng thuận cơ bản từ năm 1988, để chính thức biên soạn và in ấn giáo trình. Chúng ta có thể gọi chữ Cham AT “truyền thống” theo cách hiểu của nhiều người là chữ Cham AT không dấu, hàn lâm, thiêng liêng và chữ Cham AT “chỉnh lý” là chữ Cham AT có dấu, đại chúng, bình dân, mà vài nhà nghiên cứu gần đây, gán cho là AT “lai căng”, “cải biên”, hay “chế biến” của BBSSCC (xem Ngôn ngữ Cham: thực trạng & giải pháp, 2011). Tiếng Arab cũng có hai loại chữ truyền thống dùng trong Kinh thánh và chữ bình dân dùng cho đại chúng, trên đài phát thanh, truyền hình và trong nhà trường (xem Chữ và tiếng Arab).

 

2/. Thành tựu của Ban Biên soạn sách chữ Cham:

Qua gần 32 năm tồn tại (1978-2010), BBSSCC đã biên soạn và phát hành trên 100 đầu sách, tám vạn bản in tài liệu bằng tiếng Cham, đào tạo trên 800 giáo viên dạy tiếng Cham, trên bốn vạn học sinh đọc thông viết thạo chữ Cham. Chương trình tiếng Cham này đã đạt được mục tiêu đề ra là: (1) Hầu hết học sinh Cham đều học tốt chương trình phổ thông như các em học sinh bản ngữ; (2) 100% học sinh Cham tham gia chương trình và đọc thông viết thạo tiếng Cham khi xong lớp 5, góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Cham đang được sử dụng trong học sinh và cộng đồng, giảm sự vay mượn hay sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp giữa người Cham với nhau.

Nếu không có chương trình tiếng Cham trong trường tiểu học, số lượng học sinh bỏ học và ở lại lớp ở những lớp đầu cấp lẽ ra rất cao như những vùng dân tộc thiểu số khác không có chương trình tiếng mẹ đẻ (30-53,3% , theo UNICEF 2010). Như vậy suốt thời gian tồn tại của mình, BBSSCC đã giúp hàng ngàn học sinh Cham có được mức giáo dục tốt hơn. Nếu không có chương trình tiếng Cham, có thể một bộ phận lớn các em đã quên tiếng Cham, như vài con em Cham ở phố tại Việt Nam, các em Cham thế hệ thứ 3 ở Thái Lan, Mỹ… Ở Mỹ, thời gian ba mươi năm đủ để cho những người mới di trú chuyển đổi ngôn ngữ từ tiếng mẹ đẻ thiểu số sang tiếng Mỹ trọn vẹn, đủ để một ngôn ngữ biến mất. Về điểm này, thành tựu của BBSSCC là một thành công nổi bật so với những chương trình song ngữ khác trên thế giới nhằm bảo tồn tiếng thiểu số khỏi bị diệt vong.

 

3/. Hiện tượng đột xuất sau năm 2006:

Trước 2005, không một ai phản đối công việc của BBSSCC. Thậm chí cả những người phản đối gay gắt nhất, họ từng khen và cảm ơn BBSSCC đã giúp bảo tồn AT.

Cho đến năm 2006, có một số ý kiến phản đối việc BBSSCC thêm dấu để phân biệt ngắn dài khi chỉnh lý chữ Cham. Mâu thuẫn AT có dấu và không dấu đã cơ bản chấm dứt vào cuối năm 1988, gắn liền với tên tuổi các thầy “Lâm Nài, Bạch Thanh Chạy, Lâm Gia Tịnh, Quảng Đại Hồng, Châu Văn Đỉnh…” nay tái xuất hiện không phải từ những nhà truyền bá ngôn ngữ, nhà ngữ dụng học như trước đây (thầy dạy tiếng Chăm) tại các làng Cham, mà từ những nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ học lý thuyết thông qua các “Hội nghị quốc tế”. Họ cho rằng AT các cháu đang học hiện nay không phải là di sản ngôn ngữ Cham vì đã bị “cải biến”, và rằng phải chuyển đổi lại như chữ truyền thống (Sđd). Cao điểm của đợt phản đối này là văn thư yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam thay sách giáo khoa của BBSSCC sau Hội thảo tại Kuala Lumpur tháng 9, 2006 (nghị quyết KL 006).

 

4/. Baoh traong (trái cà) và maok (con mọt) trong từ điển Aymonier Cabaton đã vô hiệu nghị quyết KL 006:

Ngày 7-2-2007, thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là Đặng Huỳnh Mai phải đích thân đến Phan Rang, Ninh Thuận để chủ trì cuộc hội thảo giải quyết vấn đề sai sót nghiêm trọng nêu ra trong  văn thư của nghị quyết KL 006: “BBSSCC đã thay đổi cấu trúc chữ Cham Akhar Thrah của tổ tiên, không bao giờ có (1) paoh gak, (2) chraoh ao, không có dar sa, và (3) baluw tùy tiện” (Po Dharma, 2006, CD Kỉ yếu hội thảo lịch sử và Ngôn ngữ chữ viết Cham, 2007). Thứ trưởng phát cho từng người văn bản nghị quyết KL 006, (với chữ ký của các nhà nghiên cứu, ông Nguyễn Văn Tỷ, và ông Lộ Minh Trại) và chuẩn bị quyết định theo nghị quyết KL 006. Tuy nhiên, theo thẩm định của các nhà ngôn ngữ, thấy rằng: “Tất cả đều là ngụy biện, không đúng sự thật vì trong Từ điển Cham – Pháp do Aymonier và Cabaton (AC) viết năm 1906 có tất cả những “dấu”, “nét” mà BBSSCC đang sử dụng trong sách giáo khoa, vì ông Lộ Minh Trại và ông Nguyễn Văn Tỷ chỉ là người kế thừa, không là người trực tiếp chuẩn hóa chữ Cham nên không giải thích được cho HT Kuala Lumpur 2006 hiểu rõ là tất cả đều kế thừa từ AC. Hay họ biết nhưng họ không muốn hiểu”. Quả vậy, Thứ trưởng kiểm tra và sững sờ, những yếu tố “chế biến” chưa bao giờ có, lại rành rành trong khắp các trang từ điển AC. Chraoh aw không có dar sa trong từ trái cà “baoh  traong\t”, con mọt “maokM<K và… trong từ điển AC. Thế là, cùng với nguyện vọng của đông đảo đồng bào, Bộ Giáo dục và Đào tạo kết luận: “Tạm thời dùng lại sách cũ, nếu có sửa đổi gì thì cần phải nghiên cứu thêm, và theo đúng như trình tự chuẩn hóa” thay vì “thay sách” như dự tính.

 

5/. Chữ Cham Akhar Thrah truyền thống viết bất nhất như cách nói trong tục ngữ Chăm: Jal di gak pôch lak (Bí chữ gak thì đọc sang chữ lak):

Tưởng chuyện này đã khép lại như 20 năm trước. Có lẽ hiểu không đúng “nghiên cứu thêm” mà vài nhà tiếp tục “nghiên cứu lại” chuyện cũ: “BBSSCC chế biến và cản trở việc bảo tồn di sản ngôn ngữ Cham”. Bằng tọa đàm (2008), ra sách Ngôn ngữ Chăm thực trạng và giải pháp (2011). Với những lập luận cũ hệt như nghị quyết KL 006, cộng thêm lời đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm (can thiệp) để thay đổi chữ Cham như cách đây 200 năm. Ai cũng biết, nếu thay đổi như vậy thì cũng tương tự như nhà trường Việt Nam phải dạy chữ Việt không có dấu thanh điệu cách đây vài trăm năm, tất cả các môn học phải dùng thứ chữ không dấu. Viết “ma” nhưng phải đọc là “ma, , , , hay mạ”. Thông điệp mang nhiều nghĩa! Chắc chắn nhà trường phải đóng cửa!

Có lẽ nào các anh lại không biết “bí ak, đọc aak, ac, hay aac”, hay “bí âp, đọc ap, ơp, hay ơơp”, không khác gì kiểu jal di gak pôch lak “bí gak thì đọc sang lak”. Và hàng ngàn cái tương tự như vậy trong AT truyền thống mà có người dám nói là ngoại lệ, đặc thù của Cham (Sđd). Thế thì tại sao không giữ gak, lak viết giống nhau đi? Chúng ta đã đồng ý chuẩn gak, lak viết khác nhau, để phân biệt từ thời ông Lưu Quý Tân (1964-1975) (xem Tổ chuyên môn BBSSCC, 2000). Vậy thì tại sao ngắn dài lại không viết phân biệt? Gak, lak chỉ có hai biến thể, trong khi ngắn dài có 2, 3, thậm chí 4 biến thể, đã làm cho thông điệp viết của Cham có quá nhiều ẩn số. Có thể chỉ phù hợp với các văn bản chép tay, đọc nhiều lần, mới hiểu ý nghĩa ẩn chứa bên trong. Nhưng để giao tiếp và dạy trong nhà trường thì cần thông điệp phải chính xác, phải thể hiện ngắn dài, không thể jal di gak pôch lak: bí chữ G thì đọc sang chữ L, bí chữ L thì đọc sang chữ G.

Nghiên cứu của các anh dù hay, dù dở cũng sẽ có tác dụng nhất định. Nhưng cơ sở lý luận của các anh không đúng sự thật thì không còn ai tin các anh. Xin đơn cử một trong ba luận điểm. Các anh cho rằng craoh aw không có dar sa là do BBSSCC mới “cải biên”, không bao giờ có (Sử Văn Ngọc, 2011, tr. 124). Thử mở từ điển AC 1906 xem vài từ để thấy những gì BBSSCC “chế biến” đều đã được dùng cách đây hơn nhiều trăm năm:

Trang 68, từ kalaong kl” chraoh aw không dar sa nghĩa là “bệnh lan, phong hủi”; Trang 278, từ parabbaop prO<P chraoh aw không dar sa nghĩa là “cưỡi ngựa chạy nước kiệu”; trang 203, từ traong \t” chraoh aw không dar sa nghĩa là “(trái) cà”. Trang 392, từ maok _M<K chraoh aw không dar sa nghĩa là “con mọt” (Xem trong phụ lục). Và trên 50 mục từ tương tự.

 

6/. Chữ Cham Akhar Thrah của BBSSCC là chữ Cham trong từ điển Aymonier Cabaton 1906, là di sản của tổ tiên:

Vậy thì từ điển này (AC, 1906) cũng chế biến chữ Cham AT như BBSSCC ư? Từ điển AC đã thống kê tất cả các từ sử dụng trong hầu hết các văn bản chép tay và tư liệu hoàng gia Champa sử dụng trước đó tại Việt Nam và Campuchia, là chuẩn mực cho những ai muốn đọc hiểu văn bản chép tay, và giao tiếp tiếng Cham. Là di sản của tổ tiên.

Cái gọi là “chế biến” không bao giờ có, đó là “(1) paoh gak, (2) chraoh aw không dar sa, (3) baluw để phân biệt ngắn dài”. Thực ra, chúng đã xuất hiện rất nhiều trong các bản viết tay có nguồn gốc từ cụ Bố Thuận, và các học trò, như ông Thiên Sanh Cảnh, ông Quảng Tấn… Tất cả đều có trong từ điển AC 1906 (Quang Can, 2007), nghĩa là có trong tư liệu hoàng gia Pangdurangga. Như vậy là AT các cháu đang học chính là AT trong từ điển AC 1906, là di sản của tổ tiên để lại.

 

7/. Lời kết:

Chữ Cham hiện nay đang sử dụng trong nhà trường là AT (có dấu) và trong giới chức sắc và văn bản chép tay là AT (lúc có, lúc không dấu), hoàn toàn không đối lập nhau, đều là AT truyền thống. Cũng tương tự như chữ Quốc ngữ đang được sử dụng là có dấu thì rõ ràng chân phương hơn. Hoàn toàn không có ký hiệu mới trong AT có dấu. Việc dùng AT có dấu triệt để, làm cho chính tả được nhất quán. Giúp cho thông điệp Cham chuyển tải được trong sáng, rõ ràng. Đó là yếu tố rất cần thiết khi muốn áp dụng vào trường học thành công. Dạy cho trẻ em và người mới học theo hình thức chữ Cham có dấu thì dễ dàng hơn cho người học, nhưng khi thành thạo rồi thì họ có thể sử dụng có dấu, hay không dấu tùy thích. Hai cách viết này hoàn toàn hỗ trợ và bổ sung cho nhau, có lợi cho việc bảo tồn và phát triển AT. Tuy nhiên, để đọc được những văn bản cổ viết tay (AT hàn lâm) thì vừa cần thành thạo chữ Cham không dấu vừa cần biết ngữ nghĩa của thời đó thông qua từ điển AC 1906 và Moussay G. (GM 1971). Tất cả các yếu tố dấu dùng trong AT chỉnh lý của BBSSCC đều đã được sử dụng trong các từ điển, nhất là từ điển AC xuất bản cách đây non một trăm năm. AT có dấu chỉ làm một công việc là triệt để hóa những yếu tố dấu này cho nhất quán và chân phương, làm tăng thêm sự trong sáng, sức sống và sức phổ cập cho AT. Một thực tiễn hiển nhiên là hơn ba mươi năm qua, nhiều vạn người đọc thông và viết thạo AT và sử dụng được trong giao tiếp, và sáng tác. Xin hãy để con em chúng ta học tập bình yên, nhằm giữ lại cho muôn đời tiếng Cham – DI SẢN CỦA TỔ TIÊN.

Ngak abih ka xap Cham diup rai.

Honolulu, harei sa, bilan Salipan, thun 2011.

 

 

Thư mục tham khảo

Aymonier E. & Cabaton A. (1906). Dictionnaire Cam – Français, L’École Française D’Extrême-Orient, Volume VII. Sao chép từ điển tại link này Dictionnaire Cam-Français hay http://books.google.com/books?id=SSAoAAAAYAAJ&printsec=frontcover&source=gbs_ge_summary_r&cad=0#v=onepage&q&f=false

Quang Can (2007). Khái quát về chỉnh lý Chữ Cham Akhar Thrah. Tập san ngoại ngữ – tin học và giáo dục. số 9-2007, tr. 126-138. Trong trang web http://sapcham.blogspot.com, http://my.opera.com/vanikan/blog/akhar-thrah-cuoc-chien-hon-30-nam-ko-ket-qua-p3

CD Kỉ yếu hội thảo lịch sử ngôn ngữ và chữ viết Cham. (9/2006). École Française d’Extrême Orient (EFEO) và Center for Documentation and Area Transcultural Studies (Tokyo University of Foreign Studies, Kuala Lumpur) xuất bản, 2007.

Chữ và tiếng Arab. Arabic, trong http://www.omniglot.com/writing/arabic.htm

Moussay G., Nại Thành Bô, Thiên Sanh Cảnh, Lưu Ngọc Hiến, Đàng Năng Phương, Lưu Quang Sang, Lâm Gia Tịnh, & Trượng Văn Tốn. (1971). Từ Điển Chàm – Việt – Pháp, Phan Rang.

Po Dharma, (2006). Vấn đề ngôn ngữ và chữ viết Chăm sau năm 1975. Trình bày tại Hội thảo về «Lịch sử Ngôn ngữ và Chữ viết Chăm» tháng 9-2006 Kuala Lumpur, Harak Champaka 12.

Sử Văn Ngọc. (2011). Sự cải biên ngôn ngữ của BBSSCC tác động đến việc bảo tồn văn hóa Cham truyền thống ở Ninh Thuận – Bình Thuận. Ngôn ngữ Cham, thực trạng & giải pháp (tr. 122-125). http://petruspaulusthong.wordpress.com/

Ngôn ngữ Cham, thực trạng & giải pháp. 13 nhà nghiên cứu. NXB Phụ nữ, 2011. Trình bày trong Tọa đàm về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh, 11-2008.

Tổ chuyên môn BBSSCC. (2000). Sự cải tiến về cách viết chữ Chăm của Ban Biên soạn sách chữ Chăm. Sổ tay chỉ đạo chuyên môn tiếng Chăm.

Unicef. (2010). Survey assessment of Vietnamese youth. Education, from http://www.unicef.org/vietnam/PART-II-Chapter-2.pdf

 

_______

 

(1) Phiên âm trong bài theo hệ thống của BBSSCC có bổ sung, âm dài bằng cách gấp đôi nguyên âm đó để dễ nhận dạng. Riêng chraoh aw và phần trích từ AC 1906, dùng như trong từ điển.

(2) Cặp từ có nghĩa khác nhau có ít nhất một yếu tố âm vị khác nhau. Ví dụ: tiếng Việt ma và mã (nghĩa khác nhau, và có âm vị siêu đoạn tính, dấu thanh “dấu ngã” khác nhau. Tiếng anh desert (sa mạc) và desert (món tráng miệng), (nghĩa khác nhau do khác vị trí của dấu nhấn: yếu tố âm vị siêu đoạn tính). Tiếng Cham jak (bước lên) và jaak (rủ, giạ) nghĩa khác nhau và âm chính được đọc khác nhau cần có dấu hiệu phân biệt.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *