‘JIƠNG’ có nhiều nghĩa, như “thành, nên, được, ra…”
‘Jiơng’ có hình vị láy là ‘jiak’ để thành từ mới: ‘jiak jiơng’. Ví dụ ‘Ngak bbang jiak jiơng’: “Ăn nên làm ra”.
Kết hợp với tiền tố PA ta có ‘Pajiơng’ = “làm cho thành, sinh ra”. Ví dụ ‘Pajiơng anưk pajiơng taco’: “Sinh con đẻ cháu”.
‘Pajiơng’ thêm hình vị láy thành ‘Pajiak pajiơng’: “phù hộ”. Ví dụ: ‘Likau Pô pajiak pajiơng anưk taco’: “Xin Ngài phù hộ con cháu”.
Sơ sơ như vậy đủ biết mỗi một [1] từ gốc ‘JIƠNG’ thôi mà đẻ ra khối từ. Thâm nhập, hiều và tinh nghĩa là vậy.
Hôm qua anh Ysa Cosem có đề cập đến tiếng Cham của từ “nghề”, “nghề nghiệp”, tôi có giải thích qua, đăng lại đây.
‘DOOK’: “ngồi” kết hợp với trung tố N thành ‘danook’: “chỗ ngồi, đền (nơi thần ở), vị trí, vị thế” tùy ngữ cảnh mà hiểu.
‘DANƯNG’ xét theo hai hướng:
[1] có thể là hình vị láy của ‘Danook’ thành ‘Danook danưng’
[2] cũng có thể là từ độc lập xuất phát từ chữ ‘Dang’ [có nơi phát âm ‘Dưng’] = “đứng”. ‘Dưng’ + N = ‘Danưng’.
Trước đây trong sinh hoạt xã hội mỗi người một NGHỀ, từ đó thành NGHIỆP chứ ít khi thay đổi như thời hiện đại, thế nên người ta đồng hóa VỊ TRÍ với nghề nghiệp được hiểu theo nghĩa rộng của từ này.
Còn ‘RABBO’ là chữ Cham Cambodia vay mượn tiếng Khmer, Ban Biên soạn sách chữ Chăm dùng lại [rất đúng] để chỉ nghề riêng theo nghĩa hiện đại.
Cũng cần biết thêm. ‘DANOOK’ mang hàm nghĩa rất rộng. một ví dụ nhỏ, trong sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng Cham, nếu một vị tu sĩ mà thiếu hay mất ‘danook’ thì hổng chân, mất thế đứng ngay. Ông không thể lên chức hay có vị thế trong hàng giáo phẩm ‘Ahiêr Awal’. ‘DANOOK’: vợ, là người giữ vị thế cho ông!
Chuyện vui.
Ở tút “Tại sao tôi giói tiếng Cham đến thế?”, tôi có nhắc qua chuyện dây thần kinh ngôn ngữ. Muốn giỏi một ngôn ngữ, cần 3 yếu tố: Ngôn ngữ hàn lâm [sách vở, Từ điển], ngôn ngữ bình dân [tiếng nói dân gian, ca dao, tục ngữ – ở đây bạn phải sống giữa cộng đồng mới có được] và dây thần kinh ngôn ngữ. Thiếu một trong ba, bạn mất đi một chân kiềng.
Nhạy cảm ngôn ngữ là trời cho, không thể rán mà được. Như Út tôi đọc một bài thơ một trang cả buổi không thuộc, tôi thì khác. Vài ví dụ:
Trường ca Ariya Glang Anak 116 câu ariya Cham cấu trúc khó, ông ngoại đọc hai lần tôi thuộc ngay, khi tôi còn chưa biết chữ.
Tập thơ Mưa nguồn của Bùi Giáng, đọc qua hai lần tôi thuộc không sót một từ. Trường ca Động hoa vàng của Phạm Thiên Thư, năm 1977 không tiền mua, tôi đứng ở đường Ký Con đọc và thuộc lòng luôn.
Về Trường ca Đồng Lộc của Nguyễn Trọng Tạo, ở một buổi lai rai, anh hãnh diện khoe thơ anh hay cỡ nào tầm Sara mới thuộc chớ! Có vậy đâu, “giải phóng” không có sách đọc, tôi vớ được nó đọc qua là thuộc.
Từ điển Aymonier tôi chép hai lần và… thuộc. Từ điển Moussay cũng vậy. Thế nên vào cộng đồng, ai bật ra một từ lạ là tôi biết ngay nó không có mặt trong hai cuốn Từ điển thuộc hàng kinh điển kia!