Tiếng Chăm của bạn 05: Nưgar nghĩa là gì?


* Với bạn văn Nguyễn Viện, Thận Nhiên, Lynh Bacardi – Katê 2007 tại Caklaing. Trong cùng là Sam, người Mỹ gốc Ấn đang cùng Inrasara soạn Từ vựng đối chiếu Sanskrit – Cam – English.

Vừa qua có bạn trẻ nghe Đài, đã hỏi tôi về nghĩa của từ này. Bạn nói:
– “Nưgar” trong tiếng Chăm chỉ có nghĩa là “đất nước, quốc gia” thôi sao? Em thấy Đài tiếng nói Việt Nam, Ban tiếng Chăm đã giải thích như thế, trong khi theo chỗ em biết, “nưgar” còn nó nhiều nghĩa khác nữa… Anh có thể cho em biết ý kiến.
– Dĩ nhiên, khi có hồ nghi về ngữ nghĩa của một từ nào đó, thao tác đầu tiên là lật từ điển, phải không? Này nhé:

1. Nghĩa trong từ điển
– Từ điển Cam – Français của E. Aymonier – A. Cabaton in sớm nhất: năm 1906, tr. 243, có 5 nghĩa: Nưgar: (skt. nagara) ville (thành phố), capitale (thủ đô), contrée (vùng, miền), pays (xứ, đất nước, quốc gia), État (Nhà nước).
[Lưu ý: nưgar có nguồn gốc từ tiếng Sanskrit (Từ điển A. viết tắt là Skt) là nagara. Mượn tiếng Sanskrit, đa phần tiếng Chăm rụng bớt âm tiết cuối (A), biến âm A thành âm Ư:
NAGARA được viết thành NƯGAR là vậy]

Từ điển Chàm – Việt – Pháp do G. Moussay chủ biên, in năm 1971, tr. 234, nưgar có 3 nghĩa: nước, xứ (pays); tỉnh (province).

Từ điển Chăm – Việt do Bùi Khánh Thế chủ biên in năm 1995, tr. 367, ghi nhận nưgar có các nghĩa: 1. xứ, nước, quê hương; 2. tỉnh, vùng, khu vực.

Như vậy cả 3 cuốn Từ điển đã xuất bản, ngoài nghĩa “đất nước, quốc gia” ra, từ nưgar còn có 5, 6 nghĩa chính yếu khác. Lưu ý là cả ba cuốn Từ điển kia đều có công sức đóng góp của các trí thức Chăm hàng đầu thời kì đó.
Dẫu sao Từ điển dù được biên soạn kĩ càng đến mấy cũng đâu phải chính xác hết, phải không? Thao tác kế tiếp là xem dân gian nói:

2. Dân gian Chăm nói
Nau tơl nưgar Parik: Đi tới xứ Phan Rí
Pak nưgar Cru jang hu rei: Ở miền đất (vùng) đồng bào người Churu cũng có mà.

Nhưng biết đâu câu nói thường ngày cũng có thể được hiểu lệch đi, bởi quần chúng là tập thể cá nhân nhiều trình độ khác nhau, việc dùng và hiểu sai từ là chuyện bình thường. Bước thứ ba để xác mình là lục tìm trong văn bản.

3. Trong văn bản cổ Chăm
Ví dụ Ariya Ppo Parơng, hơn 60 lần từ nưgar được dùng, chỉ một lần duy nhất mang nghĩa “đất nước” còn thì hầu hết đều mang nghĩa vùng, miền, xứ, tỉnh, thành phố (nghĩa là tần số xuất hiện nghĩa này vượt trội). Vài ví dụ:

Câu 25.
Nau tơl Phuk En …
Nưgar nan ralo pađiak takik hajan
Yuw pak nưgar Panrang hu halim hu twa
Đi tới Phú Yên,…
Vùng đó nhiều nắng, ít mưa
Như ở miền đất Phanrang có mưa có hạn.

Câu 31.
Ka nưgar Bbin Đin Ywơn ralo praung anaih
Về vùng, miền [tỉnh] Bình Định người Kinh nhiều [cả] lớn lẫn bé

Câu 108.
Halei dahlak o ka nau bboh tơl
Libik Harơk Kah nan camauh nưgar Hanwai
Chúng tôi chưa đi tới
Nơi Harơk Kah ở vùng [thành phố] Hà Nội.

Và rất nhiều nữa: nưgar Khan Hwa: tỉnh Khánh Hòa; nưgar Panrang: vùng Phan Rang; nưgar lingiw: xứ đàng Ngoài…

Ariya Ppo Parơng được viết gần 150 năm trước, Hà Nội lúc đó không là thủ đô; nó càng không thể là một “đất nước, quốc gia”, cũng như Phan Rang, Phú Yên, Bình Định… không là “đất nước, quốc gia”!!!

Như vậy, từ 3 nguồn trên, ngữ nghĩa của từ NƯGAR đã rất rõ ràng!

One thought on “Tiếng Chăm của bạn 05: Nưgar nghĩa là gì?

  1. cho mình hỏi La Qua tiếng Chăm nghĩa là gì? Câu Nhí tiếng Chăm nghĩa là gì? Xin cảm ơn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *