Câu chuyện Cham-80. TẠI SAO CHAM CHƯA CÓ NHÀ LÀM PHIM?

Tôi mê và ý đồ làm nhiều thứ, có cả họa và nhạc. Khi vào Đại học soạn Từ điển ở tuổi 35, tôi tính làm điện ảnh chứ không phải văn học. Văn học, dù có trong tay mớ bản thảo, tôi dự định chỉ trình làng sau tuổi 50. Với một thi phẩm dày dặn, tiểu thuyết sử thi Con đường Vô tận 9 tập và bộ Văn học Cham 3 tập. Ba đồ sộ này cũng đủ giật… Nobel về cho Việt Nam.

Người tính Trời định. Bỏ qua vài kịch bản ngắn, đây là 3 phim thiệt, rồi cả ba đều dang dở.

[1] Chào hàng phim truyện 90 phút Tình buồn Jaman [kịch bản Inrasara] khi ấy tôi còn vô danh, gõ cửa đâu cũng bị lắc, có nơi còn tính chôm luôn của tôi nữa.

[2] Nàng Mơ-nai chung thủy. Tác giả kịch bản văn học & kịch bản phim: Hà Sơn, cố vấn văn hóa và chọn nhân vật: Inrasara. Phim truyền hình 25 tập x 70 phút ở đó Inrasara là nhân vật nền cho lịch sử cận và hiện đại Cham. Anh Hà Sơn từ Hà Nội vào hai lần, quyết tâm hết biết, để cuối cùng kịch bản không chịu bước khỏi hộc bàn.

[3] Hồn hoang [hay Đi tìm bản Trường ca bỏ hoang], phim truyện 90 phút; kịch bản: nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc & đạo diễn Song Chi; cố vấn văn hoá Cham: nhà thơ Inrasara.

Tôi dẫn hai nhà về Phan Rang nghiên cứu. Báo Tuổi trẻ, Thanh niên đưa tin xôm tụ nhưng rồi sự kiện Biển Đông xảy tới choán hết tâm trí ba kẻ mơ mộng. Hai nàng dzọt ra hải ngoại sống, tôi thì ở lại với nỗi mơ dang dở.

Thế là đành lao thẳng vào cõi văn chương.

Facebooker Nguyễn Chế Đôn còm, tóm ý: “Giấc mơ làm phim, nhạc, họa biến thành mây khói. – hên quá. Nếu không, thì Inrasara đã khác. Văn học, tôn giáo Cham mới là ưu tiên hàng đầu.”

Còm đúng nhưng lệch pha xíu. Tôi viết nguyên văn: “Tôi mê và ý đồ làm nhiều thứ, có cả họa và nhạc.” Thực tế, phim truyện mới là “giấc mơ”. Tôi mơ, có ý đồ và có kịch bản thật.

Năm 1992, vào Sài Gòn, tôi dẫn theo Jaya lúc đó mới 4 tuổi được Trường bố trí ngụ Cư xá dành cho sinh viện nước ngoài xây kiểu Tây ở đường Nguyễn Chí Thanh. Mùa hè, vắng, không gian mênh mông riêng mỗi cha con ở.

Cơm chiều xong, tôi hay dẫn Jaya ra phố ăn kem, rồi tạt qua Nhà Văn hóa Quận 5 xem phim. Lắm lúc cha con lọt thỏm giữa cái rạp rộng rinh. Rồi khi thuê nhà ở quận Tân Bình [sau này đổi thành Tân Phú], mỗi ngày đạp xe qua Đại học làm việc, trưa tôi tìm rạp chiếu phim quanh đó chui vào, đánh giấc trưa mươi phút rồi xem phim.

Cứ thế suốt 6-7 năm. Gần như tôi xem không chừa bất kì phim chiếu rạp. Vệ sĩ, Sự im lặng của bầy cừu, Xích lô… Xem, phân tích và lên kế hoạch cho dự án đầy mơ mộng của mình.

Sau này dấn vào nghiên cứu và làm văn học, giấc mơ phim mãi ám ảnh. Các bài trên website Chamyouth từ 2004, Inrasara.com từ năm 2007, hay sau này trên facebook tôi mấy bận lặp lại giấc mơ kia: Tại sao mãi đến hôm nay Cham vẫn chưa nẩy ra nhà làm phim?

Sani ở tận Úc không biết nghe đồn đâu rằng Sara sắp đạo diễn phim, giữa trưa mưa Sài Gòn, phone hẹn gặp tôi cà-phê:

– Sara phải dành cho Sani một vai quan trọng nhé. Sani đẹp chuẩn thế này mà không tranh thủ đóng phim có mà uổng đời!

Tôi hứa bừa. Giấc mơ cứ muốn thành hiện thực, rồi nửa chừng đứt gánh.

Để cho thế giới biết đến Cham rộng rãi, bước chân văn chương dù chắc nhưng chậm, âm nhạc thì không đầy đủ, phim ảnh mới ảnh hưởng mạnh và nhanh nhất, nếu nó hay.

Ta thấy đó, đến hôm nay, vẫn chưa có phim ra hồn về Cham. Xương rồng đen với Việt Trinh mới chạm sơ sơ phần da đời sống Cham thôi mà biết bao xuýt xoa! Gặp tay Inrasara hử? Từ chết đến bị thương…

Dài dòng thế – bắt chước lối nói của cụ Khổng Tử: “Hưng ư thi, lập ư lễ, thành ư nhạc”, để kết rằng, với Cham, hưng phải là phim ảnh, lập là tôn giáo, thành chính là văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *