Inrasara: Tại sao tôi chưa lên tiếng về phim Tiếng trống Paranưng?

Phim Tiếng trống Paranưng chưa chiếu mà đã làm rềnh rang. Cũng là một cách PR cho sản phẩm mới. Cả tuần qua, nó khiến cộng đồng mạng Cham ồn ào. Cá nhân tôi cũng bị đặt câu hỏi: “Phim bôi nhọ văn hóa Cham, tại sao nhà thơ lại im re thế? Trả lời cho câu hỏi này, tôi xin kể 2 câu chuyện tương cận.

 

A. Dự án nhà máy ĐHN Ninh Thuận là dự án tầm Quốc gia. Với tư cách trí thức địa phương, tôi phản đối nó.

1. Tôi viết tiểu thuyết về Điện hạt nhân: Tcherfunith xong tháng 4-2012.

Đó là quyền cá nhân tôi, với tư cách nhà văn.

 

2. Nhà báo đã giới thiệu tác phẩm chưa in đó:

Báo Thể thao & Văn hóa, 4-6-2012: “Inrasara vừa hoàn thành tiểu thuyết ‘hạt nhân’”: “Với cái tên rất khó nhớ, tiểu thuyết Tcherfunith của Inrasara là một chữ viết tắt kết từ Tchernobyl + Fukushima + Ninh Thuận. Là nhà nghiên cứu, nhà thơ bỏ nhiều tâm huyết với văn hóa – văn minh Chăm, tiểu thuyết này được khởi viết từ khi dự án nhà máy điện hạt nhân rục rịch ở tỉnh Ninh Thuận”.

Trên Sài Gòn Tiếp thị, 11-6-2012, Hiền Hòa phỏng vấn tôi về nó: “Nhà thơ Inrasara bị điện hạt nhân làm ‘chấn động’” với lời giới thiệu: “Sau khi thông tin về tiểu thuyết “hạt nhân” vừa hoàn thành có tên Tcherfunith của Inrasara được công bố thì trên mạng đã có rất nhiều đường dẫn với nhiều bàn luận khác nhau. Để độc giả rõ hơn về tác phẩm được thai nghén một cách “gai góc” này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà thơ – nhà nghiên cứu Inrasara”.

Nhớ là, cả hai đều là báo chính thống của Nhà nước.

Đó là quyền đưa tin về tác phẩm chưa in của nhà báo.

 

3. Nhưng rồi, non 2 năm qua, nhà xuất bản của [chính] Nhà nước KHÔNG cho tiểu thuyết Tcherfunith chào đời. Ban biên tập nhà xuất bản và Cục Xuất bản sau khi đọc bản thảo, không cấp giấy phép cho nó.

Đó là quyền và “trách nhiệm” của cơ quan xuất bản.

 

B. Tương tự, về phim Tiếng trống Paranưng.

1. Những người làm phim Tiếng trống Paranưng với mục đích tốt là: “mang đến cho khán giả những thước phim về văn hóa dân tộc Chăm với không gian làng quê bình yên, giản dị… đặc trưng in đậm vào lòng người về bản sắc văn hóa dân tộc, và cả tiếng trống Paranưng là một câu chuyện huyền thoại kiêu hùng. Tất cả đã kiến tạo nên kho tàng nghệ thuật vô giá của vương triều Champa kiêu hãnh tồn tại qua thời gian.”

Đó là chuyện nói. Còn nếu họ có làm dở, làm tệ đi chăng nữa…

Đó là quyền sáng tạo riêng của người làm phim.

 

2. Nhà báo viết bài trên Congly.com, 27-8-2013: “Hùng Cửu Long lần đầu đóng “cảnh nóng”, tham dự Liên hoan Phim”. Hoặc ở Trithuctructuyen.vn, 30-8-2013: “Ông Tưng bị cô dâu bỏ rơi trong phim mới”.

Đó là quyền PR phim chưa công chiếu của nhà báo.

 

3. Cơ quan kiểm duyệt phim của Nhà nước được cho là tập hợp những người am hiểu văn hóa dân tộc, hiểu biết sâu về chuyên môn, nắm vững chính sách văn hóa của Nhà nước. Nếu phim có cảnh quá nóng, có nhiều kiến thức sai về văn hóa dân tộc Cham, chứa nội dung phản cảm… mà cơ quan kiểm duyệt của Nhà nước cho phép phim được công chiếu rộng rãi, hay Liên hoan phim trao giải thưởng cho nó, thì mới thành vấn đề. Nhưng đó là điều chưa diễn ra: phim Tiếng trống Paranưng chưa được duyệt, nó còn chưa chiếu ở Liên hoan phim.

 

Kết luận.

Trước khi đưa bản thảo tiểu thuyết Tcherfunith ra công chúng, tác giả và và nhà xuất bản có thể thương thảo cắt bỏ đoạn nào đó bị cho là nhạy cảm. Nếu một bên không chịu, thì thôi. Tác phẩm nghệ thuật kia chịu phận sống đời hộc bàn [như nó đang chịu]. Còn nếu khi tác phẩm chưa ra đời mà nhà báo nào đó nhanh tay viết về nó, trích các đoạn nhạy cảm đăng báo, hỏi các vị liên quan đến Dự án kia có dám xúm vào rủa Inrasara không? Dứt khoát là không rồi, bởi tiểu thuyết tôi còn chưa xuất bản cơ mà!

Với Tiếng trống Paranưng cũng vậy. Giả dụ phim có nhiều cảnh nóng, sai, tệ… mà đạo diễn không chịu cắt bỏ, thì nó sẽ bị cho nhập kho. Thế là hết chuyện! Cho nên, ta không cần la làng đâu. Các bạn tin tôi đi, gì chớ, cơ quan kiểm duyệt của Nhà nước Việt Nam nhạy cảm với vấn đề liên quan tới dân tộc mươi lần hơn tôi và các bạn cộng lại.

Cũng phải học biết đặt ngược vấn đề: Nếu phim làm hay, đẹp mà chỉ có vài hạt sạn; và rồi khi mấy hạt sạn này được biên tập cắt bỏ, sau đó phim được trình làng, đó không là điều tốt cho cộng đồng Cham hay sao? Khi đó làm sao ta có thể rút lại lời lẽ đã vội vã ném ra trước đó?

Hãy nhìn xa hơn một xíu. Bởi điều đáng nói là, nếu ta nặng lời không phải lúc – và trong khi cộng đồng Cham chưa có khả năng làm phim nhựa về mình – hỏi có nghệ sĩ [quốc ngoại hay quốc nội] nào còn hứng thú làm phim về Cham nữa không?…

 

Sài Gòn, 9-9-2013.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *