Câu chuyện Cham-68. ĐẤU TRANH, THẾ NÀO CHO HIỆU QUẢ?-2

[Các vụ liên quan đến Bà-ni. Tất cả đều có “ghi chép” & hồ sơ, ở đây chỉ tóm lược để làm bài học]

Về hai sinh linh Pabblap Birau mất tích, hay vụ Trường PTCS Mai Thúc Loan đã kể, miễn nhắc lại. Sau đây là vài bài học cần ôn tập.

[1] Vụ KMV-2006 ở Cwah Patih chết oan.

Tôi và thầy Nguyễn Văn Tỷ lên tiếng. Sau 4 bài liên tục đăng Chamyouth.com cùng vô số trả lời phản hồi bạn đọc, không khí quê nhà căng như muốn vỡ tung. Trung ương mời năm anh em trí thức Cham Sài Gòn cùng vài vị nữa từ Phan Rang vào TPHCM gặp mặt.

Tiếc là ở đó ta lạc đề quá nhiều [trên cũng muốn thế], riêng tôi được cho ý kiến sau cùng [“nhà thơ Inrasara có nhiều điều để nói”]. Tôi có một câu hỏi: “Tại sao cánh an ninh đủ thời gian bố trí máy quay, còn việc ngăn bà con xông vào làng Hòa Thủy thì không?”; và một đề nghị: “Bà con Cham hành động dại dột, nên xử lí nhẹ tay”.

Bài học: Đấu tranh, cần hiểu biết.

[2] Tranh chấp đất rẫy Văn Lâm-2021, ĐCT kêu: Chú cháu mình chiến! Tôi hỏi, chả thấy hồ sơ đâu, đơn thư có chữ kí của nhân sĩ palei cũng không, rồi chả thấy đâu “chủ đất” qua cung cấp tư liệu, đấu sao mà đấu?

Chớ vụ tranh chấp đất đai Văn Lâm-2008, tôi vào cuộc, khi có yêu cầu và đủ bằng chứng. Qua loạt sự cố, sự kiện: Sinh linh Văn Lâm trong đó có ông nhạc bạn thân tôi là BMX vác đơn ra Hà Nội nằm, rồi vụ dân Ram chặn đoàn xe Thủ tướng, kế đó CPK kêu to, cuối cùng là tới phiên tôi.

Tôi đề nghị: Cần có cuộc gặp 4 bên: Chính quyền địa phương, đại diện Cham và Trung ương [nếu có Inrasara nghe ké càng tốt]. Sau hai bài đăng web Inrasara.com và sau vài trao đổi, đòi hỏi của bà con được đáp ứng.

Bài học: Tranh thủ Chính quyền Trung ương.

[3] Vụ giấy CMND-2017, Tôn giáo Bà-ni chuyển thành “Đạo Hồi”.

Bà con biết từ hai năm trước khi trên xuống palei làm thống kê, ta la làng, rồi ngưng ở đó. Không gì hơn, không gì khác. Lai rai Ramưwan nhà bạn học cũ Chàm kiều Đào Tấn Triển, bạn kêu:

– Lạ quá anh Trạm, cháu em Bà-ni CMND lại Đạo Hồi, sao Trump cho vào Mỹ? – Bạn chìa thẻ CMND ra.

– Đích xác Bà-ni à? – Dạ.

Vài ông nữa ở bữa tiệc kêu: Cháu tôi cũng thế!

– Sao các anh lại im? – Không ai trả lời tôi.

– Thôi cứ vui vẻ đi, xíu nữa ta cùng vào Sang Mưgik gặp các vị xem sao…

Ngay tối hôm đó sau khi xin ý kiến quý Acar, tôi thảo ngay cái đơn cho TĐNS in ra đưa các Pô kí gửi đi ngay sáng hôm sau, và lên facebook mỗi ngày 2-3 tút. Để sau 8 ngày chiến, trên quyết “Tôn giáo: Bà-ni”.

Bài học: Tuyệt không trì hoãn.

[4] Tháng 7-2013, sau chuyến đi thăm các Ghur Bini ở Ninh-Bình Thuận, Nguyễn Vĩnh Nguyên viết bài dài trên Sài Gòn Tiếp thị. Phần tôi, với sự hỗ trợ của Kiều Maily – sau vài bài đăng báo Trung ương, tôi trả lời phỏng vấn BBC, RFA, rồi mở cuộc thảo luận trên web inrasara.com.

Hội thảo “Báo chí & Vấn đề chủ quyền biển đảo” tại hội trường KS Phong Lan – Ninh Thuận do báo Dân tộc & Phát triển tổ chức, ở tham luận đầu tiên, và ngay câu đầu tiên, tôi nói:

“Ghur Bini là chứng tích văn hóa biển Việt Nam, nêu vấn đề Ghur không gì hơn là giúp Đảng giải quyết vụ việc. Tại sao gọi là giúp Đảng, dù tôi không là đảng viên? Bởi, không chính quyền nào cho phép dân tham [là vài gia đình Việt] xâm hại đất tập thể [là ‘Ghur’ Cham Bà-ni] cả. Không ngăn trước, sẽ có sự cố. Sự cố dẫn đến thiệt hại: Mất đoàn kết cộng đồng cư dân và dân tộc, giải quyết sự cố sẽ mất nhiều tiền hơn, thậm chí xung đột dẫn đến mất mạng. Nhà văn thấy trước, lo trước và cảnh báo trước”.

Tôi lên tiếng, bà con Bà-ni và trí thức Cham trong lẫn ngoài nước đồng tình, để rồi chính quyền quyết theo chiều hướng tích cực nhất.

Bài học: Tranh thủ nhiều nguồn dư luận.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *