Câu chuyện Cham-44. CHƯA SỐNG GIỮA LÒNG CHAM BẠN CHỚ MONG “HIỂU” CHAM

Hiểu – nhưng chỉ có thể hiểu cục bộ, manh mún ở bề ngoài, bề nổi mà không thể nhìn toàn cục, nhất là nhìn và thấy ở bề sâu, mặt sau tâm hồn con người Cham và tinh thần văn hóa Cham.

Thông thạo mọi văn bản cổ Cham đủ loại, nghiền ngẫm hầu hết công trình về Cham, của Pháp của Việt, của… bạn đã hiểu Cham chưa – chưa hẳn.

Hiểu Cham, bạn cần sống giữa lòng Cham.

Mọi vùng miền: Panrang, Krong, Parik, Pajai…; mọi thế hệ, từ thế hệ sống sót sang thế hệ bảo tồn đến thế hệ sáng tạo; mọi thành phần từ trí thức, công chức đến nông dân, công nhân, từ chức sắc tôn giáo đến bộ phận sinh linh Cham đang dưới đáy xã hội.

Sống giữa, ghi chép, suy tư và đặt câu hỏi: Tại sao thế này mà không thế kia? Lật ngược lại những gì mình tưởng đã hiểu…

Trở lại chuyện đang bàn: “Chức sắc tôn giáo Cham không hiểu kinh”.

Ngoài quan niệm về HIỂU: Các vị không MUỐN hiểu, không hiểu chữ HIỂU như chúng ta hiểu từ này ở hôm nay, còn khúc mắc khác nào nữa không?

Quan niệm về HỌC.

Tôi đã bàn khía cạnh này từ khá lâu, sau đó tổng hợp và in trong Minh triết Cham-2016: “Thế nào là học?” qua phân tích truyện cố Cham: ‘Nao mưgru pablei hadiiup’: “Đi tìm học bán vợ”.

Học, không phải thuần thu thập kiến thức, mà YÊU. Tìm học, “dưới chơn thầy” như một môn sinh Bà-la-môn, hay như Thiện tri thức [dụng ngữ của Kinh Hoa Nghiêm], dám hi sinh tất cả, để học.

Quan niệm về CHỮ ‘AKHAR’.

Người Cham đồng hóa ‘Akhar’ với tri thức, rộng và sâu. ‘Akhar’ tổng hợp toàn bộ tri thức ông bà để lại. Muốn sở đắc ‘Akhar’ chữ, bạn phải “sống với chữ” – như tên một tác phẩm của Nguyễn Hưng Quốc. Và hiểu huyền nghĩa văn bản ẩn đằng SAU MẶT CHỮ.

Lắm khi giữa rừng CHỮ, chỉ cần một câu hay một từ cũng có thể khai vỡ tư tưởng bạn, cứu chuộc linh hồn bạn. Thơ Inrasara “Ẩn ngữ Pauh Catwai”:   

“Giữa thế giới giàu sang vô độ này, cả nền thơ không thể cứu chuộc chúng ta

trong thế giới nghèo túng cùng cực này, một câu thơ cũng có thể cứu vớt chúng ta”.

Không ngoa đâu!

Ở ngày trọng đại của Đám thiêu Cham ‘Ahiêr’, Ban Hát xướng hát ngày đêm vô số câu từ “vô nghĩa”, ở đó riêng một [1] câu “Bhummi ô papleh hu di Jơk” được tụng 7 lần, cũng đủ làm tràn đầy ý nghĩa của bát ngát “vô nghĩa” kia!

Ai có thể đón nhận “thông điệp giấu trong chai”?! (xem Inrasara, Hàng mã kí ức-2011)

Tại sao xảy ra NỖI ẤY? – Lỗi chính ở lịch sử!

Cham chuyển lịch sử viết vào huyền sử, đọc tụng trong các lễ hội.

Cham chép sách, chôn sách, giấu chữ, vẽ chữ dưới bàn chân để truyền dạy con cháu [cho kịp phi tang khi giặc tới], quẩy ‘ciêt’ sách chạy loạn, vân vân nỗi.

Trả lời còm một bạn, tôi kê loạt tên tuổi “lớn” thuộc dòng họ tôi thì bị bạn khác mỉa như thể tôi “khoe” thành phần xuất thân. Trởi biển! Cỡ ông Sara mà còn đi khoe khoang mấy ngữ ấy!

Năm 2015, tôi từng có bài: “Những người đàn ông của tôi”, ở đó tôi nêu bật hồn cốt Cham tôi học được từ chục sinh linh láng giềng mà tuổi trẻ tôi từng “sống với”.

Còn xuất thân, tôi dòng Bà-la-môn chính hiệu. Ông nội tôi ‘Paxêh’ sắp lên Baic thì bị “đi”, ông ngoại tôi Gru Urang cao đạo và là tác giả trường ca nổi tiếng, bác tôi Pô Adhya Hán Bằng [tháp Pô Rômê], chú tôi Pô Adhya Pyang [tháp Pô Klong Girai], rồi Mưdôn gru Thạch Tìm, Mưdôn gru Hàm Chanh, Mưdôn gru Hán Phải, Mưdôn gru Dương Dọng…

Tôi may mắn được Đức Pô Rômê ban tặng đặc ân đó.

Trường Pô-Klong, tôi học từ các bậc thầy sau đó là bạn vong niên của tôi.

 25 tuổi vào Ban Biên soạn, bốn năm sống với non 20 người được cho là giỏi tiếng Cham nhất thời đó nữa. Các vị không phải nhà nghiên cứu, mà là sinh linh Cham sống qua nỗi Cham bằng chính tâm thức Cham.

Tôi nhìn, và thấy; tôi sống với và hiểu từng sinh thể. Qua đó, HIỂU CHAM.

“Đoạn trường ai có qua cầu mới hay” – Kiều.

Chưa qua cầu [không phải gió bay]: HẾT MÌNH tìm học, đặt câu hỏi, lên tiếng đấu tranh, chịu đựng và hỗ trợ với TÂM THÀNH, bạn chớ mơ hiểu Cham.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *