Tháp là bộ phận của văn minh Ấn giáo, nơi chỉ để thờ các thần linh thuộc tôn giáo này, cho nên khi nói người Cham phi Bà-la-môn như Islam, Bà-ni… không phải phụng tự tháp, thì KHÔNG có gì sai. Dẫu sao, nhìn sâu hơn vào tinh thần Cham và thực tiễn sinh hoạt tâm linh Cham, thì hoàn toàn khác. Có mấy nguyên do chính:
[1] Các tháp ở khu vực văn hóa lịch sử bắc Champa [Amaravati và Vijaya] có thể chỉ thờ thần Ấn giáo, còn hầu hết các tháp phía nam [Kauthara và Pangdurangga] đều thờ vua hay anh hùng liệt nữ được thần hóa. Các vị là ân nhân của cả dân tộc, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng.
[2] Từ Ấn giáo nhập địa Champa nhất là vùng Pangdurangga, ý nghĩa và chức năng của tháp chuyển đổi đáng kể: tháp đã là tháp Cham đặc trưng, tách biệt khỏi nguồn gốc Ấn Độ để thành của riêng Cham. Như Bini dù xuất phát điểm là Islam, do Cham hóa giải và hòa giải với Bà-la-môn để thành tôn giáo đặc trưng, khác xa với nguồn gốc.
Thế nên Cham Bini thờ phụng tháp thiêng không có gì sai. Và trong THỰC TẾ SINH HOẠT TÍN NGƯỠNG, bà con Cham Bini vẫn làm thế từ mấy trăm năm qua.
Ai có thể phản bác sự thật đó?
[3] Một minh chứng lịch sử cụ thể: Pô Mưh Taha là người Cham Islam (hay Bini), công chúa Bia Than Cih con Ngài được gả cho Pô Rômê có xuất thân không rõ ràng. Pô Rômê mất, người Cham xây tháp thờ Ngài, còn thi hài hoàng hậu Bia Than Cih (Bini) được chôn trên đồi tháp phía Bắc (vừa được khai quật tìm thấy). Vậy tháp Pô Rômê có thuần là của Cham Bà-la-môn không? Thực tế mỗi Katê, bà con Cham làng Pabblap Birau và một dòng họ Văn Lâm [thuộc Bini] lên tháp cúng tế, có khi còn đông hơn cả bà con làng Thon gần đó nữa.
Hôm nay, người Cham hiện theo Islam nhìn nhận tháp Cham như thế nào?
Các tháp Cham dù đang được thờ phụng như Pô Klong Girai hay đã làm “hoang” như Thánh địa Mỹ Sơn đều là di sản văn hóa tổ tiên Champa, là điều không thể chối bỏ. Có thể cộng đồng Cham Islam không cúng tế, nhưng nếu [tôi dùng chữ NẾU] ta chối bỏ tháp như là MỘT DI SẢN DÂN TỘC, có nghĩa là chối bỏ một bộ phận giá trị của văn hóa tổ tiên rồi còn gì!