Câu chuyện Cham-29. LỜI NGUYỀN & GIẢI LỜI NGUYỀN-1,2,3

Suốt lịch sử tồn tại, Cham phát ra nhiều lời nguyền “độc”, từ nhỏ nhất là sách chép tay bị ‘palam’ “phi tang” đến lớn nhất là chuyện tôn giáo hay chủ quyền đất nước.

Thử nêu vài vụ.

[1] Văn hóa Cham chưa trải qua kỹ thuật in ấn, thế nên có được một bản chép tay là điều khó khăn. Để có được sử thi Akayet Dewa Mưno, chủ sở hữu phải bỏ ra cả xe trâu thóc. Đó là một trong những nguyên do Cham quý sách. Để tránh thất thoát, lời nguyền được kẻ sở hữu ghi ở cuối trang trong rất nhiều bản chép tay Cham xưa còn lưu lại.

Thei palam bbon tapuk ni…’: Kẻ nào mượn mà không trả sách này…

Sau này ông Huỳnh Phụng làm khác. Ông không nguyền, mà “giải” bằng câu: ‘Pawah wơk cek ka anưk taco siam siam lô’: Chép lại cho con cháu tốt tốt lắm.  

[2] Vài thập niên trước, cộng đồng Cham truyền tụng câu chuyện về dòng họ Yang In. Kể rằng đây là dòng họ cực kỳ “khó chơi”. Ai mượn bất cứ cái gì của họ mà quên trả, không lâu sau người trong nhà sẽ mắc thứ bệnh lạ. Người bị nạn, chỉ cần nghe ông thầy phán là có vấn đề, gia đình mang “của” ném ra ngoài hàng rào hay lịch sự hơn – trả lại, thì dứt bệnh ngay.

Chuyện là vậy. Sự thật, đây là dòng họ nổi tiếng liêm chính. Dân không ăn cắp, quan không ăn của đút lót; ngoài đường, của rơi không ai lượm; cửa ngõ khuôn viên nhà, tối ngủ không cần đóng. Nỗi đời, kẻ ngay hay bị lợi dụng. Thế là sau bao nhiêu lần chịu thiệt, dòng họ khấn thần Yang và phát đi lời nguyền độc địa: Ai lấy của ta mà phi tang, đời hắn sẽ tàn mạt.

[3] Islam Hồi giáo, vào vùng đất nào, hoặc ở riêng biệt, hoặc ta hoặc mi phải biến.

Ấn Độ banh ra thành Pakistan, sau đó Bangladesh tách ra khỏi Hồi quốc. Cham thì khác, chơi tới bến luôn. Cham hóa giải Islam thành Bà-ni, hòa giải Bà-la-môn thành tôn giáo ‘Ahiêr Awal’ độc nhất vô nhị trên thế giới. Làm được chuyện vĩ đại này, Cham phải kinh qua bao khủng hoảng máu đổ đầu rơi.

Ba thi phẩm nổi tiếng: Akayet Um Mưrup, Ariya Bini Cam, Ariya Cam Bini thể hiện cái bi đát ấy. Có ngưng tại đó đâu, chia rẽ còn thể hiện qua lời ăn tiếng nói dân gian từ ca dao đến tục ngữ. Cham còn coi: ‘Cam Bini karei ia’: Chăm với Bà-ni khác nước! Nam nữ hai tôn giáo này đến với nhau đã khó, chức sắc hai hệ này ra đường còn không thèm nhìn mặt nhau nữa.

Làm sao hóa giải nỗi chia xé kia? 

Đi qua nhau, ‘Paxêh’ và Acar bước tới đúng bảy [7] bước, cả hai dừng lại, đọc câu thần chủ: “Ông wai chuh huk hang Bini thong Cham hôic đa agam

Rồi quay lại hỏi han nhau. Thế là chỉ qua hành cử đơn giản, lời nguyền được hóa giải ngon lành!

Từ đó cánh trẻ ‘Ahiêr Awal’ lấy nhau thoải mái, như chưa từng có gì xảy ra ở đó, từ bảy thế kỉ qua. Tuyệt chiêu Pô Rômê là vậy.

Thế mà hôm nay có kẻ manh tâm xóa bỏ nó. Tội hôn?!

Câu chuyện Cham-31. LỜI NGUYỀN & GIẢI LỜI NGUYỀN-2

Câu chuyện Chế Bồng Nga (tức Pô Bin Thôr, 1360-1390) 4 lần xua quân ra Thăng Long làm kinh hãi người Đại Việt, sử Việt chép một kiểu, Champa truyền cách khác.

Để chiếm lại hai châu Ô, Lý đã mất, Pô Bin Thôr quyết tập hợp lực lượng, cả bên Cham Ahiêr [Cham Bà-la-môn] lẫn Cham Awal [Cham Bà-ni]. Để làm được việc đó, bản thân ngài kiêng cữ cả thịt heo lẫn thịt bò. Hiện nay tục này vẫn còn được tuân thủ tại palei Bính Nghĩa – Ninh Thuận, được coi là quê hương của ngài.

Sau hơn mười năm lên núi tu luyện, ngài được thần Yang ban tặng cho thanh long đao ‘bat palidao’ thần thánh. Để sau đó trong giai đoạn trị vì, chẳng những ngài thu về phần đất đã mất, mà còn mang quân vào tận kinh đô Đại Việt chinh phạt. Chinh phạt thị uy, chứ không có ý định chiếm lấy, để đối phương đừng mong đoạt lại đất cũ nữa. Xong sứ mệnh, Pô Bin Thôr hóa thân về trời nao mưruup.

Sự xuất hiện và hành động của nhân vật Chế Bồng Nga trong lịch sử Champa đã tạo nên thứ huyền thoại về SỨC MẠNH TỪ CHỐI SỰ CHIẾM HỮU KHÔNG PHẢI LÀ CỦA MÌNH.

Đây không phải tùy tiện diễn dịch lịch sử, mà là sự kiện có thực. Tinh thần này lặp đi lặp lại nhiều lần, thành truyền thống Cham. Ở đó chuyện về dòng họ Yang In, là một.

Lời nguyền Champa từng có mặt suốt lịch sử vương quốc, và còn bàng bạc trong đời sống hôm nay. Champa chưa bao giờ lấn chiếm đất nước khác, chưa hề có ý định ở lại, di dân đến xây nhà cửa làm đất nước của mình. Không phía Bắc, không cả phương Nam – là mảnh đất lành, khi ấy còn khá trống, chiếm lấy dễ dàng như thể bóc hòn sỏi trong túi. Vậy mà [nhất là người Nam] Champa chưa bao giờ có ý định đến chiếm hữu. Ở đâu là đất Champa, ở đó họ xây tháp. Còn lại – không.

TA KHÔNG THAM CỦA NGƯỜI, THÌ NGƯỜI CHỚ DẠI THAM LAM CỦA TA.

Làm gì?

Câu chuyện Cham-32. LỜI NGUYỀN & GIẢI LỜI NGUYỀN-3

[chuyện Ma Hời, hay Đâu là đàn giải oan?]

Con người là “sinh vật” duy nhất biết chôn đồng loại.

Cũng có vài loài khác có hành vi tương tự, voi chẳng hạn. Nó biết nhỏ nước mắt tiếc thương, biết “chôn” kẻ mất với đám lá hay bùn đất, và biết trở lại “thăm viếng” kẻ quá cố. Tuy nhiên chắc chắn đó chỉ là phản ứng mang tính bản năng. Kêu rằng chúng có đời sống tâm linh là “nhân tính hóa” loài này quá mức.

Con người thì khác – đầy ý thức. Loài này sở hữu nhiều loại táng khác nhau: Địa táng, hỏa táng, thủy táng, thiên táng cũng không chừa.… Ở đó mỗi dân tộc với tôn giáo khác nhau có vài kiểu táng khác nữa. Phong phú và đa dạng chán.

Cham chẳng hạn. Cham ‘Ahiêr’ hỏa táng, còn Cham ‘Awal’ thì địa táng. Địa táng Cham ‘Awal’ cũng khác với ‘Cham dar’ (Chàm chôn).

Cham không có mộ (mồ, mả), vài nhà kêu “mả Chàm” là ngộ nhận to. Cham ‘Ahiêr’ thiêu không có mộ đã đành, cả hai Cham còn lại cũng không luôn. Tại sao? Ghur (nghĩa trang) Bà-ni tức Cham ‘Awal’ cố nhất được biết đến là ở Phú Yên. Năm 1964 lần cuối cùng – anh Đạo Dú kể, bà con Phước Nhơn ra ‘tabuc haluuk’ (nhúm đất) về Ghur mới, từ đó Ghur làm hoang.

Cham không có mồ được hiểu như mô đất trồi lên cao, mà là “hang” ‘labaang’ mà phần trên được phả bằng với mặt đất. Cham ‘Ahiêr’ sau vài năm được cải tảng làm đám thiêu, còn Cham ‘Awal’ chỉ cần hai hòn đá đặt lên là đủ. 

Bhuut di labaang, Yang di kalan’: Ma ở trong hang, thần ngự trên tháp.

Cham ‘Ahiêr’ còn trong “hang” là ma, khi cải tảng ‘cuh am’ xong làm ‘padhi” mới thành ‘muuk kei’ tổ tiên. Cham ‘Awal’ cũng hệt, xong ‘padhi’ thì làm “muuk kei” chỉ đứng ở đẳng thấp hơn ‘ Yang’ một bậc.

Không được hưởng thủ tục kia, sinh linh Cham vẫn còn sống phận ma.

Cham mất, ‘Ia ô tal, athar ô jek’: Nước chẳng tới, cái không gần – nghĩa là chưa được làm thủ tục ‘lek ia’ (cho nước). ‘Ia ô tal, athar ô jek’ là câu cực kì quan trọng. Dẫu chưa qua ‘padhi”, bạn được ‘lek ia’ thì tạm ổn.

Chết, ‘Ia ô tal, athar ô jek’ – Ma Hời “ra đời”. Từ thuở Đồ Bàn mất cho đến Champa tan rã ở nửa đầu thế kỉ XIX. 363 năm, dân số công dân Ma Hời Xứ là bao nhiêu, chưa có một thống kê. Chỉ biết, ngàn muôn chúng đang lang thang vất vưởng suốt giải đất miền Trung này, giấc “đêm chưa qua ngày chưa tới”.

Giải oan, để chúng mãi mãi “về” ‘nao thaang’, là công việc của chúng ta hôm nay.

Bào giờ?

Đã có gợi ý từ hai bậc thức giả:

Lê Nguyên Phương: “Mơ ước một ngày chúng ta có thể lập đàn hóa giải cho những ác nghiệp của tiền nhân, hòa giải cho những mâu thuẫn kể cả quá khứ của các dân tộc sống trên mảnh đất này. Nhớ tới câu thơ của Tô Thùy Yên:

“Chút rượu hồng đây xin rưới xuống/ Giải oan cho cuộc biển dâu này.”

Hung Nguyen Dang: “Cám ơn Sara đã kể chuyện lịch sử với nhiều tai ương đau xót. Sẽ có một ngày những oan khiên của lịch sử sẽ được hóa giải, tạ lỗi để an yên của người xưa được siêu thoát, an bình hòa nhập của người sống được giải tỏa trong lòng dân tộc đa dạng Việt Nam!”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *