BIỂU TƯỢNG THẤT TRUYỀN-1
Mỗi dân tộc luôn có một/ một vài biểu tượng.
Biểu tượng là tất cả trải nghiệm của xúc giác: nghe, nhìn thấy, sờ mó… đi qua và còn lại trong tâm tưởng. Một biểu tượng của một dân tộc đúng nghĩa không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, ý thức hệ xã hội hay nơi cư trú của thành viên dân tộc, được đại bộ phận cộng đồng tin tưởng và gửi gắm niềm tin yêu vào đó.
Thánh địa Mỹ Sơn là biểu tượng tâm linh Cham.
Homkar là biểu tượng triết lí về vũ trụ viên mãn và linh thánh.
Trường Trung học Pô-Klong là biểu tượng của giáo dục Cham hiện đại.
Với Cham, Tháp Chàm là một biểu tượng. Biểu tượng xa và dài làm thành vô thức cộng đồng không thể xóa nhòa. Cham hãnh diện vì Tháp và đau khổ cũng bởi Tháp, yêu thương hay giận dữ cũng từ Tháp và qua Tháp. Dù bạn đi xa đến đâu, bạn mang đức tin nào bất kì, có thể cả đời bạn chưa một lần lên Tháp, hoặc có ý định hành hương đất Tháp – Tháp vẫn cứ là biểu tượng ở thẳm sâu tâm linh bạn.
Đứa con Cham đồng hóa mình với Tháp. Tại sao?
Tháp là cụm kiến trúc ngự ở một nơi chốn nhất định: mảnh đất của vương quốc Champa cổ; nơi đâu có tháp, đó là đất Champa.
Tháp Chàm dù nhận ảnh hưởng từ Ấn Độ giáo và được dựng lên để thờ các vị thần liên quan đến Ấn giáo, với mọi sinh linh Cham, Tháp là của chung, nơi Cham hành hương, thờ phụng các vị vua Champa [không là của riêng ai] được cộng đồng Cham thần hóa cùng các vị anh hùng liệt nữ, và vô số con người vô danh góp công xây dựng non sông đất nước.
Một biểu tượng xa và xưa như Tháp Chàm, thì khó có thể thất truyền trong tâm thức Cham. Ngược lại, có những biểu tượng thất truyền…
Câu chuyện Cham-23. BIỂU TƯỢNG THẤT TRUYỀN-2
Trường Trung học Pô-Klong là biểu tượng. Biểu tượng “nền giáo dục” Cham hiện đại. Trường tồn tại vỏn vẹn 8 năm ngắn ngủn, thế nhưng dấu ấn Pô-Klong vẫn còn sống dai dẳng trong tâm tưởng Cham. Ít nhất là thế hệ chúng tôi, và trước nữa.
Kỉ niệm tuổi học trò, sinh hoạt nội trú và những kỉ luật tự giác, thành tích cá nhân lẫn tập thể, các ca khúc tiếng Cham của thầy Quạ phổ biến rộng khắp, hàng cây dương, chục tối lưu diễn văn nghệ palei Cham, vân vân.
Người thầy Cham mà thế hệ chúng tôi coi như thần tượng. Thầy Bá mô phạm; Thầy Sang hào hoa; Thầy Tỷ dân Tây học đúng nghĩa. Rồi thầy Phú, thầy Đại… Tất cả.
Cộng đồng Cham không còn bao giờ tìm thấy những điều như thế, lần nữa. Buồn không?!
Trường mang tên vị vua Champa anh minh: Pô Klong Girai, do Cham dựng lên trên “mảnh đất Cham”, bằng công sức của mình. Pô-Klong qui tụ hầu hết con em Cham ở Ninh Thuận và Bình Thuận đến học tập và sinh hoạt, kéo theo phụ huynh các nơi thường xuyên ghé kí túc xá thăm nom con cái.
Sau 1975, Trường Pô-Klong được Nhà nước tiếp quản, vài bận thay tên đổi họ, Cham tản đi khắp nơi, Pô-Klong mất dần hơi thở rồi biến mất ở đầu thế kỉ XXI. Pô-Klong trở thành một biểu tượng…
Tôi vào Pô-Klong với loạt may mắn.
Đậu thủ khoa để nhận học bổng suốt Trung học; là năm đầu tiên Trường phân môn riêng Anh và Pháp, tôi chọn Pháp văn. Thêm may mắn, lần đầu tiên Pô-Klong có đệ nhị cấp, tôi không phải qua Duy Tân.
Nữa, cơ sở cả An Phước và Phan Rang, tôi đều nếm trải. Sau cái “Đêm kinh hoàng” (tên một bút kí của Phú Văn Tình) vào mùa xuân năm 1970, Việt cộng pháo kích Khu huấn luyện Nghĩa quân cạnh Trường, bom pháo bay lạc vào kí túc xá, trường dời xuống thị xã Phan Rang mang tên mới: Trường Trung học Pô-Klong.
Xe Ben chở đám trẻ đổ xuống một bãi cát trắng khô cằn ngập nắng và gió. Ở đó chỉ có cái nhà lầu hai tầng mới xây chỏng chơ giữa mênh mông bãi tha ma đầy xương rồng. Lũ học sinh ra sức dọn hàng trăm bộ xương khô bỏ hoang. Cát, gió và bụi. Bọn trẻ chờ phiên xách từng gàu nước tưới cây làm xanh cả khu đất cằn. Mồ hôi, nước mắt, máu. Vụ gài bom lối đi tiểu mỗi tối, mấy trái M19 bắn vào kí túc xá học sinh vô tội, một trái phá khổng lồ nổ tung khiến nguyên phần lầu khu nữ sinh bị nứt cong vòm hết còn ở được. Mảnh bom lấy đi một mắt trái anh giám thị. Chú bảo vệ người Raglai Mang Nhái nằm chết cong queo.
Tôi từng vác “đạn” theo các anh vào tận Khu Tam giác dẹp bọn quấy phá, tham gia đội bóng đá trường bảo vệ danh hiệu. Mối tình đầu thơ dại [nhưng không dám hó hé] của tôi cũng nảy nở ở đây. Năm cuối cùng, tôi học sinh xuất sắc nhất trường đứng trên bục phát biểu cảm tưởng cũng là năm mà vào mùa hè 1975, tôi và Hiển bị đẩy lên chiếc xe Jeep thẳng hướng đồn công an vì bị tình nghi liên can Ikan Krwak Cá Rô.
Tôi vĩnh viễn rời xa Pô-Klong từ đó.
Biểu tượng mang Pô-Klong về gần gũi tôi hơn bao giờ.
Câu chuyện Cham-23. BIỂU TƯỢNG THẤT TRUYỀN-3
Huyện An Phước và Huyện Phan Lý Chàm là biểu tượng. Khi hai huyện kia vài lần chia và tách, cuối cùng tan rã, biểu tượng mang tính hành chính thất truyền nhanh chóng. Chúng chỉ còn lưa lại trong kí ức người già, để làm cơ sở đối sánh, khi cộng đồng Cham hữu sự với tổ chức chính quyền sở tại sau đó.
Nhớ, dù Cham và Việt sống xen cư và cộng cư: làng cạnh làng, có khi một làng bên thì Việt bên thì Cham, “Quận Cham” chỉ gồm bao các palei Cham. Như thể da beo ấy, vậy mà quản rất được, xử lí nhanh gọn và đảm bảo an ninh quốc gia.
Từ trưởng, phó cho đến nhân viên đều Cham. Cham quản nhau, và trách nhiệm với trên. Chính quyền “ngụy” hiểu nhiều vấn đề chỉ “chúng nó” nói chuyện với nhau được. Chứ không như hôm nay, mỗi thứ ‘Xakawi’ thôi mà họp đi họp lại họp lên họp xuống với khôi ban bệ 4 thập niên tốn bao nhiêu công quỹ mà chưa xong!
Tiếc không?!
Trung tâm Văn hóa Chàm cũng là biểu tượng, dù do người Pháp thành lập và cai quản.
Năm năm có mặt, nó thu thập nhiều tư liệu quý tản mác trong dân, ra được cuốn Từ điển, in vài đầu sách cổ, sách tự học, vân vân. Không là gì cả, nếu Trung tâm không là nơi thu hút 200 học sinh Cham về cư ngụ, trí thức Cham về tụ hội bàn về văn hóa xã hội, nghệ sĩ các nới về biểu diễn.
Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm hiện nay thì khác. Vẫn chốn ấy, đẹp và khang tranh trong lần hơn, khi mảnh đất đó không vẫy gọi Cham đến, như: Bà con nhỡ đường ghé qua tá túc, người có chữ hẹn gặp mặt trao đổi, cô chú qua nhờ vả việc riêng tư, thậm chí cánh trai trẻ tạt vào hẹn hò… thì Trung tâm chỉ còn là “trung tâm” nghiên cứu đơn và thuần, một cơ quan công quyền không hơn không kém.
Cham có thêm một biểu tượng thất truyền.
Ban Biên soạn sách chữ Chăm cũng hệt, như một Trung tâm xưa thu nhỏ.
Năm 1978, Ban Biên soạn sách chữ Cham do được thành lập, là biểu tượng. Nó thu hút Cham đến sinh hoạt, bàn về chữ nghĩa, cũng không ít học sinh qua tá túc. Sinh linh Cham có hướng về nó, nghĩa là hồn vía Cham gửi gắm ở đó.
Nhưng rồi khi BBS mất “đất”, không có Cham nào ghé qua nữa: biểu tượng thất truyền.
Cham còn biểu tượng nào không? Tagalau chăng? Không! Tagalau dù thu hút non 300 tác giả Cham khắp nơi viết, và… chỉ là mảnh ghép phụ trợ cho biểu tượng, chứ không thể là một biểu tượng. Để mỗi Katê, Ramưwan hay Rija Nưgar, Cham cầm nó trên tay, và nhớ. Nhớ về những biểu tượng.
Henri Miller: Dường như sứ mệnh chính của con người trên mặt đất này, là nhớ.
Hôm nay, Cham còn biểu tượng nào để nhớ?
Tháp Chàm!
Dù khói nhang đang mù mịt đồi Tháp ngày đêm, dù thân Tháp được/ bị phục chế và nâng cấp theo cách nhìn của văn hóa du lịch, dù tượng Tháp được/ bị nâng bệ cao ngang người cho ai không biết, và nhất là khi sinh linh Cham hành hương đất Tháp bị/ được chặn cửa bán vé – Tháp vẫn cứ là biểu tượng, một biểu tượng bất khả thất truyền.
Còn gì nữa? Hôm nay và ngày mai…