Câu chuyện Cham-25. VIỆT-CHAM, MÓN NỢ & LỜI CẢM ƠN

Bài bạn FB Duong Trung Dung, chỉnh sửa vài kĩ thuật nhỏ đăng ở đây.

Người Việt mang một món nợ không thể trả và một lời cảm ơn với người anh em Cham.

Tôi không biết khi nào là lần đầu tiên tiếp xúc với văn hóa Cham, có lẽ đã có từ vô thức.

Lần đầu tiên tiếp xúc là tượng thần Devi, tượng nữ thần bán thân xinh đẹp, ngực trần ở nhà ông Trần Huy Bá (ông nội Nhân). Tượng đúc lại bằng sắt rất đẹp. Khi đó tôi là cậu học trò cấp 3. Khi vào đại học thì chơi với anh Hoàng cán bộ trưng bày Bảo tàng Lịch sử. Có lần sinh nhật mình anh tặng mình tượng Devi đúc bằng thạch cao do anh chính tay anh đúc khi làm bảo dưỡng tượng Devi. Tượng nữ thần rất đẹp, tôi có những cảm tình đầu tiên với người đẹp Cham cũng như văn hóa Cham.

Thời gian trôi, khi cùng anh Hoàng đi thăm chùa Phật Tích, bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ Thuật, tôi tiếp xúc với các tượng, các tác phẩm điêu khắc đá mà mọi người nói đều do người Cham làm.

Tôi tin Cham là một dân tộc có trình độ văn hoá cao…

Rồi tôi đi thăm Angkor, khu tháp Mỹ Sơn, tìm đọc thêm về hệ thống tháp Cham tại Đông Dương tôi càng khâm phục và mếm mộ văn minh Cham.

Hôm nay là ngày may mắn khi hẹn được với nhà hiền triết, quý tộc Cham tên Inrasara. Mình vui lắm vì lần đầu tiên được gặp, được nói chuyện và trao đổi với người Cham bằng da bằng thịt. Vâng lần đầu tiên được gặp một cô gái Cham Kiều Maily xinh đẹp, thông minh.

Anh tặng sách và chia sẻ nhiều câu chuyện hấp dẫn huyền thoại về dân tộc mình.

Người Việt bị ám ảnh bởi lịch sử, bởi sự thiếu hiểu biết chúng ta đã lo sợ người Cham, chúng ta lo sợ vì người Việt đã chiếm đất đai, đã tiêu diệt văn hóa của Cham. Không, đó là những sai lầm quá khứ của những người thiếu hiểu biết. Tôi luôn tin yêu vào người anh em Cham, người chúng ta luôn mang một món nợ lịch sử không thể trả được.

Không có người Cham chúng ta sẽ không có Biển Đông, không có những con người đi biển giữ biển ngày hôm nay. Ngay cả Đảo Hải Nam nơi đang có gần vạn người Cham sinh sống, nên có thể nói Đảo Hải Nam cũng là của Cham của Việt, rồi bên Cambodia có 600.000 người Cham, Malaysia có 100.000 người Cham…

Người Việt nói “Trời Đất” người Cham nói “Trời Biển”. Việt – Cham hai dân tộc anh em nhưng chưa mấy khi chúng ta thực sự coi họ là anh em trong nhà. Họ bổ khuyết cho chúng ta nhiều mặt chúng ta còn khiếm khuyết. Người Cham nói ngôn ngữ đa âm, có hệ thống âm nhạc, kiến trúc phát triển cao, đặc biệt họ có nhiều tôn giáo: Phật, Balamon, Bà-ni tức Hồi giáo bản địa hóa.

Tôi tin hàng triệu người Việt đều mang trong mình dòng máu Cham mà không biết. Ngày xưa theo vua theo chúa đi mở đất biết bao anh lính không quay về được quê hương nữa đã chọn đất Cham, vợ Cham làm quê, làm gia đình…

Tôi yêu Cham vì họ là một dân tộc hòa bình, một dân tộc anh em văn minh, gắn bó lâu đời với mảnh đất Đông Dương và Biển Đông. Chỉ khi nào bạn thật sự yêu, bạn mới thấy hết vẻ đẹp và minh triết Cham.

Một lần nữa tôi cảm ơn dân tộc Cham và nền văn minh đóng góp của họ với toàn thể nước Việt Nam. Ngày hôm nay chúng ta phải hiểu sự đoàn kết các dân tộc Việt Nam quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta hiểu giá trị của đa sắc tộc, đa văn hóa đó là các mối quan hệ mâu thuẫn biện chứng tạo ra sức mạnh tổng thể của dân tộc Việt Nam.

Mình mơ ước sẽ yêu một cô gái Cham. Chỉ có tình yêu sẽ vĩnh cửu mới chiến thắng mọi hận thù, hiểu lầm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *