Inrasara: NGÔI NHÀ CỘNG ĐỒNG CHAMPA HẢI NGOẠI & TÍNH BIỂU TƯỢNG

[pôk pa-ôn ka graup anük Cham pak ia lingiu]
Ngoinha Cham01
Mỗi dân tộc luôn có một/ một vài biểu tượng.
Các yếu tố làm thành biểu tượng:
– Địa điểm, đi kèm mảnh đất là kiến trúc hay thấp hơn: cơ sở vật chất, là nơi chốn thu hút cộng đồng trở về, nhớ về, hướng về;
– Một biểu tượng đúng nghĩa không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, ý thức hệ xã hội hay nơi cư trú của thành viên dân tộc;
– Biểu tượng đa phần mang tính Tinh thần và được đại bộ phận cộng đồng tin tưởng và gửi gắm niềm tin yêu vào đó.

Ngoinha Cham 02
Với Cham, Tháp Chàm là một biểu tượng. Biểu tượng xa và dài làm thành vô thức cộng đồng không thể xóa nhòa. Cham hãnh diện vì Tháp và đau khổ cũng bởi Tháp, yêu thương hay giận dữ cũng từ Tháp và qua Tháp. Dù bạn đi xa đến đâu, bạn mang đức tin nào bất kì, có thể cả đời bạn chưa một lần lên Tháp, hoặc có ý định hành hương đất Tháp – Tháp vẫn cứ là biểu tượng ở thẳm sâu tâm linh bạn.
Đứa con Cham đồng hóa mình với Tháp. Tại sao?
Tháp là cụm kiến trúc ngự ở một nơi chốn nhất định: mảnh đất của vương quốc Champa cổ; nơi đâu có tháp, đó là đất Champa.
Tháp Chàm dù xuất phát Ấn Độ giáo và được dựng lên để thờ các vị thần liên quan đến Ấn giáo, nhưng với mọi sinh linh Cham, Tháp là của chung, nơi Cham hành hương, thờ phụng các vị vua Champa [không là của riêng ai] được cộng đồng Cham thần hóa cùng các vị anh hùng liệt nữ, và vô số con người vô danh góp công xây dựng non sông đất nước.
Một biểu tượng xa và xưa như Tháp Chàm, thì khó có thể thất truyền trong tâm thức con dân Cham. Ngược lại, có những biểu tượng thất truyền…

Trước năm 1975, Trường Trung học Pô-Klong, Trung tâm Văn hóa Chàm là biểu tượng.
Hoặc trước nữa: Huyện An Phước và Huyện Phan Lý Chàm là biểu tượng. Khi hai huyện kia vài lần chia và tách, cuối cùng tan rã, biểu tượng mang tính hành chính thất truyền nhanh chóng. Chúng chỉ còn lưa lại trong kí ức người già, để làm cơ sở đối sánh, khi cộng đồng Cham hữu sự với tổ chức chính quyền sở tại sau đó.
Trung tâm Văn hóa Chàm – dù do người Pháp thành lập và cai quản -, với Cham, là một biểu tượng. Cũng như sau 1975, Ban Biên soạn sách chữ Cham do Nhà nước CHXHCNVN thành lập, là biểu tượng. Hai cở sở này có đủ yếu tố làm thành biểu tượng, trong đó yếu tố quan trọng nhất là: Nó thu hút Cham đến sinh hoạt, Cham hướng về – nghĩa là hồn vía Cham gửi gắm ở đó.
Rồi khi BBS mất “đất”, không có Cham nào ghé qua nữa: biểu tượng thất truyền.
Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm hiện nay ngược lại, cơ sở vẫn là mảnh đất đó, đẹp và khang tranh mươi lần hơn, khi mảnh đất đó không vẫy gọi Cham đến, như: Bà con nhỡ đường ghé qua tá túc, người có chữ hẹn gặp mặt trao đổi, cô chú qua nhờ vả việc riêng tư, thậm chí cánh trai trẻ tạt vào ăn uống nhậu nhẹt… thì Trung tâm chỉ còn là “trung tâm” nghiên cứu đơn và thuần không hơn không kém. Cham có thêm một biểu tượng thất truyền.

Xã hội Cham hiện đại, Trường Trung học Pô-Klong là một biểu tượng lớn nhất, đáng hãnh diện nhất – chắc chắn thế!
Trường mang tên vị vua anh minh trong lịch sử Champa: Pô Klong Girai do Cham thành lập, xây dựng và phát triển trên chính “mảnh đất Cham”, bằng mồ hôi nước mắt của mình. Pô-Klong tập hợp gần như tất cả con em Cham ở Ninh Thuận và Bình Thuận đến học tập và sinh hoạt kéo theo phụ huynh các nơi thường xuyên ghé kí túc xá thăm nom con cái. Thầy Cham [đa phần] và học sinh Cham, sinh hoạt Cham và văn nghệ Cham, có đặc san cho Cham do chính các cây bút Cham viết…
Thế nhưng sau 1975, khi Trường Trung học Pô-Klong được Nhà nước tiếp quản, vài bận thay tên đổi họ, Cham tản đi khắp nơi, Trường mất dần hơi thở và nay chỉ còn là cái xác không hồn [Cham]. Một biểu tượng thất truyền từ từ, chua xót và đau đớn.
Cham còn biểu tượng nào không? Tagalau chăng? Không! Tagalau dù thu hút non 300 tác giả Cham khắp nơi viết, và… chỉ là mảnh ghép phụ trợ cho biểu tượng, chứ không thể là một biểu tượng. Để mỗi Katê, Ramưwān hay Rija Nưgar, Cham cầm nó trên tay, và nhớ. Nhớ về những biểu tượng.

Henri Miller: Dường như sứ mệnh chính của con người trên mặt đất này, là nhớ.
Hôm nay, Cham còn biểu tượng nào để nhớ?
Tháp Chàm!
Dù khói nhang đang mù mịt đồi Tháp ngày đêm, dù thân Tháp được/ bị phục chế và nâng cấp theo cách nhìn của văn hóa du lịch, dù tượng Tháp được/ bị nâng bệ cao ngang người cho ai không biết, và nhất là khi sinh linh Cham hành hương đất Tháp bị/ được chặn cửa bán vé – Tháp vẫn cứ là biểu tượng, một biểu tượng bất khả thất truyền.
Còn gì nữa? Hôm nay và ngày mai…
Ngôi Nhà Cộng Đồng Champa Hải ngoại, có lẽ. – Tại sao không?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *