Gần ba thập niên nhập cuộc văn chương chữ nghĩa tiếng Việt, từ sáng tác đến phê bình, từ chủ tọa hội thảo hay chủ trì Bàn tròn văn chương và Cà phê thứ Bảy Văn học cho đến non trăm buổi nói chuyện về thơ ca đương đại khắp các tỉnh thành, Đại học… tôi dường chưa hề bị cái gọi là phân biệt đối xử. Ngược lại, tôi còn được đại bộ phận văn giới Việt ủng hộ, bênh vực nữa. Cả về văn học thuần túy lẫn những gì liên quan đến Cham.
Nhân vụ nhà thơ Trần Mạnh Hảo vu khống tôi, vài bạn Cham cảnh giác tôi về thứ tinh thần racist này. Tôi nói, bà con chớ lo. Tôi phê bình và bị phê bình, không vấn đề gì cả. Ở đây cần phân biệt 4 loại hay bốn mức độ, cấp độ khác nhau của hiện tượng.
Đưa ví dụ minh họa cho mỗi loài sẽ làm rõ sự thể hơn:
[1] Đặc san Hồn Việt do Mai Quốc Liên tổng biên tập, sau khi mang bài thơ “Lổ thủng lịch sử” của Nguyễn Hữu Hồng Minh ra phân tích, đã tố cáo tôi:
“Tuyên bố như ông Inrasara, người luôn cổ vũ, tuyên truyền cho các dòng thơ phá phách “hậu hiện đại” này… thì là phi lịch sử và nhất là ẩn đằng sau những lời lẽ cổ vũ ấy là những hàm ý sâu xa hơn, thách thức hơn, kích động hơn, không khó nhận thấy.”
Đây là lối chụp mũ chính trị, dẫu sao ông chỉ phê phán tôi với tư cách NGƯỜI LÀM VĂN HỌC THUẦN TÚY, không liên quan đến Cham. Tôi nhập cuộc chữ nghĩa Việt, tốt xấu, hay dở tôi nhận về riêng mình. Do đó tôi muốn trả lời hay không, tùy.
Tôi đã trả lời ông: Tìm khắp bài viết của minh, tôi chưa hề nhắc tới bài thơ “Lổ thủng lịch sử”, thì làm gì có chuyện tôi cổ vũ cho nó?!
[2] Phê bình và mỉa mai CÁ NHÂN TÔI NHƯ LÀ CHAM
Hồ Chí Bửu” trả lời phỏng vấn của NNN đăng Vannghesongcuulong:
“một số ‘thông điệp’ của một nhà thơ dân tộc, hô hào cổ suý cho phong trào tân hình thức, hậu hiện đại… anh ta có nói vấn đề đó thì cũng là ngoại ngữ, mà người nói bằng ngoại ngữ thì dễ tha thứ được, chứ gì nữa… tiếng Việt đối với anh ta là ngoại ngữ rồi”.
Tại đây bắt đầu có hơi hướng phân biệt đối xử.
Tôi viết phản biện gửi đến bản báo và hai nhà. Họ xin lỗi, bài được gỡ xuống.
[3] Trên website Sky.vn, 8-2009, NTT viết về tôi:
“Tác giả Văn học Chăm I – khái luận đã hoàn toàn tự học về Văn học Chàm (…) còn quá nhiều không những thiếu sót mà còn sai trật nữa (…) tác giả không có và không đọc được nhiều tài liệu về Văn học Chàm; có đâu mà đọc”.
Đây là chê bai và mia mai tôi với tư cách sinh linh CHAM NGHIÊN CỨU VỀ CHAM.
Không vấn đề gì cả. Tình thật tôi còn muốn nhận nhiều phê bình hơn nữa, nhất là khi nó cụ thể và chính xác.
Kẹt nỗi ở bài “nghiên cứu” này, ông đã chê bai và mỉa mai hầu hết trí thức Cham, từ Lưu Quang Sang và các tác giả Từ điển Việt Chàm Pháp, Po Dharma cho đến quý thầy ở Ban Biên soạn sách chữ Chăm. Thế nên nó thành phân biệt đối xử. Không lạ, ở bài phản biện, Trà Vigia cho đó là “miệt thị”.
Dẫu sao, NTT biết sai và dù không xin lỗi, ông đã âm thầm chỉnh sửa bài viết.
[4] Cái này mới ghê nhất. Từ chê bai tôi, miệt thị CHÍNH DÂN TỘC CHAM
Đỗ Hoàng trên blog cá nhân ngày 22-12-2014, phê thơ tôi nặng lời – là điều tôi chả chút phiền hà; cái tệ hại là nhân đó ông tạt qua miệt thị dân tộc Cham:
“… Dân tộc chưa quá một phường… (trên dưới 100 000 người). Quanh năm suốt tháng Nhà nước phải trợ cấp (16 tỉnh miền núi Nhà nước phải trợ cấp ngân sách)”
Phát ngôn tố giác thứ tâm phân biệt tệ hại. Nếu đó là nhà thơ, sự tệ hại nhân lên bội phần. Ngay khi đọc thấy, tôi đã phản bác ông, rằng Cham có 179.000 người, sống tập trung ở duyên hải miền Trung, Nhà nước hiếm khi trợ cấp cho, nói chi “quanh năm suốt tháng”!
Đ.H chẳng những không xin lỗi Cham mà mới đây, ngày 22-1-2021 ông còn CỐ TÌNH ĐĂNG LẠI nó trên facebook!
Đến nước này thì đích thị nhà thơ bay hết trơn trọi lương tri rồi còn gì.
P.S. Khi không khả năng trao đổi học thuật, người ta hay chụp mũ ở mấy khía cạnh: đạo đức, chính trị, thậm chí giở tới ngón bài chót: phân biệt chủng tộc!